Ngày 2/7/2017, Megan Evans (Wales, Vương quốc Anh), 14 tuổi, một nữ sinh trung học được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng. Trước đó, cô bé vẫn vui vẻ đến trường, còn tham gia cuộc họp để nghe phổ biến thông tin về chuyến tham quan sắp diễn ra.
Megan được miêu tả là cầu thủ khúc côn cầu tài năng, là học sinh chăm ngoan. Cái chết của con gái khiến người mẹ Nicola Harteveld suy sụp.
Dù đã nhiều năm thời gian trôi qua nhưng vụ việc vẫn đang tiếp tục được nhà chức trách quận Pembrokeshire tiến hành điều tra.
Quá trình điều tra cho thấy, có những nhóm tẩy chay chuyên thực hiện các nội dung bêu riếu Megan được lập nên trên mạng xã hội. Khi bị phát hiện và phản ánh với nhà trường, nhóm liền bị xóa bỏ, rồi lại xuất hiện nhóm mới ngay sau đó.
Trong phiên tòa mới nhất, mẹ của Megan cho biết vào những ngày tháng cuối đời, Megan đã phải chịu đựng những lời lẽ tàn nhẫn từ bạn học, thậm chí có người còn trù Megan "Hãy chết đi". Megan đã có những lúc không thể kiểm soát bản thân ở trường học và tại nhà riêng.
Khi thấy con gái có những biểu hiện bất thường, mẹ của Megan đã hỏi các bạn học liệu con có bị bắt nạt ở trường không, song tất cả đều phủ nhận.
Bà mẹ này cho rằng đáng lẽ nhà trường phải có trách nhiệm hơn. Các thầy cô phải nhận thức rõ hơn gia đình về chuyện học sinh bị bắt nạt hay có những biểu hiện bất thường.
Trong khi đó, ông Malcolm Duthie, đại diện cho nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục tại quận Pembrokeshire cho biết họ đã gặp gỡ các bạn học của Megan. Các học sinh này cho rằng Megan không phải là nạn nhân của bắt nạt học đường.
Ông Duthie nói thêm rằng nhà trường sẽ khó có thể thu thập được bất kỳ bằng chứng nào về hành vi bắt nạt vì hầu hết các vụ việc đều diễn ra trên Snapchat - nơi tin nhắn sẽ biến mất sau 24 giờ.
Sau cái chết thương tâm của con gái Megan, bà Nicola đã nỗ lực nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và mối nguy hiểm của nạn bắt nạt trên mạng xã hội. Người mẹ này đã thành lập Quỹ Megan's Starr, một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho những người trẻ tuổi ở quận Pembrokeshire.
Hiện tại, bà Nicola vẫn hợp tác với nhà chức trách để vụ việc được điều tra kỹ lưỡng. Bà hy vọng sự ra đi của Megan là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các gia đình và nhà trường về vấn nạn bắt nạt học đường diễn ra trên không gian mạng.
Phụ huynh có thể nhận biết con đang bị bạo lực học đường qua các dấu hiệu như sách vở, quần áo của trẻ tự nhiên bị rách, hỏng hóc, đồ dùng học tập bị hư hại… Hay trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, xây xát bất thường…
Nếu thấy cảm xúc của con đột ngột thay đổi, mấy hứng thú, không thích đến trường, từ chối đến trường, đề nghị chuyển lớp… bố mẹ cũng cần đặc biệt chú ý. Ngoài ra, một số biểu hiện khác như trẻ thu mình, không tương tác với những bạn bè thường chơi trước đây, đôi lúc cảm thấy con hay cáu gắt quá mức… cũng là dấu hiệu cần quan tâm.
Nếu phát hiện con bị bạo lực học đường, cha mẹ cần đồng hành bên con, lắng nghe và cổ vũ liên tục cho đến khi con xử lý xong vấn đề. Hãy chắc chắn rằng các con biết rằng đó không phải là lỗi của các con.
Hãy nói với con rằng bạn tin con, rằng bạn rất vui vì con đã nói với bạn; rằng đó không phải là lỗi của con; rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp. Hãy đảm bảo các con biết các con có thể nói chuyện với bạn bất cứ lúc nào và cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu sự việc nghiêm trọng, hãy nói chuyện với giáo viên hoặc trường học. Khi cha mẹ phát hiện ra con có các tổn thương về mặt tâm lý và thể chất thì nên đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần khuyến khích con duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp trẻ tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Kỹ năng này cũng hướng trẻ biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột. Tránh những người bạn “trái tính, trái nết” có nguy cơ tiềm ẩn bạo lực học đường.