Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương trị vì lâu nhất thế giới và là Nữ hoàng trị vì lâu nhất của Anh. 70 năm trị vì của bà được đánh dấu vào ngày 6-2-2022, sau đó được kỉ niệm bằng Đại lễ Bạch kim hồi tháng 6 năm nay.
Tên khai sinh của bà là Elizabeth Alexandra Mary Windsor. Nữ hoàng sinh ngày 21-4-1926, là con gái đầu lòng của Thái tử Albert (tức Vua George VI) - con trai thứ hai của Quốc vương George V. Bà không phải là người thừa kế trực tiếp ngai vàng vì chú của bà - Quốc vương Edward VIII - mới là người thừa kế tiếp theo.
Nữ hoàng Elizabeth II tại Đại lễ Bạch kim ngày 2-6-2022. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Quốc vương Edward VIII đã tự nguyện từ bỏ ngai vàng để kết hôn với vị hôn thê người Mỹ Wallis Warfield Simpson sau khi cầm quyền chưa đầy 1 năm. Kết quả, George VI trở thành Quốc vương mới của Anh và bà Elizabeth trở thành người thừa kế ngai vàng tiếp theo.
Vào năm 1952, khi Elizabeth được 25 tuổi và đang thăm Khối thịnh vượng chung thay cho cha mình, bà đột ngột hay tin ông đã qua đời. Lúc ấy, bà đang ở cùng chồng là ông Philip tại một nhà nghỉ xa xôi ở Kenya.
Elizabeth ngay lập tức quay trở lại thủ đô London để đăng quang với tư cách là Nữ hoàng Anh. Kể từ đó, bà trở thành nhân vật "bất biến" dù cho bối cảnh chính trị và xã hội Anh luôn thay đổi.
Ảnh chụp những năm 1970 cho thấy Nữ hoàng Elizabeth II đứng tại một bãi biển không rõ vị trí. Ảnh: Reuters
Elizabeth và chồng Philip tại London năm 1959. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II tại bảo tàng hàng hải ở London ngày 1-5-1990. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II trò chuyện với Công nương Diana ở Westminster năm 1993. Ảnh: Reuters
Vợ chồng Nữ hoàng Elizabeth II năm 1996. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II cùng con gái là Công chúa Anne và cháu gái Zara Philips cưỡi ngựa tại lâu đài Windsor năm 2004. Ảnh: Reuters
Với việc trị vì trong 70 năm và 7 tháng liên tiếp (từ 6-2-1952 đến 8-9-2022), Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II chính thức lên ngôi ngày 2-6-1953 khi mới 27 tuổi mặc dù bà bắt đầu trị vì nước Anh từ trước đó một năm (ngày 6-2-1952), sau khi vua cha đột ngột qua đời .
Trong khoảng thời gian Nữ hoàng Elizabeth II trị vì, nước Anh đã trải qua 14 đời thủ tướng, bắt đầu với cựu Thủ tướng Winston Churchill (1952-1955) và hiện nay là Thủ tướng Liz Truss - người được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm trong một buổi lễ tại lâu đài Balmoral tại Scotland vào ngày 6-9-2022 vừa qua, tức chỉ 2 ngày trước khi bà tự thế.
Thái tử Charles, 73 tuổi, sẽ tự động trở thành vua của Vương quốc Anh cũng như nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc khối Vương quốc Thịnh vượng chung.
Vợ chồng Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh tại Điện Buckingham ở London năm 1952. Ảnh: Reuters
Vợ chồng Nữ hoàng Elizabeth II trò chuyện với nữ diễn viên ba lê Margot Fonteyn năm 1958. Ảnh: Reuters
Hoàng thân Philip gặp Nữ hoàng Elizabeth II (lúc đó bà vẫn là công chúa) lần đầu tiên vào năm 1934, sau đó nảy sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân.
Hai người kết hôn tại Tu viện Westminster vào ngày 20-11-1947 khi Philip đang ở độ tuổi 20 và trước khi công chúa Elizabeth trở thành Nữ hoàng Anh.
Hoàng thân Philip và Công chúa Elizabeth trong lễ cưới. Ảnh: Instagram
Ngày 9-4-2021, Hoàng thân Philip qua đời, cuộc hôn nhân kéo dài hơn 7 thập kỷ giữa ông và Nữ hoàng Elizabeth II dừng lại.
Bức ảnh chính thức cuối cùng được chia sẻ về Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, công bố ngày 1-6-2020, chụp tại lâu đài Windsor. Ảnh: PA
Nữ hoàng Elizabeth II dự đám tang của chồng ngày 17-4-2021. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được sự tin tưởng của 14 đời thủ tướng Anh và đã gặp tổng cộng 13 vị tổng thống Mỹ trong 7 thập kỷ trị vì.
Vợ chồng Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh cùng vợ chồng Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại London ngày 5-6-1961. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Gerald Ford khiêu vũ cùng Nữ hoàng Elizabeth II tại Nhà Trắng năm 1976. Ảnh: Reuters
Tổng thống George W. Bush đứng cạnh Nữ hoàng Elizabeth II tại Điện Buckingham năm 2003. Ảnh: Reuters
Theo truyền thống, lễ tang của Nữ hoàng Anh sẽ là quốc tang, một vinh dự hiếm hoi chủ yếu dành cho người đứng đầu quốc gia.
Vị quốc vương duy nhất của Anh không được tổ chức quốc tang trong 295 năm qua là Edward VIII, người đã thoái vị.
Quốc tang tại Anh được tổ chức theo lệnh của quốc vương và thông qua cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để được cung cấp ngân quỹ. Những nhân vật nổi tiếng từng được tổ chức quốc tang tại Anh bao gồm Ngài Isaac Newton, Ngài Nelson, Công tước Wellington và thủ tướng thời chiến Sir Winston Churchill.
Tang lễ cấp nhà nước cuối cùng ở Vương quốc Anh là của cố Thủ tướng Churchill vào năm 1965 và tang lễ cấp nhà nước cuối cùng dành cho một vị vua là dành cho cha của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, George VI, vào năm 1952.