Ngày 29-11, ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết viện này đã chuyển hồ sơ vụ án cố ý truyền HIV cho người khác đến TAND TP Vũng Tàu để tòa này xét xử sơ thẩm. VKSND TP Vũng Tàu cũng được VKS tỉnh ủy quyền để giữ quyền công tố tại tòa.
Vụ án này đáng chú ý không chỉ ở tính chất độc ác của hành vi mà còn ở chỗ Đào Thị Thu Thảo (giám đốc chi nhánh của một công ty) người chủ mưu được thoát tội nhờ giấy chứng nhận bị tâm thần.
Thuê người lên kế hoạch hại trẻ
Theo cáo trạng, đầu năm 2014, Thảo nhận được nhiều tin nhắn nặc danh cho biết bạn trai của bà có quan hệ tình cảm và có con chung với bà N.T.L. ở TP Vũng Tàu.
Thảo thuê Lê Trung Linh (giám đốc một công ty thám tử) theo dõi gia đình bà L. với giá 20 triệu đồng trong vòng một tháng. Linh gửi nhiều thông tin bằng đường bưu điện cho Thảo, trong đó có hình ảnh của cháu H. (sn 2013, con bà L.). Sau đó, Thảo thuê Linh lấy mẫu tóc và móng tay của cháu H. để xét nghiệm ADN với giá 20 triệu đồng. Linh đóng giả làm nhân viên tiếp thị sữa và lấy được mẫu giám định.
Đến tháng 4-2015, Thảo có ý định hại cháu H. nên đã hẹn gặp Linh để lên phương án bắt cóc cháu H. bỏ vào chùa với giá 240 triệu đồng (Thảo đã chuyển tiền qua tài khoản). Linh rủ thêm một người tên Tâm (không rõ lai lịch) nhưng sau đó Tâm không thực hiện mà bỏ đi đâu không rõ.
Hiện trường phía cổng trường mầm non ở phường 8, TP Vũng Tàu, nơi cháu H. bị chích kim tiêm có máu của người bị nhiễm HIV. Ảnh: Song Nguyễn
Nhẫn tâm, độc ác
Khoảng một tháng sau, Thảo hẹn Linh và Huỳnh Văn Thế (do Linh rủ) đến TP.HCM bàn kế hoạch lấy máu của người nhiễm HIV chích vào người cháu H. Thảo cho Linh biết ngày 1-6-2015 công ty bà L. có tổ chức liên hoan cho các cháu thiếu nhi và chuẩn bị hai bộ quần áo thú bông để lẻn vào tiếp cận chích máu có HIV vào cháu bé. Thế đến quận 4 mua một xi lanh máu của một người nhiễm HIV với giá 1 triệu đồng rồi cùng Linh chạy xe máy xuống Vũng Tàu. Tuy nhiên, hôm đó cháu H. không đến buổi liên hoan.
Mấy ngày sau, Thảo gọi điện thoại cho Linh và Thế tiếp tục mua máu nhiễm HIV để thực hiện kế hoạch. Sáng sớm 9-6-2015, Linh và Thế lại mua máu nhiễm HIV và chạy xe máy từ TP.HCM xuống Vũng Tàu, đến tận trường mầm non nơi cháu H. học. Linh dựng xe ở ngoài đường còn Thế mang kim tiêm đứng ở cổng chờ.
Khi thấy gia đình đưa cháu H. đi học thì Thế áp sát chích máu có HIV vào chân phải cháu H. rồi chạy ra xe để cả hai cùng tẩu thoát. Gây án xong, Linh gọi điện thoại báo cáo, Thảo yêu cầu chuyển kim tiêm cho mình xem. Kiểm tra xong, Thảo chuyển khoản trả cho Linh 120 triệu đồng như giao kèo.
Cháu H. được gia đình đưa đi bệnh viện tiêm thuốc chống phơi nhiễm HIV và điều trị kịp thời nên may mắn không mắc bệnh.
Đến tháng 4-2016, Thảo, Linh và Thế bị công an bắt và khởi tố về tội cố ý lây truyền HIV cho người khác, riêng Thế còn bị khởi tố tội cưỡng đoạt tài sản.
Người chủ mưu được đình chỉ
Tháng 6-2016, theo đề nghị của trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và của gia đình Thảo, CQĐT công an tỉnh này đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Thảo.
Ngày 3-8, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có kết luận giám định pháp y tâm thần với kết luận như sau: “Về y học: Trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Hiện nay đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.
Ngay hôm sau, ngày 4-8, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Thảo.
“VKS chưa nhận được kết luận bà Thảo đã khỏi bệnh”
Hiện nay trên trang web của công ty chủ quản của Thảo vẫn đăng lời giới thiệu, hình ảnh và chức vụ của Thảo là giám đốc một chi nhánh của công ty này.
Ngày 29-11, trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (người ký cáo trạng và quyết định đình chỉ bị can đối với Thảo), cho biết Thảo có kết luận của hội đồng giám định về tâm thần nên VKS đình chỉ điều tra theo luật định.
Trả lời câu hỏi cơ quan nào giám sát việc chữa bệnh của Thảo, ông Rồng nói: “Luật không quy định VKS phải giám sát theo dõi quá trình chữa bệnh bắt buộc dù chúng tôi là nơi ra quyết định đi chữa bệnh, nếu có chức năng đó nữa thì làm sao xuể…”.
Cũng theo ông Rồng, nếu sau khi bị bắt và trong quá trình điều tra có kết luận bị can bị bệnh thì sẽ phải tạm đình chỉ để đi chữa bệnh, nếu chữa khỏi bệnh thì sẽ bị phục hồi điều tra. Còn trường hợp bị bệnh trước và trong khi gây án như Thảo thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó nếu quá trình chữa bệnh bắt buộc có chữa khỏi thì đương sự cũng không bị xem xét trách nhiệm hình sự lại.
“Nếu bà Thảo đã chữa khỏi bệnh thì hội đồng giám định tâm thần cũng phải có kết luận là đã khỏi, họ phải gửi kết luận này cho VKS đề nghị đình chỉ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ban đầu. Lúc này VKS sẽ hủy bỏ quyết định cũ và giao người đã khỏi bệnh cho CQĐT để cơ quan này bàn giao cho gia đình đương sự. Trong vụ này thì VKS chưa nhận được kết luận thể hiện bà Thảo khỏi bệnh” - ông Rồng nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.