Ngày 8/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Hương, được chuyển đến từ khu cách ly tập trung do có biểu hiện rối loạn tâm thần. Bệnh nhân Hương là một trong số những người được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả do cư trú bất hợp pháp trong chiến dịch kiểm soát, phòng chống COVID-19. Bệnh nhân được cách ly theo dõi 14 ngày tại bệnh viện.
Chị Lưu Hải Châu, Điều dưỡng Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Trong thời gian điều trị, bệnh nhân tỏ ra nhút nhát, e dè, thường nói nhảm, không nhớ tên tuổi, địa chỉ nên việc tiếp xúc và khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, các điều dưỡng trong khu cách ly thay nhau mang cơm đến tận giường cho bệnh nhân; thường xuyên theo dõi, quan sát để biết được thói quen, sở thích của bệnh nhân, từ đó chăm sóc, gần gũi hơn. Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh có tiến triển, dần thân thiết hơn với các điều dưỡng.
Điều dưỡng Lương Thị Minh - người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân chia sẻ: Tôi cùng các chị em dành rất nhiều thời gian để gần gũi, nói chuyện với bệnh nhân, nhưng hơn 10 ngày điều trị bệnh nhân vẫn chưa nhớ được thông tin gì. Lo lắng nhất là khi thời gian cách ly đã sắp hết mà chưa tìm người nhà cho bệnh nhân. Không biết sau khi ra viện, bệnh nhân sẽ đi đâu...
"Rồi vào một buổi trực tối, tôi đưa cho bệnh nhân tờ giấy viết thử. Không ngờ bệnh nhân viết được những từ giống tên địa danh nhưng không rõ. Tôi ngồi đọc từng chữ, xâu chuỗi các từ với nhau rồi tìm kiếm thông tin trên Internet. May mắn, tôi tìm được tên của một thôn giống với thông tin do bệnh nhân viết tại một huyện ở TP. Hà Nội. Qua liên hệ với cán bộ công an xã, tôi nhận được thông tin trên địa bàn xã có một trường hợp mất tích nhiều năm. Sau đó, tôi tìm cách liên hệ với gia đình có người mất tích, qua trao đổi hình ảnh, họ nhận ra bệnh nhân chính là người em gái đã mất tích 24 năm" - điều dưỡng Lương Thị Minh nhớ lại.
1 ngày sau khi nhận được thông tin, người anh trai và chị gái của bệnh nhân lập tức đến bệnh viện đón em gái về nhà. Kể từ khi gặp lại anh chị, tinh thần bệnh nhân dần tỉnh táo hơn, đã kể được tên bố mẹ và các anh em của mình. Thế nhưng, bệnh nhân vẫn không nhớ được gì về quãng thời gian sống tại Trung Quốc.
Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân là con gái thứ bảy trong gia đình có chín người con, sống cùng bố mẹ và làm nghề may. Khoảng cuối năm 1991, một người bạn gần nhà rủ bệnh nhân đi chơi và lừa bán sang Trung Quốc. Sau đó, người thân tích cực tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Đến năm 1996, bất ngờ bệnh nhân trở về thăm nhà và kể lại cuộc sống trong thời gian lưu lạc. Sau khi bị bạn lừa sang Trung Quốc, bệnh nhân bị bán làm vợ của một người đàn ông với giá 5 triệu đồng. Chồng bệnh nhân là người hiền lành, đối xử với bệnh nhân rất tốt. Bệnh nhân đã có 2 người con ở Trung Quốc. Về thăm nhà được khoảng 2 tuần, vì quá nhớ con nên quyết định quay lại Trung Quốc. Từ đó đến nay, sau 24 năm, bệnh nhân mới được trở về đoàn tụ với gia đình.