Nữ bác sĩ BV Phụ sản cùng đồng nghiệp cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ bằng kỹ thuật đỉnh cao thế giới: "Mọi em bé đều có quyền được sống!"

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 00:00 09/03/2021
Chia sẻ

Để biến cơ hội sống sót của các thai nhi dị tật từ 10% lên 90%, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mạnh dạn đưa kỹ thuật đỉnh cao nhất thế giới về Việt Nam, giúp nhiều phụ nữ thực hiện được thiên chức làm mẹ thiêng liêng.

Cuối năm 2019, một sản phụ mang thai 23 tuần mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau nên hai thai truyền máu cho nhau, mất cân bằng dinh dưỡng. Trong đó, một thai nhận được nhiều máu bị phù các mô trong cơ thể, thai còn lại nhận được ít máu hơn, bị suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển các bộ phận.

Nếu trước đây, 90% cả 2 em bé sẽ tử vong. Tuy nhiên, nhờ vào kỹ thuật can thiệp bào thai được đánh giá hiện đại nhất thế giới, hiệu quả dường như đảo chiều, 90% thành công thì 2 em bé đầu tiên tại Việt Nam đã chào đời khoẻ mạnh bằng phương pháp này.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đã mạnh dạn đưa kỹ thuật can thiệp bào thai về Việt Nam. Người được bác sĩ Ánh tin tưởng, cử sang Pháp du học, là nữ bác sĩ Nguyễn Thị Sim, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Nữ bác sĩ BV Phụ sản cùng đồng nghiệp cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ bằng kỹ thuật đỉnh cao thế giới: Mọi em bé đều có quyền được sống! - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

"Cửa chửa là cửa mả"

Từ năm cấp 2, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã có đam mê với môn Sinh học. Chị nói "đúng là chữ duyên" giúp chị theo học chuyên Sinh tại trường THPT, rồi thi đỗ học sinh giỏi Quốc gia. Vào Đại học, chị đứng trước 2 sự lựa chọn nghề nghiệp: hoặc giáo viên với suất tuyển thẳng, hoặc học Y khoa.

"Ngay lập tức tôi đã quyết định mình sẽ chọn ngành Y, dù biết khó khăn và vất vả hơn", chị nhớ lại.

Trong thời gian học tập và nghiên cứu khoa học tại Đại học, chị được tiếp cận bộ môn Sản dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô. Là phụ nữ, chị thấu hiểu nỗi đau vượt cạn của các bà mẹ, nên càng quyết tâm học chuyên sâu về Sản với mong muốn giúp đỡ các chị em sau này.

Kết thúc 6 năm, bác sĩ Nguyễn Thị Sim được nhận về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi đó, chị làm việc tại phòng Chẩn đoán trước sinh, chuyên tư vấn và khám sàng lọc cho các bà mẹ mang thai bị dị tật, đưa ra lời khuyên và phác đồ điều trị. Với những bác sĩ mới ra trường, đây là Khoa đầy ám ảnh vì phải đỡ đẻ những em bé không được tròn trịa và xinh xắn.

"Cảm xúc thật khác, nhưng giúp tôi thấu hiểu những mảnh đời vất vả và đau khổ vì những đứa con không may mắn bị dị tật về hình thái hoặc bất thường về di truyền. Các sản phụ có những đấu tranh tâm lý dữ dội, nên giữ hay bỏ", chị tâm sự. Chính vì khoa học không có giới hạn, từng ngày từng giờ phát triển và tiến bộ, đem đến cơ hội chào đời cho những em bé dị tật. Điều này đã thôi thúc bác sĩ Sim theo đuổi chuyên sâu lĩnh vực chẩn đoán trước sinh. Chị muốn giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Nữ bác sĩ BV Phụ sản cùng đồng nghiệp cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ bằng kỹ thuật đỉnh cao thế giới: Mọi em bé đều có quyền được sống! - Ảnh 2.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Sim được nhận về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Người ta thường nói "cửa chửa là cửa mả", bác sĩ Sim càng thấm thía câu nói này hơn ai hết, khi 2 lần mang thai là 2 lần gặp tai biến khác nhau. Với em bé đầu, chị bị băng huyết và phải truyền máu khi sinh. Em bé thứ 2 bị thiếu ối, khi đó chưa có kỹ thuật truyền ối, con chị phải sinh non.

"Tâm lý sinh con như thế nào, tôi vẫn nhớ như in. Gặp bệnh nhân trong hoàn cảnh tương tự, tôi thấy thương và hiểu được tâm lý của họ, rằng họ cũng rất sợ. Chính nỗi sợ đó có thể khiến tình trạng thai nhi xấu đi". Để trấn an các sản phụ, chị Sim chọn cách trải lòng với họ. Đấy cũng là động lực để chị giúp được các bà mẹ và cứu sống các em bé.

"Tôi không muốn nhìn thấy bệnh nhân mà bó tay, nhìn các em bé ra đi mà không làm được gì. Điều đó khiến tôi thực sự trăn trở", chị tâm sự.

Ngày trước, mọi người vẫn nghĩ rằng, bào thai là vùng "bất khả xâm phạm". Các nhà khoa học trên thế giới bắt đầu nghiên cứu và đưa ra được gần như toàn bộ cơ chế bệnh sinh của các em bé khi đang nằm trong bào thai. Năm 2009, việc can thiệp bào thai đơn giản chỉ là đưa kim vào buồng ối, hút nước ối ra xét nghiệm di truyền. Thời điểm đó, các sản phụ rất lo lắng, sợ rằng liệu cây kim đó có làm em bé bị dị tật hay gây vỡ buồng ối dẫn đến nhiễm trùng?

8 năm sau, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cử bác sĩ Nguyễn Thị Sim cùng ê kíp sang Bệnh viện Necker của Pháp học kỹ thuật cao về can thiệp bào thai. Chị Sim gửi 2 con lại cho chồng và bố mẹ nội ngoại. "Không có sự ủng hộ của gia đình, thì không bác sĩ nào có thể hoàn thành tốt công việc của mình".

Tại Pháp, chị ngỡ ngàng rằng những thứ tưởng chừng như không có cách giải quyết, đều được xử lý nhanh gọn. Chị học tập kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, hoàn thành tốt khoá học.

Về nước, chị đã cùng đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hoàn thiện quy trình khám chẩn đoán và điều trị phù hợp với sản phụ, đồng thời xây dựng phòng mổ can thiệp bào thai tiêu chuẩn quốc tế với các ca mổ kỹ thuật cao.

Can thiệp bào thai dần được định nghĩa rõ ràng hơn, là điều trị khi em bé còn nằm trong bụng mẹ, đưa dụng cụ vào trong bụng thai phụ để giải quyết được các vấn đề liên quan tới bánh rau, dây rốn, thai nhi và nước ối, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến lúc đủ tháng. Có những bệnh lý nếu không can thiệp sớm thì khi sinh ra, em bé không còn cơ hội cứu chữa.

Nữ bác sĩ BV Phụ sản cùng đồng nghiệp cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ bằng kỹ thuật đỉnh cao thế giới: Mọi em bé đều có quyền được sống! - Ảnh 3.

Ca mổ y học bào thai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với sự hướng dẫn của GS Yves Ville (Ảnh: BVCC)

Mọi em bé đều có quyền được sống!

Năm 2019, sau bao nhiêu năm ấp ủ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chính thức được triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai. Nhớ lại, bác sĩ Sim nói rằng đó là "một hành trình thật dài".

Tháng 10 năm đó, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cùng bác sĩ Nguyễn Thị Sim, với sự hỗ trợ đặc biệt của bác sĩ Yves Ville - Giáo sư hàng đầu về can thiệp bào thai đến từ Paris (Pháp), đã thực hiện thành công 2 ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên tại Việt Nam.

Đêm hôm trước, chị Sim rất lo lắng, trong lúc ngủ vẫn tưởng tượng xem ngày mai sẽ phải làm như thế nào để có kết quả tốt nhất. Nếu không thành công, hoặc có những rủi ro không lường trước được, thì "hành trình thật dài" kia liệu sẽ phải chấm dứt?

Nữ bác sĩ BV Phụ sản cùng đồng nghiệp cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ bằng kỹ thuật đỉnh cao thế giới: Mọi em bé đều có quyền được sống! - Ảnh 4.

Trước ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên, chị Sim đã rất lo lắng

Bệnh nhân đầu tiên là sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau, 2 thai nhi mất cân bằng dinh dưỡng. Trước biến chứng sản khoa nguy hiểm mà sản phụ gặp phải, bác sĩ Sim cùng cộng sự đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai cấp cứu.

Ca mổ diễn ra trong vòng 60 phút, đưa dụng cụ vào buồng tử cung mà bình thường không ai dám "xâm phạm". Thiết bị đưa camera soi các mạch máu trong bánh rau, đưa được sợi laser vào, giải phóng đường truyền từ mạch máu thai bên này sang dây rốn bên kia, lập lại cân bằng. Hai em bé có 2 vùng đất riêng, cân bằng ối và dinh dưỡng, phát triển như đơn thai, chờ ngày chào đời.

Sau đó, các bác sĩ đưa dụng cụ ra, đóng bụng thai phụ lại, đảm bảo buồng ối không nhiễm trùng, không xâm phạm sự phát triển của thai. 2 thai đã phát triển một cách bình thường như mong đợi.

Ba tháng sau, giây phút 2 em bé chào đời, các bác sĩ đều vỡ oà, vững vàng tâm lý hơn trong các ca mổ tiếp theo.

Ngoài trình độ, sự khéo léo của bác sĩ, kỹ thuật can thiệp bào thai còn đòi hỏi cơ sở vật chất và vật tư y tế hiện đại. Ê kíp phẫu thuật phải phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo khi đưa dụng cụ vào bào thai phải thực sự an toàn, đặt sức khoẻ của bà mẹ và tính mạng em bé lên đầu.

"Tất cả đều phải tinh nhuệ thì mới thành công!", bác sĩ Sim khẳng định. Trong một ca mổ, các bác sĩ phải phối hợp nhịp nhàng giữa mắt, tay và chân. Mắt nhìn các màn hình, tay cầm dụng cụ dò tìm từng mạch máu trên bánh rau, chân sử dụng bàn đạp laser một cách chính xác. Tất cả đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự khéo léo trong từng động tác, không được lơ là kể cả 1 giây.  

Kỹ thuật can thiệp bào thai đã giúp nhiều gia đình được đón chào những em bé khỏe mạnh và đáng yêu!

Nếu như trước đây tỷ lệ cứu sống các thai nhi dị tật chỉ 10%, các bác sĩ đau buồn khi nhìn thấy bệnh lý nhưng không thể cứu chữa, rồi chứng kiến các sản phụ dần bị nhấn chìm trong cơn tuyệt vọng. May mắn thay, với kỹ thuật can thiệp bào thai, mọi em bé đều có cơ hội được cứu sống, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật và phát triển bình thường.

Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện được 46 ca song thai hội chứng truyền máu (tỷ lệ thành công 85%); 30 ca giải xơ buồng ối; 48 ca truyền ối (tỷ lệ thành công 87-88%).

Bác sĩ Sim nhắn nhủ, với phụ nữ, làm mẹ là một thiên chức và trách nhiệm cao cả. Khi có kế hoạch mang thai, chị em nên kiểm tra sức khoẻ, khám sàng lọc để có những bước chuẩn bị thật tốt cho thai kì khoẻ mạnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày