Sau gần hai năm tạm dừng vì dịch bệnh, hiện tại các sân khấu đã trở lại nhịp bình thường với các suất diễn đều đặn vào mỗi tuần. Số ghế trong các nhà hát, sân khấu đã phần nào được phủ kín khán giả. Theo bà Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, sự khởi sắc này có sự góp phần không nhỏ của việc áp dụng công nghệ, mạng xã hội trong việc quảng bá, bán vé từ các nhà hát, sân khấu.
Trong cuộc trò chuyện với báo điện tử Tổ Quốc, NSND Trịnh Thúy Mùi thẳng thắn bày tỏ những hạn chế cần thay đổi của sân khấu Việt Nam.
Nhà hát Tuổi trẻ có lịch diễn đều đặn vào mỗi tuần
Bà đánh giá gì về tình hình sân khấu Việt Nam sau đại dịch Covid-19?
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang nỗ lực mở lại các chương trình nghệ thuật, vở diễn mới. Nhiều đơn vị duy trì các suất diễn liên tục trong tuần. Nhà hát Tuổi trẻ hay đơn vị xã hội hóa - sân khấu Lệ Ngọc là hai đơn vị dẫn đầu về suất diễn phục vụ khán giả.
Ở sân khấu phía Nam, có những vở diễn dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2022 đã đưa vào diễn thường xuyên và nhận được sự đón nhận của khán giả. Trong đó, sân khấu Idecaf có suất diễn và lượng khán giả đông đảo. Đơn vị này thường bán vé trên mạng và liên tục cháy vé. Lịch diễn của Idecaf thậm chí đã kín đến tận cuối năm. Đó là sự khởi sắc tích cực của sân khấu sau đại dịch.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy các đơn vị xã hội hóa đang làm khá tốt vấn đề truyền thông cho vở diễn. Sự đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ, mạng xã hội đã góp phần đưa khán giả đến gần hơn với các vở diễn và sân khấu.
NSƯT Thành Lộc trong vở Cậu Đồng được khán giả yêu thích
Ứng dụng công nghệ đã mang lại sự thay đổi thế nào cho sân khấu kịch?
Hiện nay, các đơn vị sử dụng công nghệ để làm truyền thông rất tốt, mang lại hiệu quả rõ ràng. Đa số các đơn vị nhà nước cũng như xã hội hóa đều đã bán vé, quảng bá vở diễn trên mạng. Tất nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa chuyển đổi, vẫn đang theo dõi, lắng nghe. Nhưng mặt bằng chung đa số các nhà hát, sân khấu đã chuyển đổi và thích ứng khá tốt.
Sự chuyển đổi đó so với cách làm truyền thống nhiều năm qua, chứng tỏ sự nỗ lực của các đơn vị. Bây giờ, khán giả không cần phải chạy đến nhà hát mà vẫn có thể mua vé trên mạng, và chọn chỗ ngồi mình mong muốn.
Không những thế, khán giả còn hiểu được việc tập luyện, không khí làm việc của nghệ sĩ nhờ những hình ảnh, video được đăng tải trên Facebook, YouTube.
Với việc quảng bá, bán vé đã được các sân khấu áp dụng công nghệ, truyền thông, mạng xã hội. Nhưng trong biểu diễn, dường như điều này vẫn thiếu?
Ứng dụng công nghệ trong biểu diễn chỉ có thể áp dụng được trên sân khấu kịch. Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác thì tôi nghĩ chưa phù hợp. Chẳng hạn, nếu dùng màn hình led, thì ánh sáng ở sân khấu phải tối. Lúc đó nghệ sĩ biểu diễn như chỉ phụ họa cho màn hình đó mà thôi. Có những thứ công nghệ sử dụng sẽ mang lại hiệu quả nhưng có chỗ không phù hợp. Với sân khấu truyền thống công nghệ vẫn không thể thay thế được khả năng biểu diễn của nghệ sĩ, chỉ có thể hỗ trợ mà thôi.
Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch nói đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ. Đây cũng là loại hình gắn bó với hơi thở đời sống nên các đơn vị này nắm bắt và áp dụng nhanh.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam
Sân khấu cần truyền thông hai chiều
Để ứng dụng được công nghệ, phát triển sân khấu cũng không thể thiếu đội ngũ sáng tạo. Bà nhìn nhận gì về vấn đề thiếu nhân lực nhiều năm qua của sân khấu?
Lực lượng sáng tạo như biên kịch, đạo diễn sân khấu thiếu hụt nhiều. Riêng lực lượng lý luận phê bình bị đứt gãy nhiều năm qua. Các thầy cô làm lý luận phê bình sân khấu uy tín như cô Minh Thái, thầy Trần Trí Trắc đều lớn tuổi. Các bạn trẻ rất ít người đam mê theo đuổi lĩnh vực này.
Lý luận phê bình nắm vai trò định hướng, dẫn dắt thẩm mỹ của khán giả cũng như người làm nghề. Không có lý luận phê bình nghệ thuật, không chỉ khán giả tù mù mà ngay cả người làm nghề cũng khó nhìn ra mặt hạn chế của mình.
Nhiều năm nay, sân khấu có nhiều lời khen ngợi nhiều hơn phê bình. Khi vở diễn không tạo được những ý kiến trái chiều thì khó tạo được sự tò mò với khán giả .
Nhìn cách làm của sân khấu, thực ra vẫn là cách truyền thông một chiều. Tôi nghĩ hai chiều không hẳn tiêu cực mà đôi khi mang tới những khác biệt, cái nhìn toàn diện trong nghệ thuật.
Ngay cả Hội đồng nghệ thuật cũng khó đưa ra những nhận xét trái chiều với các vở diễn. Hội đồng nghệ thuật hầu như không được trả kinh phí. Nếu có, mỗi đêm làm xét duyệt vở diễn, các thành viên hội đồng chỉ nhận cát-xê ít ỏi, chưa đủ tiền đi lại. Các đơn vị trả chi phí cho các thành viên hội đồng là nhà hát, sân khấu. Như thế đương nhiên hội đồng phải khen ngợi, không thể chê vở diễn của sân khấu đó được. Với cơ chế làm việc như thế khó có thể đưa ra những nhận xét khách quan được.
Đội ngũ tác giả của sân khấu cũng thiếu vô cùng. Phải mất nhiều năm mới tìm được một giải nhất cho một tác giả. Trước đây sân khấu kịch mạnh vì có những tác giả xuất sắc như Lưu Quang Vũ… Nhiều tác giả giỏi hiện tại đã lớn tuổi, không viết nữa rồi.
Bây giờ, cũng không có nhiều nhà văn chuyển sang viết kịch. Nếu có, họ viết kịch bản phim. Điện ảnh phổ cập rộng rãi hơn sân khấu nhiều. Làm tác phẩm điện ảnh thì cả nước biết tới, còn sân khấu chỉ nhóm chuyên môn và lượng khán giả nhỏ.
Sân khấu kịch Lệ Ngọc là một trong những đơn vị xã hội hóa hoạt động sôi nổi ở Hà Nội
Vậy Hội Sân khấu Việt Nam đã có những đề xuất gì để cải thiện bài toàn hóc búa đó, thưa bà?
Thực ra, chúng tôi đã đặt vấn đề ứng dụng công nghệ và bồi dưỡng đội ngũ sáng tạo trong các hội thảo của ngành. Tôi nghĩ cần thiết phải có những khóa tập huấn chuyên môn. Diễn viên thì không cần tập huấn vì mỗi nhà hát đã có các cây đa cây đề hướng dẫn cho diễn viên mới. Còn bộ phận tác giả, đạo diễn hay lý luận phê bình thì sân khấu thiếu.
Các bạn làm nghề bây giờ đã học qua hết trường nghệ thuật rồi. Thậm chí có người học đến Tiến sĩ thì không cần học thêm nữa. Tuy vậy nghiệp vụ của họ lại chưa cao. Do đó, để bồi dưỡng đội ngũ nhân sự của sân khấu cần mời các đạo diễn, nhà làm nghệ thuật chuyên môn cao đến tập huấn, giảng dạy những kỹ năng, kỹ thuật mới.
Hiện, chúng tôi đang làm đề án về vấn đề này. Chúng tôi mong nhà nước quan tâm và có sự đầu tư về công nghệ, bồi dưỡng nhân lực cho sân khấu và các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Xuân Bắc và các diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam
Cảm ơn bà!