Khi Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ, ông cảm thấy việc những người thổ dân nơi đây ăn bọ là một hành động vô cùng hoang dã. Trớ trêu thay, số liệu của FAO cho thấy khoảng 2 tỷ người trong số 7,5 tỷ dân trên thế giới hiện nay đang sử dụng thường xuyên các sản phẩm liên quan đến bọ và con số này có thể tăng gấp 3 lần, chiếm 80% tổng dân số trái đất trong tương lai.
Ngành chăn nuôi bạc triệu
Trong một khu nhà ở thành phố Austin-Texas, hệ thống robot tự động của hãng khởi nghiệp Aspire đang nuôi hàng triệu con dế mỗi ngày. Không phải tự nhiên startup này lại hứng thú với ngành chăn dế bởi xu thế ăn bọ tại Mỹ đang được mở rộng những năm gần đây. Việc mua những sản phẩm như bột protein từ dế hay những thanh kẹo dinh dưỡng bột dế đang ngày càng phổ biến tại Mỹ.
Thậm chí, các sản phẩm từ dế hiện nay đang là mặt hàng xa xỉ ở Mỹ với 1 pound (0,45kg) bột dế có giá bán buôn khoảng 20 USD, trong đó chứa khoảng 4.200-4.800 con dế.
Nguyên nhân chính của sự đắt đỏ này là do hiện chưa có một công nghệ phổ biến nào để có thể chăn nuôi dế hàng loạt. Thêm vào đó, mảng kinh doanh này vẫn còn bị bỏ ngỏ cho các nhà khởi nghiệp hay những công ty nhỏ lẻ, qua đó khiến cầu vượt xa cung, đẩy giá bột dế lên cao.
Ngày nay, các trang trại nuôi dế cần rất nhiều lao động đi chăm nom những máng nuôi để biết khi nào dế cần ăn cũng như quan tâm đến môi trường sống của chúng. Thông thường, người nông dân bón lượng lớn thức ăn cuối ngày và hy vọng lũ dế ăn no qua đêm, nhưng biện pháp này không thực sự hiệu quả khiến nhiều con dễ bị đói hoặc chết.
Nuôi dế bằng công nghệ cao ở Aspire
Mặc dù công nghệ cảm biến dò xét môi trường dế cũng như cho ăn tự động đang được phát triển nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Bởi vậy, chi phí sản xuất cho mặt hàng này cũng không hề rẻ. Thường chi phí lao động chiếm tới 75% tổng giá thành cho sản phẩm bột dế. Dẫu vậy, các công ty trong ngành vẫn rất lạc quan bởi ngành chăn nuôi này còn mới và có rất nhiều không gian để phát triển.
Tại Aspire, các kỹ sư phát triển một hệ thống tự động cho phép các con dễ giao hợp và đẻ trứng tại một khu nhất định. Sau đó họ chuyển trứng đến khu riêng với chế độ bón đặc biệt nhằm đảm bảo lượng sinh trưởng là tối đa. Mỗi khu dế đều có hệ thống cảm biến và tự động bón riêng nhằm chăn nuôi lũ dế một cách hiệu quả nhất.
Tuy vậy, Aspire vẫn mở những trang trại nuôi dế ở Ghana nhằm gia tăng lượng cung cho thị trường vô cùng lớn tại Mỹ. Thậm chí ngay ở các nước đang phát triển như Ghana, các món ăn liên quan đến dế cũng trở thành hàng hot trước thực trạng thiếu hụt thực phẩm. Với chi phí lao động rẻ cùng những trang trại nuôi dế rộng lớn, Aspire kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình này ra toàn Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và lan sang Châu Á trong vòng 5 năm tới.
Nuôi dế tại Big Cricket Farms, trang trại tiên phong trong ngành ở Mỹ
Rất nhiều tập đoàn hiện nay đã nhận thức được tiềm năng của ngành chăn nuôi dế. CEO Indra Nooyi của Pepsi từng tuyên bố tại một hội nghị năm 2016 rằng ngành chăn nuôi bọ có tiềm năng vô cùng lớn.
Báo cáo của Global Market Insights cho thấy thị trường chăn nuôi bọ tại Mỹ có tổng giá trị 33 triệu USD năm 2015 và có thể đạt 50 triệu USD vào năm 2023. Đặc biệt, Global Market dự báo thị trường bột từ bọ trên toàn cầu cho các sản phẩm như bánh trái, súp, thức ăn tráng kiện dự kiến sẽ vượt 165 triệu USD vào năm 2023.
Hiện tại nhiều nhà hàng ở Mỹ, các đầu bếp cũng đã chấp nhận thực đơn với nguyên liệu bọ như dế và giá của chúng không hề rẻ. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi dế làm thực phẩm sẽ trở thành một nguồn Protein quan trọng cho loài người trong tương lai.
Côn trùng đang trở thành xu hướng thực phẩm mới cho nhân loại
Vị cứu tinh cho trái đất
Đến năm 2050, trái đất sẽ có khoảng 9 tỷ người cần thực phẩm để sinh sống và Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) ước tính trừ khi tất cả mọi người chuyển qua ăn chay, bằng không ngành sản xuất thịt sẽ phải gia tăng gấp đôi sản lượng hiện nay để đáp ứng nhu cầu.
Đó là chưa kể đến lượng đất, nước cùng các nguồn lực khác để tạo được lượng lương thực cần có cho dân số ngày một tăng hiện nay. Tồi tệ hơn, việc chăn nuôi, trồng trọt quá đà kèm sử dụng hóa chất đang khiến môi trường, sinh thái tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện nông nghiệp đang đóng góp gần 10% tổng khí thải nhà kính trên thế giới.
Trong báo cáo năm 2013, FAO đưa ra một giải pháp là ngành chăn nuôi bọ. Những con bọ không tốn quá nhiều đất, nước hay những nguồn lực như các ngành nông nghiệp khác. Chúng cũng khá thân thiện với môi trường khi không thải ra nhiều chất gây ô nhiễm. Đặc biệt, thực phẩm từ bọ khá giàu protein, carbonhydrate, lipid, vitamin cùng nhiều khoáng chất khác như Calci, sắt, kẽm…
Ngoài ra, việc ăn bọ cũng tốt cho sức khỏe, nhất là với những người giảm cân dựa trên lượng calorie tiêu thụ. Số liệu của FAO cho thấy món sâu vàng (Yellow Mealworm) chỉ có 140 calorie/100gr, ít hơn 100 calorie so với 80% loại thịt bò hiện nay trên thế giới.
Xét theo khía cạnh môi trường, chăn nuôi bọ thực sự thân thiện với thiên nhiên. Ví dụ, nghiên cứu của Fao cho thấy nuôi dế làm thực phẩm cho hiệu quả gấp 12 lần so với nuôi bò, gấp 4 lần so với nuôi lợn và 2 lần so với nuôi gà. Đó là chưa kể thực phẩm bọ sạch hơn nhiều so với các loại thịt hiện nay do không sử dụng các loại hóa chất.
Nhận ra được tiềm năng này, nhiều công ty đã có đầu tư ban đầu cho mảng nông nghiệp này nhưng hiện chăn nuôi dế và thực phẩm bọ vẫn chưa trở thành trào lưu rộng khắp. Theo CEO Kevin Bachhuber của Big Cricket Farms, trang trại đầu tiên chuyên chăn nuôi dế số lượng lớn làm thực phẩm trên thế giới, ngành này sẽ cần 10-20 thậm chí 30 năm nữa mới có thể hoàn toàn phát triển trở thành nguồn thực phẩm chính được nhân loại tiêu thụ.