Mỗi người đều là một cá thể riêng biệt và ngay từ bé, chúng ta đã được nghe những lời khích lệ như “Hãy là chính mình”, “Bạn là phiên bản độc nhất”. Thế nhưng điều đó không hề dễ với những người có một bản sao y hệt về ngoại hình sống bên cạnh, ngủ cùng giường, học cùng trường lớp, mặc quần áo, để kiểu tóc giống hệt nhau và sinh trưởng trong cùng một môi trường.
Những người có anh chị em song sinh, đặc biệt là cùng trứng phải đối mặt với việc phải nỗ lực “tách” mình ra khỏi cái mác sinh đôi để tự “định danh” bản thân mình. Họ phải đấu tranh để để được nhìn nhận như một cá nhân độc lập, điều mà những người không phải sinh đôi mặc định có được từ khi sinh ra. Và cuộc đấu tranh đó kéo dài suốt đời, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ.
Theo Smithsonianmag, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 20 cặp song sinh lớn tuổi từ 78 đến 90 tuổi về cuộc sống có anh chị em sinh đôi của mình. Bên cạnh việc kể về tình cảm của mình với người anh chị em đặc biệt, các tình nguyện viên cũng dành nhiều thời gian để nói về sự khác biệt của họ. Không ít người bày tỏ mong muốn có một danh tính riêng biệt với người anh chị em sinh đôi của mình, để chứng tỏ rằng họ là những cá nhân độc lập, chứ không phải là “một người trong cặp song sinh” trong con mắt của thế giới bên ngoài.
Cặp diễn viên song sinh người Mỹ Cole và Dylan Sprouse ngày bé thường đóng chung một vai diễn
Nhà tâm lý học Christian Jarrett cho biết: “Họ thường cố ý theo đuổi các sở thích và nghề nghiệp khác nhau. Thật vậy, không ai trong số những người tham gia nghiên cứu từng làm việc trong cùng một công ty với người anh chị em sinh đôi của mình. Những người được phỏng vấn cũng có xu hướng mô tả mối quan hệ gần gũi hơn với cha hoặc mẹ khác với người kia. Họ cũng mô tả sự phẫn nộ khi bị gọi là cặp song sinh - như một đơn vị xã hội duy nhất chứ không phải là hai người khác nhau. Ngay khi đủ lớn, những người tham gia cho biết họ đã chọn mặc quần áo khác với người còn lại”.
Sau 80 năm, bạn có thể nghĩ rằng các cặp song sinh đã quen với việc quá giống nhau hoặc sẽ lớn lên với mong muốn tách biệt bản thân một cách rõ ràng. Nhưng họ thì không. Điều mà các nhà nghiên cứu gọi là sự thiếu cá tính đã được khẳng định suốt đời vẫn là vấn đề sống còn đối với những cặp song sinh, ngay cả khi đã về già. Ngay cả những cặp song sinh 80 tuổi cũng không muốn nhận những món quà giống nhau hoặc bị coi là một cặp.
Những đứa trẻ có anh chị em song sinh thường phải trưởng thành với việc phải “dính” lấy nhau, bị mọi người xung quanh nhầm tên hoặc gọi họ là “cặp song sinh” mà không phân biệt ai là ai. Những đứa trẻ đó gặp khó khăn trong việc nhìn nhận bản thân khi lớn lên, tìm hiểu xem mình khác biệt với những người khác như thế nào và khám phá ra mình là ai.
Việc bị người xung quanh, thậm chí gia đình coi như 1 khiến các cặp song sinh nảy sinh các vấn đề tâm lý đặc biệt trong quá trình trưởng thành
Joel Garibay, một người có anh trai sinh đôi cùng trứng chia sẻ:
“Việc mọi người nhầm lẫn tôi với anh trai khi chúng tôi còn là những đứa trẻ đã gây ra nhiều thiệt hại hơn bạn nghĩ. Làm sao tôi có thể lớn lên để trở thành chính mình khi tôi luôn bị nói rằng tôi là một người khác? Sau khi bị nhầm tên vô số lần, tên của bạn không còn giống tên của chính bạn nữa. Có vẻ như bạn chẳng khác gì cái bóng của anh chị em mình. Nếu tôi phải mô tả cảm giác khi bị gọi tên sai, thì nó giống như một cái tên vay mượn làm lu mờ tên của tôi. Cảm giác như tên của tôi không phải của riêng tôi. Bạn không thực sự là chính mình theo một nghĩa nào đó, đặc biệt nếu bạn học cùng trường lớp, có cùng vòng tròn bạn bè với nhau.
Khi lớn lên, những quan niệm sai lầm như song sinh đọc được suy nghĩ của nhau, cảm nhận được nỗi đau của nhau là những yếu tố góp phần khiến tôi mong muốn được độc lập, khác biệt với người anh song sinh của mình. Vì tất cả những yếu tố này, tôi cảm thấy như mình bị thúc đẩy để tạo ra bản sắc của riêng mình. Tôi đã quá mệt mỏi khi bị nói rằng tôi là người khác. Tôi muốn là tôi. Tôi muốn trở thành Joel”.
Tất nhiên, việc có anh chị em song sinh cũng là một điều may mắn với nhiều người. Họ thường có mối quan hệ khăng khít hơn hẳn so với anh chị em ruột bình thường. Và chính thói quen “ghép cặp” của xã hội xung quanh đã góp phần giúp họ xây dựng mối liên kết độc đáo đó.
Nguồn: The Guardian, Smithsonianmag