Đây là thông tin từ nhà điều hành khí đốt tự nhiên Gascade của Đức.
Nguồn cung khí đốt từ Nga đến Đức là 14,4 Gigawatt giờ (GWh) vào sáng 27/7, so với mức trung bình 29 GWh.
Nhà máy lọc dầu BP Ruhr Oil ở Gelsenkirchen, Đức, ngày 28/3/2022. (Ảnh: AP)
Theo cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của Vương quốc Anh, chỉ cần 1 GWh là đủ năng lượng để cung cấp cho một triệu ngôi nhà trong một giờ.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo về việc giảm mạnh nguồn cung khí đốt vào ngày 25/7 trong bối cảnh bế tắc giữa Moscow và phương Tây. Điều này sẽ khiến châu Âu khó khăn hơn và tốn kém hơn trong việc tích trữ khí đốt trước mùa đông.
Gascade, công ty quản lý mạng lưới khí đốt của Đức, cho biết, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyến đường vận chuyển khí đốt chính của Nga tới châu Âu, hiện chỉ ở mức 1/5 công suất tối đa.
"Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển 1,28 triệu m3 mỗi giờ, tương đương khoảng 20% công suất tối đa của đường ống dẫn khí", người phát ngôn của Gascade xác nhận.
Trong khi đó, công ty năng lượng Italy Eni thông báo, họ đã được Gazprom thông báo rằng việc cung cấp khí đốt sẽ bị giới hạn ở 27 triệu m3 vào ngày 27/7, so với 34 triệu m3 "trong những ngày gần đây".
Những thông báo này đã làm tăng mạnh nỗi lo rằng các quốc gia châu Âu sẽ không thể đạt được mục tiêu nạp đầy kho dự trữ khí đốt và phục vụ cho việc sưởi ấm của người dân trong những tháng mùa đông, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Âu có thể bị ảnh hưởng thêm nếu việc sử dụng khí đốt sẽ phải chia nhỏ và giảm thiểu.
Trạm trung chuyển của đường ống dẫn khí đốt OPAL ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AP)
Trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, đường ống Dòng chảy phương Bắc chuyển khoảng 73 GWh mỗi giờ đến Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cũng như các nước châu Âu khác.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu.
Vào tháng 6, nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm 40% so với mức thông thường và hoàn toàn ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 21/7. Nga thông tin, nguyên nhân liên quan đến việc triển khai kế hoạch bảo trì đường ống hàng năm.
Vào ngày 25/7, Gazprom cho biết sẽ giảm một nửa số lượng khí đốt giao hàng ngày qua đường ống Dòng chảy phương Bắc, đi ngầm dưới biển Baltic, với lý do cần phải bảo trì một turbine.
Một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã lặp lại tuyên bố của Nga hôm 27/7 rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân khiến Moscow phải làm như vậy.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Quá trình bảo trì những thiết bị kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt mà châu Âu đang áp dụng".
Các quan chức châu Âu đã phản đối lời giải thích của Moscow, cáo buộc nước này sử dụng năng lượng như một vũ khí kinh tế và chính trị.
Theo người phát ngôn của Chính phủ Đức, động thái của Nga là một "trò chơi quyền lực" và việc cắt giảm dòng khí đốt "không có nguyên nhân kỹ thuật".
Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã đẩy giá khí đốt của châu Âu lên mức cao kỷ lục, thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn châu lục.
Trong một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông, EU đã chính thức triển khai kế hoạch nhằm giảm tiêu thụ khí đốt vào tháng 3/2023. 27 quốc gia thành viên EU đang đặt mục tiêu giảm lượng khí đốt sử dụng ít nhất 15% so với mức trung bình 5 năm so với cùng kỳ.