Một "cơn bão bom tuyết" vừa hoành hành bờ Đông nước Mỹ với sức gió lên đến 113 km/giờ, khiến nhiều nơi lâm vào cảnh lạnh cóng và có tuyết rơi dày kỷ lục.
Chỉ vài phút là đóng băng
Các đợt sóng lớn do bão gây ra đã khiến một số vùng bờ biển khu vực New England (ở miền Đông Bắc Mỹ, gồm các bang Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut, Rhode Island) ngập trong nước lũ bị đóng băng. Gió to cũng khiến người đi ngoài đường có cảm giác thêm giá rét.
Điều đáng lo là theo đài BBC, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) dự báo ảnh hưởng của không khí lạnh di chuyển từ Bắc Cực sẽ khiến nhiệt độ vẫn duy trì ở mức thấp nguy hiểm khắp miền Đông Bắc Mỹ vào cuối tuần này. Đài ABC News cho biết nhiều thành phố tiếp tục hứng chịu gió mạnh trong lúc nhiệt độ dự kiến sẽ xuống mức thấp nhất trong ngày 7-1 (giờ địa phương) trong khu vực trải dài từ TP Portland, bang Maine đến thủ đô Washington. Giới chuyên gia cũng dự báo đợt lạnh khủng khiếp hiện nay sẽ di chuyển từ vùng New England đến miền Trung Tây và hai bang Nam Carolina, Bắc Carolina, nơi những kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị phá vỡ trong những ngày tới.
Trước đó, theo đài VOA, một số khu vực ở bờ Đông ghi nhận nhiệt độ có lúc chỉ còn -34 độ C hôm 5-1, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn. Đáng chú ý, đỉnh núi Washington ở bang New Hampshire được cho là có những cơn gió lạnh đến -67 độ C đêm 5-1. Các nhân viên cứu hộ nỗ lực dọn dẹp băng tuyết ngoài đường phố giữa lúc ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến thời tiết giá rét khắp nước Mỹ. Khoảng 31.000 người không có điện sử dụng hôm 5-1, hầu hết tại các bang West Virginia, Virginia và Bắc Carolina. Hàng ngàn chuyến bay bị hủy trong hai ngày 4 và 5-1, dù nhiều chuyến bay được nối lại sau đó tại các thành phố New York và Boston.
Dù vậy, việc Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm 5-1 ban bố tình trạng khẩn cấp dành cho TP New York và các hạt lân cận cho thấy nguy hiểm vẫn còn đó. "Chỉ cần da tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời vài phút cũng có thể đóng băng" - nhà khí tượng học Dan Pydynowski của trang AccuWeather cảnh báo.
Một khu vực của TP Boston - Mỹ ngập trong tuyết hôm 5-1 Ảnh: AP
Nóng chảy nhựa đường
Tại nước láng giềng Canada, tình hình thời tiết cũng không khá hơn khi một số tỉnh bị bão tuyết tàn phá, khiến hàng trăm ngàn khách hàng mất điện và ít nhất 2 người thiệt mạng. Cảnh báo về thời tiết cực đoan (bão tuyết, nhiệt độ cực thấp, tuyết rơi dày, gió mạnh...) đã được ban bố tại các tỉnh New Brunswick, Newfoundland, Labrador, Ontario và Quebec.
Cái lạnh cắt da cắt thịt không chỉ làm người dân Bắc Mỹ khốn khổ. Một đợt rét Bắc Cực dự kiến tràn vào Vương quốc Anh cuối tuần này giữa lúc hậu quả cơn bão Eleanor đang được khắc phục. Cơ quan Khí tượng Anh dự báo nhiệt độ có thể xuống -10 độ C tại Scotland và -3 độ C tại miền Nam nước Anh cuối ngày 6-1 (giờ địa phương).
Trước đó vài ngày, Anh thuộc số những nước châu Âu chịu ảnh hưởng của bão mùa đông Eleanor với sức gió lên đến 160 km/giờ. Trong khi đó, bão tuyết tại miền Trung Trung Quốc khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, 200 ngôi nhà bị phá hủy và làm gián đoạn cuộc sống của 560.000 người trong tuần này.
Thời tiết tại Úc lại là bức tranh hoàn toàn tương phản. Các đợt nắng nóng như thiêu đốt tại một số bang New South Wales, Victoria và Nam Úc làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Người dân đã được khuyến cáo uống nhiều nước và không nên ra ngoài trời giữa lúc nhiệt độ được dự báo dao động từ 38-45 độ C trong 2 ngày cuối tuần này. Theo tờ Daily Mail, trời nóng đến nỗi một đoạn đường cao tốc tại bang Victoria bị chảy nhựa.
Người Úc có lý do để lo lắng cho tình hình thời tiết sắp tới sau khi Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) hôm 4-1 cho biết năm 2017 là năm nóng thứ 2 từng được ghi nhận, chỉ thua năm trước đó. Đáng chú ý là nhiệt độ tăng năm 2016 một phần do hiện tượng thời tiết El Nino. Vì thế, cơ quan trên nhận định nếu không tính đến tác động của El Nino thì 2017 chính là năm nóng nhất từng được thống kê.
Do biến đổi khí hậu?
Đài NBC News dẫn lời các nhà khoa học cho biết tình trạng băng giá ở nước Mỹ hiện nay có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí WIRES Climate Change hồi năm ngoái, Bắc Cực đang nóng dần lên và băng tan dường như liên quan đến việc thời tiết lạnh bị đẩy về phía Nam. "Những đợt lạnh mùa đông liên tục có liên quan đến sự nóng lên nhanh chóng ở Bắc Cực, chủ yếu do biến đổi khí hậu mà con người gây ra" - nhà khoa học Jennifer Francis tại Trường ĐH Rutgers (Mỹ), một trong những tác giả của bản nghiên cứu, nhận định.
Các nhà khí tượng học lập luận rằng khối không khí lạnh phía trên Bắc Cực nằm trong một vùng xoáy áp suất thấp gọi là xoáy cực. Nó được hình thành không phải do sự nóng lên toàn cầu hoặc biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc Bắc Á mất băng biển trong lúc có tuyết phủ nhiều hơn đã làm suy yếu xoáy cực. Ngoài ra, bà Francis cho hay nhiệt độ ngoài khơi Bờ Tây ấm lên bất thường đang tác động đến dòng chảy khí quyển hẹp trên Bắc Mỹ - vốn di chuyển từ Tây sang Đông dọc theo ranh giới giữa không khí nóng và không khí lạnh.
Khi dòng chảy khí quyển hẹp này mạnh, nó ngăn gió lạnh ở Bắc Cực vượt ra bên ngoài khu vực này. Tuy nhiên, khi dòng chảy khí quyển này yếu, nó để thời tiết lạnh của Bắc Cực xâm nhập Bắc Mỹ. Theo một nghiên cứu năm 2016, hiện tượng này đã góp phần gây ra thời tiết giá rét ở miền Đông nước Mỹ trong những mùa đông năm 2009-2010, 2010-2011, 2013-2014 và 2014-2015. Theo trang Pri.org, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu có thể góp phần vào hiện tượng nói trên.
Một báo cáo năm 2017, được Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) tài trợ, chỉ ra rằng nhiệt độ Bắc Cực đang tăng gấp đôi mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là khi băng biển tan chảy, ánh sáng mặt trời phản chiếu từ bề mặt đại dương bị giảm và nước sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn, góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu.