Cụ ông với tên gọi Tôn Diệu Đình sinh năm 1902 tại Thiên Tân (Trung Quốc) trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà có 4 anh chị em, ông đứng hàng thứ hai trong gia đình.
Khi còn nhỏ, Tôn Diệu Đình may mắn được học chữ mấy năm. Mà cơ hội học hành này cũng là nhờ cha làm việc trong nông trang của thầy giáo, nên ông mới được học chữ miễn phí.
Nhưng không lâu sau, cuộc sống tưởng chừng bình dị qua ngày này đã bị phá vỡ. Sự loạn lạc của cục diện thời đại đã khiến cha mẹ ông bị mất việc, phải đi ăn xin khắp đầu đường xó chợ. Tôn Diệu Đình đương nhiên cũng phải nghỉ học, theo cha mẹ kiếm từng đồng từng cắc.
Ảnh minh họa
Họ nghe người ta nói rằng tiến cung trở thành kẻ hầu người hạ, nếu làm tốt thì không cần lo cơm ăn áo mặc, còn có thể kiếm thêm chút tiền. Ông bà Tôn cùng đường nên đành phải nghĩ cách đưa con trai vào cung, tìm đường sống.
Song chúng ta đều biết, người bình thường không có học vấn cũng không có quan hệ, muốn tiến cung làm việc thì chỉ còn cách trở thành cung nữ hoặc thái giám. Đây cũng là lựa chọn duy nhất và bất khả kháng của ông bà Tôn cũng như Tôn Diệu Đình.
Không có tiền nên không thể mời đại phu (cách gọi “bác sĩ”, “thầy thuốc” thời bấy giờ), vì vậy, trong ngôi nhà rách nát ở làng quê Thiên Tân, ông Tôn dùng con dao nhà bếp hơ lửa đỏ hỏn để thay đổi cả phần đời về sau của cậu bé Tôn Diệu Đình lúc đó chỉ mới 14 tuổi.
Điều kiện y tế kém, ông Tôn cũng không có kiến thức chuyên môn, Tôn Diệu Đình chảy máu nặng và đau đớn đến thừa sống thiếu chết. Mãi 3 ngày sau đó, ông mới xem như thoát khỏi nguy hiểm, tỉnh dậy từ hôn mê mụ mị.
Ảnh minh họa
Cha Tôn lúc này đột nhiên nói cho con trai một chuyện khiến ông như muốn sụp đổ. Đó chính là Hoàng đế Phổ Nghi của nhà Thanh đã hạ chiếu thư tuyên bố thoái vị.
Điều này không khác gì tiếng sấm giữa trời quang, chịu đau đớn để tịnh thân, trả cái giá quá đắt để mong được đổi đời nhưng cuối cùng công cốc, không thu hoạch được gì.
Song cũng may là mặc dù nhà Thanh đã suy tàn, nhưng Phổ Nghi vẫn được sống trong cung như trước. Tuy rằng có lệnh cấm, nhưng vì đã quen với cuộc sống tôn quý, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh không chịu nổi sự thay đổi của cuộc sống đã làm trái lệnh, chiêu nạp thái giám và cung nữ ngoài cung. Tôn Diệu Đình khi đó đã tịnh thân nhìn thấy hy vọng. Ông Tôn chạy ngược chạy xuôi, nhờ người tìm quan hệ, mới một lần nữa đưa hắn vào cung trở thành thái giám.
Ảnh minh họa
Thế nhưng cuộc sống trong cung không như tưởng tượng. Kiếp làm kẻ hầu người hạ thì dù ít dù nhiều cũng phải trải qua muôn vàn đắng cay. Ở trong cung, Tôn Diệu Đình đã chịu không ít khổ sở, hầu hạ tổng quản đại thái giám, bưng trà rót nước, cúi đầu khom lưng.
Xuất thân từ gia đình nghèo, Tôn Diệu Đình vốn đã rèn luyện được khả năng chịu đựng cơ cực. Ông làm việc nhanh nhẹn, đầu óc tương đối thông minh, còn từng được học chữ vài năm, bởi vậy cơ duyên được thăng quan, từ một tiểu thái giám vô danh tiểu tốt trở thành tiểu thủ lĩnh phụ trách điều phối tạp sự trong cung.
Am hiểu sâu sắc nơi làm việc trong hoàng cung, con đường làm thái giám của Tôn Diệu Đình thuận lợi như cá gặp nước, về sau lại may mắn được đề bạt đến hầu hạ bên cạnh Hoàng hậu Uyển Dung. Thời gian này ước chừng gần một năm.
Ảnh minh họa
Sau đó, Hoàng đế Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi kinh thành, di chuyển về phía Đông Bắc, Hoàng hậu cũng đi theo. Tôn Diệu Đình đã kết thúc sự nghiệp thái giám của mình.
Nhưng quanh năm ở trong cung, ngoại trừ hầu hạ chủ tử, ông cũng không làm gì khác, đương nhiên không thể làm việc đồng áng nặng nhọc. Thậm chí ông còn từng muốn đi đầu quân cho chính phủ Ngụy Mãn để tiếp tục hầu hạ hoàng gia ngày xưa, nhưng bị binh lính Nhật Bản trông coi ngăn cản. Bất đắc dĩ, Tôn Diệu Đình chỉ có thể trở về quê hương, cùng hơn 40 thái giám chung cảnh ngộ khác sống trong chùa Vạn Thọ Hưng Long, an hưởng tuổi già.
Tôn Diệu Đình
Nếu hỏi vì sao thái giám có thể sống trong chùa thì lại phải nhắc đến một số quy tắc của nhóm hạ nhân này thời bấy giờ. Đối với đại thái giám như Lý Liên Anh, tâm phúc của Từ Hi Thái hậu, ông không cần phải lo lắng gì cả vì đã có đủ tiền tài để cho mình cuộc sống đủ đầy khi về già. Nhưng không phải thái giám nào cũng có thể làm được điều này.
Theo đó, họ phải chuẩn bị trước cho phần đời sau của mình. Họ thành lập một cộng đồng riêng, đóng góp cho chùa, thậm chí là xây dựng để sau này có chốn nương thân. Đó chính là điều mà Tôn Diệu Đình đã làm.
Nguồn: Sohu