Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay

Diệp Lục, Theo Helino 02:30 21/07/2019

Phụ nữ Trung Quốc hiện nay phải đứng giữa nhiều sự lựa chọn với những nỗi lo thường trực từ công ty cho đến ở trong gia đình.

Bella Wang, 32 tuổi, thông thạo tiếng Anh và có bằng thương mại quốc tế cho hay, khi đi phỏng vấn xin việc, các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc thường có câu hỏi phổ biến là cô đã kết hôn hay có con chưa?

Khi cô được tuyển vào vị trí quản lý tại một công ty lớn chuyên đào tạo ngôn ngữ ở phía bắc của thành phố Thiên Tân thì cô bất ngờ nhận được một thông báo, công việc cô được nhận cần đi kèm với một điều kiện.

Đó là khi đã kết hôn mà chưa có con, cô sẽ phải ký một thỏa thuận đặc biệt là không mang thai trong vòng 2 năm. Nếu cô phá vỡ điều này, Bella Wang ngay lập tức sẽ bị sa thải mà không được bồi thường. Dù cảm thấy bức xúc với điều kiện này nhưng cuối cùng cô cũng chấp nhận ký vào giấy cam kết.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 1.

Bella Wang chấp nhận ký giấy cam kết không sinh con trong 2 năm.

Những thỏa thuận như vậy là bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng nó đang ngày càng trở nên phổ biến ở đây, nơi mà tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ đang ngày một gia tăng. Ngay từ trong bụng mẹ cho tới nơi làm việc, từ chính trường đến gia đình, phụ nữ ở Trung Quốc đang mất dần vị thế.

Dân số Trung Quốc đang ở mức báo động vì hệ lụy từ chính sách một con. Chính vì vậy, chính phủ nước này đang tìm mọi cách để khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con. Tuy nhiên, thay vì tạo điều kiện cho phụ nữ vừa đi làm vừa mang bầu thì Trung Quốc lại đang muốn "hồi sinh" truyền thống phụ nữ ở nhà làm nội trợ và sinh con.

Tại nơi làm việc, nhiều ông chủ công khai chỉ tuyển nam giới thay vì phụ nữ, họ cũng ưu ái để đàn ông được thăng chức, lên làm quản lý bởi họ sẽ không phải trả quá nhiều chi phí cho việc nghỉ thai sản của các nữ nhân viên. Trong khi đó, phụ nữ ở nhà làm nội trợ sẽ bị thiệt thòi khi họ ly hôn và mất đi chỗ đứng trong xã hội. Nhiều phụ nữ Trung Quốc giờ đây bị ép buộc bị thôi việc bởi những ông chủ phạt họ nếu họ mang bầu.

Bất chấp sự bất bình đẳng ấy, phụ nữ Trung Quốc ngày càng gia nhập vào lực lượng lao động với con số kỷ lục, họ bắt đầu được hưởng nhiều quyền lợi lớn hơn và được tôn vinh vì những đóng góp vượt trội của họ.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 2.

Phụ nữ Trung Quốc chịu phân biệt đối xử ở nơi làm việc.

Vào năm 2010, theo kết quả điều tra, thu nhập trung bình của phụ nữ ở các thành phố Trung Quốc bằng 67% so với nam giới và ở nông thôn là 56%. Chắc chắn, với sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, phụ nữ đang sống lâu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và tốt nghiệp đại học với số lượng lớn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Trung Quốc từng là một trong những nước có tỷ lệ nữ giới tham gia lao động cao nhất thế giới vào những năm 1990, giờ đây, con số này giảm xuống còn 61%, theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Kể từ khi ký thỏa thuận đặc biệt hai năm trước, cô Wang đã rất sợ có thai. Trong những tháng đầu tiên đi làm, một đồng nghiệp của cô mang bầu và đã bị đuổi việc. Cô Wang cũng muốn có con nhưng cô quyết định ký cam kết vì hào hứng với công việc hơn.

"Tôi vẫn là một phụ nữ Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi có một số khiếu nại nhưng chúng tôi không thể mạo hiểm để đưa chúng ra. Bởi vì, dù bằng mọi cách, chúng tôi đều sẽ thua", cô Wang nói trong một quán cà phê ở Thiên Tân.

Buộc phải đứng giữa sự lựa chọn sự nghiệp hay gia đình, cô Wang đã chọn sự nghiệp trong khi cũng có nhiều phụ nữ Trung Quốc khác đang dần từ bỏ sự nghiệp riêng của mình khi những kỳ vọng nuôi dạy một đứa trẻ đang ngày một gia tăng trong xã hội.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 3.

Wang Yan, một bà mẹ nội trợ tại thành phố Yên Đài.

Wang Yan, 35 tuổi, một bà mẹ nội trợ ở thành phố Yên Đài, nói rằng vào thời cha mẹ cô chỉ cần đảm bảo các con được ăn no, không bị chết đói. Bây giờ trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ dừng lại ở việc ăn no.

Giờ đây, ở Trung Quốc, các bà mẹ nhận phần lớn trách nhiệm kèm cặp con gái, giám sát làm bài tập về nhà, dạy kèm sau giờ học và các hoạt động ngoại khóa khác. Trong khi tại nơi làm việc, phụ nữ cũng bị khuyến khích nghỉ việc khi họ nghỉ thai sản.

Nhiều công ty hạn chế đến mực tối đa cấp lương cho những người phụ nữ nghỉ thai sản. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty cung cấp ít nhất 14 tuần nghỉ có lương cho phụ nữ có con. Người cha thường nhận được hai tuần. Tuy nhiên, chỉ những người đàn ông mới được ưu tiên. Điều này là bất hợp pháp, nhưng ngay cả các cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng làm điều đó.

Các nhà tuyển dụng thường xem những người phụ nữ như cô Wang đã kết hôn mà không có con là canh bạc lớn nhất để tuyển dụng hoặc thăng chức. Nhiều phụ nữ mang thai được sắp xếp lại công việc vào vị trí ít quan trọng hơn. Do đó, cơ hội để phụ nữ nên làm lãnh đạo công ty đã bị hạn chế trong những năm gần đây. Chỉ có 21% các công ty Trung Quốc có phụ nữ làm lãnh đạo vào năm ngoái, theo báo cáo khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Vấn đề này đã trở nên rõ ràng hơn kể từ năm 2015, khi chính phủ chấm dứt chính sách một con và bắt đầu cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai. Trong một cuộc khảo sát chính thức vào năm 2017, khoảng 54% phụ nữ cho biết họ đã được hỏi về tình trạng hôn nhân và sinh con trong các cuộc phỏng vấn xin việc.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 4.

Nhiều phụ nữ sinh con mất đi cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Bắc Kinh đã ban hành một chỉ thị vào tháng 2 năm nay kêu gọi thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn chống phân biệt đối xử về giới. Nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu với mọi người nên không đem lại hiệu quả thiết thực nào.

Khi cô Sharon Shao tiếp xúc với một số luật sư để tìm hiểu về ly hôn vào mùa xuân năm 2013, tất cả họ đều có chung một lời khuyên: Đừng bận tâm đến việc đưa chồng bạn ra tòa. Bạn không có hy vọng sở hữu căn hộ nào cả.

Việc cô là trụ cột chính trong gia đình, phải trả các khoản thanh toan thế chấp, việc người chồng đánh đập cô, lừa dối cô đều không có nghĩa lý gì trong việc ly hôn. Bởi lẽ bố mẹ chồng cô đã trả tiền mua căn hộ, cô Shao không được đứng tên. Theo phán quyết của tòa án, chắc chắn căn hộ đó thuộc về chồng của cô.

Đối với cô Shao, 36 tuổi, đã mất đi cha mẹ khi còn nhỏ, việc không có nhà ở thật là điều tàn khốc. "Sau khi ly hôn, tôi đi lang thang khắp nơi mà không có cảm giác thân thuộc nào. Tôi hoàn toàn cô độc", cô Shao nói.

Trường hợp như Shao không phải là hiếm, số lượng người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự đang gia tăng. Ở một đất nước nơi bất động sản chiếm hơn 70% tài sản cá nhân, phán quyết của tòa án tối cao là một trở ngại đáng kể cho phụ nữ.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 5.

Nhiều phụ nữ có gia đình đứng trước nỗi lo trắng tay sau khi ly hôn.

Luật pháp Trung Quốc trước đây đã công nhận nhà của một gia đình là tài sản chung trong thủ tục ly hôn. Nhưng luật pháp thay đổi vào năm 2011 quy định, bất động sản mua trước khi kết hôn, hoàn toàn hoặc trả góp nên hoàn lại cho người mua trong một vụ ly hôn và đó thường là người chồng.

Trên thực tế, phụ nữ Trung Quốc ngày nay thường chỉ đồng ý kết hôn khi người chồng tương lai sở hữu một ngôi nhà. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã dành dụm tích cóp tiền trong nhiều năm để giúp con trai họ mua một căn hộ, điều kiện quan trọng để lấy được vợ. Quy định mới được đưa ra vì lo ngại rằng phụ nữ sẽ sử dụng hôn nhân để lừa gạt tiền, chiếm đoạt tài sản của gia đình nhà chồng. Rõ ràng đây là một suy nghĩ phân biệt về giới.

Đàn ông Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ khoảng 31 triệu người, sự mất cân bằng này gây ra bởi truyền thống có con trai nối dõi. Chính sách một con đã khiến nhiều gia đình phá thai để chọn lọc giới tính. Dù mất cân bằng dân số như vậy nhưng phụ nữ Trung Quốc thường chấp nhận kết hôn với những điều kiện không thuận lợi về mình.

Một cuộc khảo sát năm 2012 của Horizon China, một công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho thấy 70% phụ nữ đã kết hôn đóng góp tài chính cho việc mua bất động sản của gia đình nhưng chưa đến một phần ba trong số đó căn hộ được mang tên của họ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nankai ở Thiên Tân năm 2017 đã kiểm tra 4.253 bất động sản và việc người vợ đứng tên chỉ chiếm khoảng 1%. Và điều này trở thành cơn ác mộng với phụ nữ khi họ có ý định ly hôn.

Cô Shao, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính từ một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, cho biết chồng cũ của cô đã đề nghị họ cùng nhau góp tiền để mua căn hộ trước khi cả hai kết hôn. Vào thời điểm đó, chồng tương lai của cô đang hoàn thành bằng tiến sĩ và cô kiếm được khoảng 600 đô la mỗi tháng với tư cách là một lập trình viên máy tính.

Cha mẹ chồng đã góp thêm tiền cho cặp đôi mua nhà như là một món quà cưới và cô chỉ cần trả góp hàng tháng 450 đô la cho căn hộ. "Tôi đã ngây thơ và ngốc nghếch", cô Shao nói. Nhiều lần cô đã yêu cầu chồng cũ cho tên mình vào sổ hộ khẩu nhưng anh ta luôn từ chối với lý do cô sẽ được hưởng những lợi ích mới khác nếu như họ đầu tư vào một bất động sản khác.

Nỗi khổ của phụ nữ Trung Quốc: Ở công ty thì bị phân biệt, về nhà cam chịu chồng ngoại tình, ngược đãi vì lo sợ ly hôn trắng tay - Ảnh 6.

Nhiều năm sau, sau khi họ kết hôn và chuyển đến Thượng Hải, cô Shao phát hiện ra chồng mình đang ngoại tình. Bởi vì cô ấy có bằng chứng rằng Shao đã thực hiện các khoản trả góp cho ngôi nhà nên người thân của cô đang xoay xở để thương lượng giải quyết tiền mặt cho cô ấy. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ ở Trung Quốc có ít lựa chọn hơn và nhiều người cuối cùng không có gì trong tay sau cuộc ly hôn. Một số khác chấp nhận không ly hôn, sống trong cam chịu thậm chí bị lạm dụng, ngược đãi.

Từ phong trào #MeToo đang lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới, một số phụ nữ Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố và các chiến dịch trên phương tiện truyền thông xã hội để giành quyền lợi cho mình nhiều hơn. Phụ nữ Trung Quốc cũng thể hiện sự bất mãn của mình bằng việc không kết hôn và sinh con. Vào năm ngoái, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm xuống ở mức thấp nhất và tỷ lệ sinh giảm xuống mức chưa từng thấy trong lịch sử 70 năm của quốc gia này.

Tỷ lệ ly hôn cũng tăng lên và đa phần xuất phát từ phụ nữ. Lü Pin, một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng của Trung Quốc cho biết, họ không sinh con và kết hôn. Đây là cách họ chống lại xã hội phân biệt họ.

Nguồn: NewYork Times