Thực hư chuyện dân văn phòng làm việc ở các toà nhà trong khu phố Nhật - con đường Lê Thánh Tôn, Quận 1: "Nếu không mang cơm nhà đành ăn món Nhật đắt đỏ?".
Chuyến du ngoạn trong "thế giới sống của dân văn phòng" sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua hội công sở ở khu phố Nhật lớn và lâu đời nhất TP Hồ Chí Minh.
Sở dĩ gọi con đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1 là phố Nhật vì dù đứng tại đâu, hễ thấy bảng số nhà mang tên Lê Thánh Tôn ắt bạn sẽ thấy "hơi thở" của Nhật Bản. Cả khu phố với những tấm biển hiệu chằng chịt chữ Nhật, đèn lồng trắng hoặc đỏ, thiết kế phủ gỗ là chính, tỉ lệ các quán ăn, quán rượu, dịch vụ giải trí... của Nhật được kinh doanh ở đây phải chiếm 8/10 con đường. Đấy là chưa tính đến ngõ hẻm - cứ rẽ ngẫu nhiên vào con hẻm nào, kể cả rẽ tiếp một hẻm nhỏ nằm trong đó, cũng sẽ có khắp các hộ dân, hàng quán mang đậm văn hóa, ẩm thực Nhật.
Từ mặt tiền đến ngõ hẻm, đâu đâu cũng là các quán ăn kiểu Nhật phục vụ cả ngày lẫn đêm. Chỗ đâu để dân văn phòng tại đây ăn trưa nhỉ?
Khu phố mang tên "Little Japan Town" này là địa bàn "giải khuây" nức tiếng Sài Thành khi về đêm là hàng loạt biển hiệu san sát bật đèn, cửa lùa được đẩy liên tục, màn vải đặc trưng quán Nhật thì được vén cho người ra người vô không ngớt. Không kể khách du lịch hay giới "sành ăn, sành chơi", cả dân văn phòng và sinh viên cũng ngồi quen mặt ở các quán trần thấp để cùng đồng nghiệp, bạn bè nhâm nhi đồ Nhật, thưởng rượu, trò chuyện say sưa.
Ban đêm ấm cúng, huyên náo là vậy nhưng trước giờ tan tầm của dân hành chính, toàn bộ khu phố Nhật sẽ vô cùng yên ắng. Ở đây ban ngày sẽ là không gian của dân "bàn giấy", với các tòa nhà văn phòng cực đại như CJ Tower, Lim Tower, Sonatus Tower chứa rất nhiều công ty lớn, tập đoàn quốc tế như Shopee, Mekong Capital, Techcom Bank, Dell Global B.V (Hà Lan), Green Lotus...
Những tòa văn phòng cao cấp ngay mặt tiền đường Lê Thánh Tôn hiện là nơi làm việc của hàng chục nghìn nhân viên thuộc các tập đoàn/công ty lớn thế giới.
Đây còn là nơi làm việc của nhân viên Shopee
Với "profile" là nhân viên của doanh nghiệp nước ngoài, công ty có tài chính vững... vì mức giá thuê văn phòng tại khu đắc địa Lê Thánh Tôn không hề thấp thì hiển nhiên một suất ăn tại quán Nhật dân văn phòng ở đây thừa sức chi trả. Thế nên nhiều người nghĩ rằng có lẽ người nếm và sành ẩm thực đất nước Mặt trời mọc không ai khác ngoài họ. Ra đến sảnh, đi thêm vài bước chân là đụng một quán ăn Nhật, từ cao cấp đến bình dân, ai không mang đồ ăn nấu sẵn, chắc mỗi buổi trưa sẽ được ăn "mâm cơm gia đình Nhật" tại khu phố này.
Thực tế luôn cho mặc định trong đầu của chúng ta một câu trả lời "chan chát". Chúng tôi đi bộ từ con đường lớn, rẽ vào con đường nhánh, len vào các hẻm hóc của khu phố, săn tìm bóng dáng dân văn phòng ăn "cơm Nhật chính gốc" nhưng chẳng thấy đâu.
Các hẻm có quán ăn Nhật san sát nhau nhưng dân văn phòng quanh đây không đi bộ đến
Mặc dù trước cửa từng quán ăn Nhật, thực đơn chìa sẵn mời gọi không cần khách vào bên trong. Thậm chí các chủ quán còn đầu tư khi phát triển đa dạng thực đơn riêng cho giờ trưa như combo cho nhóm đồng nghiệp, set lunch tiện dụng cho một người... nhưng tình hình chung vẫn neo khách.
Các quán Nhật cũng mở thêm các set lunch phục vụ đối tượng nhân viên văn phòng vào giờ trưa với mức giá không quá cao, nhưng thực tế vẫn rất ít người đến ăn vì không gian đối với họ không thật sự quá gần gũi.
Một phần cơm trưa văn phòng với giá 60k bao gồm cả bufet rau, nếu so về giá thì suất ăn này còn chưa bằng 1 món ăn của quán nếu bán theo dạng a la carte.
Chị Uyên, hiện đang làm việc trong Sonatus Tower nói rằng: "Bạn bè khi biết mình làm việc ở Shopee thì đều nghĩ rằng mình suốt ngày được ăn đồ Nhật, thưởng thức từ sashimi, shushi, mochi, ramen... đến ăn vặt takoyaki. Nhưng thực tế mình ngồi ăn trưa trong quán Nhật vào những ngày đi làm chưa được 4 lần/năm...".
"Các quán ăn Nhật dù nằm sát văn phòng nhưng không phải là chỗ quen của chúng mình đâu. Giờ trưa mình và đồng nghiệp khi chọn chỗ ăn, hầu như không bao giờ trong đầu chúng mình có phương án là các quán Nhật để phân vân. Mọi người nghĩ dân văn phòng ở khu phố Nhật thường ăn đồ Nhật là sai lầm, công ty mình một nửa là mang cơm nhà, một nửa là ăn các món Việt được bày bán tạm thời vào khoảng thời gian trưa ở đây" - Anh Hoàng Minh cho biết.
Dẫu các quán ăn Nhật Bản có lợi thế mặt bằng khá tốt, không gian đẹp đẽ rộng rãi, lắp điều hòa mát mẻ nhưng dân văn phòng khi cuốc bộ tìm chỗ ăn vào giờ trưa ai đi ngang đều ngoảnh mặt làm ngơ.
"Lý do không chọn ăn đồ Nhật cho các bữa trưa trong tuần đơn giản lắm, chỉ là thói quen ăn uống của bản thân thôi. Nếu ăn món Nhật cảm giác như mình đang ăn tiệc ấy, không quen miệng quen bụng như một bữa ăn thường ngày. Người Việt sống bằng cơm Việt quen rồi, ở đâu cũng vậy thôi!" - Anh Hoàng Minh cười.
Chị Vân Anh chia sẻ: "Tuy làm cho công ty quốc tế, mức lương có nhỉnh hơn mặt bằng chung một chút nhưng không có nghĩa là mình nên tiêu xài quá 'thẳng tay'. Một phần ăn trưa trong quán Nhật rẻ cũng phải trên 100 nghìn, chưa tính mua nước uống. Nếu ngày nào cũng ăn trưa từ 100 - 200 nghìn thì lương của mình chỉ dừng ở chỗ 'đủ sống', không thể có khoản tiết kiệm hay phụ giúp gia đình".
Các quán ăn Nhật im lặng như tờ cũng vì một nỗi khổ riêng. Dù có cắt giảm đến đâu thì phần nguyên liệu cho một món ăn đúng chuẩn Nhật Bản vẫn phải đủ, cộng với chi phí thuê mặt bằng, nhân viên... đâu thể nào chịu lỗ để có mức giá cạnh tranh với các hàng quán vỉa hè, hoặc những quán ăn bình dân Việt dù thuê mặt bằng trong nhà nhưng bán món cực kỳ đơn giản.
Huống chi, người Việt ăn cơm theo khẩu vị Việt từ nhỏ, dẫu có đi làm lâu năm ở khu phố Nhật, nhưng đồ ăn Nhật không thể nào trở thành món ăn "nuôi sống" trong tâm thức những người đi làm.
Vào giờ giải lao trưa, dân văn phòng đổ ngập ra con đường Lê Thánh Tôn và đi dứt khoát đến các hẻm số 8, 13A, 15A, 15B, con đường nhánh như Ngô Văn Năm, Thái Văn Lung... để ăn trưa. Những ai "sành địa lý" khu phố Nhật chắc chẳng xa lạ gì những con hẻm trên. Ngoài các quán ăn Nhật thì ẩn trong này có rất nhiều quán ăn Việt như cơm phần, cơm tấm Sài Gòn, bún bò Huế... Và mọi người ngồi ở các quán cơm Việt lấp đầy trong nhà ra cửa, hàng quán vỉa hè thì kín khách ngồi trải dài...
"Các bữa ăn trưa của Nhật khá trái ngược với bữa cơm của mình, ví dụ mình thích ăn cơm kèm rau sống nhưng bữa trưa của Nhật thường là rong, tảo biển. Ngoài ra khẩu vị mình là ăn các món được nêm nếm đậm đà, nhưng món ăn Nhật sẽ ưu tiên giữ nguyên vị tươi ngon, tự nhiên của món ăn hơn. Món ăn kèm cơm của Nhật thường là thịt nướng, nhưng mình lại chuộng những bữa cơm với cá kho tộ, gà kho sả ớt, thịt ram mặn... nên mình sẽ chọn ăn các quán Việt. Không hề liên quan gì đến giá thành đắt hay rẻ" - Chị Vân Anh cho hay.
Sự thật là dân văn phòng tụ tập ở các xe đẩy vỉa hè bán bún riêu, bún bò, súp cua... rất đông. Chị Ngọc Thảo: "Ăn ở các quán vỉa hè có giá khá rẻ, chỉ từ 35.000/bữa. Vậy thì phù hợp cho một bữa trưa của dân văn phòng hàng ngày hơn. Ngoài ra mình cũng thích cái không khí bình dân, vì chỉ ăn một bữa trưa nhanh gọn vào quán làm gì cho cầu kỳ, cứ ngồi đại ở vỉa hè đỡ ngột ngạt như trong văn phòng, ăn dĩa cơm kèm ly trà chanh rồi quay về công ty ngủ".
Đứng chưa được 30 phút ở một xe bún bò Huế vỉa hè, chúng tôi đếm phải hơn 40 khách đến và đi, cả mua về lẫn ngồi lại. Thực sự đúng như câu "Bụt chùa nhà không thiêng", dân văn phòng của địa bàn Nhật vẫn mê đắm đồ ăn Việt mọc lác đác ở khu phố này.
Với thực tế khu phố ví như "cứ 10 quán ăn Nhật mới có 1 quán ăn Việt, mà quán Việt cũng không được đầu tư không gian, sang chảnh gì cho cam" nhưng dân văn phòng vẫn kéo nhau tấp vào thì cũng có một số người chọn ăn quán Nhật vào giờ trưa.
Chị Ngọc Thảo, nhân viên văn phòng trong tòa Lim Tower: "Thi thoảng mình cũng có ghé vào quán Nhật ăn vào buổi trưa chứ chẳng phải không, nhưng đa phần những bữa này là ăn cùng đối tác/khách hàng, sếp... Thứ nhất là tính chất những bữa ăn này còn là nói chuyện công việc, nên cần phải ngồi ở không gian kín đáo, chỉn chu một chút. Thứ hai là mời người khác một bữa ăn, nếu mời cơm phần vỉa hè thì cảm thấy bản thân cư xử hơi qua loa".
Song, anh Duy - nhân viên Shopee cũng cho biết: "Mình khá chú trọng bữa trưa, mình phải ăn thật ngon miệng thì căng thẳng công việc mới được giải toả, cảm giác nghỉ trưa ở một không gian mát mẻ, sạch sẽ cũng đáng để mình chi một bữa trưa hơn 100 nghìn. Cứ 1 tuần mình sẽ đổi khẩu vị bằng các món ăn Nhật để khỏi ngán, đồ ăn Nhật cũng đa dạng lắm, huống hồ ở khu phố này đâu có ít nhà hàng".
Đa phần các nhà hàng, quán ăn ở khu phố "Little Japan" tập trung kinh doanh vào buổi tối là chính. Và dân văn phòng khu này chắc chắn sẽ là khách quen của quán trong diện mạo "xả stress sau giờ làm". Giờ nghỉ trưa chỉ ngắn ngủi trong 1 tiếng 30 phút, thời gian thông thường họ dành cho 1 bữa ăn trưa nửa tiếng có thể không đủ để tận hưởng bữa ăn trọn vẹn trong một quán đầu tư về không gian "sống chậm".