Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong "vỏ ốc", người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống

DIỆP LỤC, Theo Trí thức trẻ 00:13 17/07/2022

Hoàn cảnh xô đẩy khiến họ bắt buộc phải thay đổi thói quen thường ngày vì không muốn chứng kiến thêm bi kịch nào nữa.

"Xin hãy đến đây. Chúng cháu đang gặp rắc rối", đó là lời khẩn cầu bức thiết của cô bé Miah khi gọi điện cho đường dây nóng 911 vì một kẻ xả súng đang điên cuồng tấn công các lớp học.

Vụ xả súng ở trường tiểu học Robb hồi tháng 5 vừa qua đã khiến 19 em học sinh ra đi mãi mãi. Cha mẹ không ngờ rằng, lời chào tạm biệt trước lúc đi học cũng là lần cuối cùng họ nhìn thấy các con mình còn sống. Nỗi đau này không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Và đây chỉ là một trong những vụ xả súng kinh hoàng của nước Mỹ kéo dài hàng thập kỷ qua mà chưa thể kiểm soát được.

Các vụ xả súng hàng loạt diễn ra tràn lan đã để lại hệ lụy đau lòng: Một bộ phận người dân luôn sống trong ám ảnh và họ buộc phải thay đổi cuộc sống của mình để tìm đến "vỏ ốc" an toàn nhất.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 1.

Vụ xả súng ở trường tiểu học Robb là thảm kịch ám ảnh nhất nước Mỹ.

Những con số biết nói trải dài chưa hồi kết

Giáo sư Lankford, người nghiên cứu về các vụ xả súng hàng loạt trên thế giới suốt nhiều năm, cho biết Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Từ năm 1966 đến 2012, khoảng 31% kẻ xả súng trên thế giới là người Mỹ.

Theo công ty nghiên cứu IBISWorld, thị trường sản xuất và kinh doanh súng đạn ở Mỹ trị giá khoảng 34 tỷ USD, cung cấp công việc cho hơn 150.000 người. Phân tích của tiến sĩ Lankford chỉ ra rằng trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng.

Mỹ là quốc gia phải đối mặt với bạo lực súng đạn cao nhất trong các nước phát triển, gấp 6 lần so với Canada, gấp 7 lần so với Thụy Điển và gấp gần 16 lần so với Đức. Các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ xảy ra với tần suất đều đặn. Cả nước Mỹ đã chứng kiến ít nhất 11 vụ xả súng hàng loạt kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Theo kết quả thu thập dữ liệu từ Kho lưu trữ Bạo lực súng, ít nhất đã có 309 vụ xả súng ở Mỹ diễn ra từ đầu năm đến nay. Vào năm 2021, cả nước Mỹ chứng kiến 692 vụ xả súng hàng loạt, theo Cơ quan lưu trữ về bạo lực súng. Vào năm 2020, con số này là 610 và năm 2019 có 417 vụ.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 2.

Nguồn: The Guardian

Vụ xả súng ở trường tiểu học Robb là thảm kịch ám ảnh nhất nước Mỹ.Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát, trung bình mỗi ngày tại nước này có 124 người tử vong vì súng đạn. Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó.

Theo nghiên cứu của Everytown, súng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ. Tổ chức này ước tính rằng hơn 2.100 trẻ em thiệt mạng trong các vụ giết người bằng súng ở Mỹ mỗi năm. Có thể thấy rằng, mức độ và tần suất các vụ xả súng hàng loạt ở nước Mỹ đang ở tình trạng báo động và chắc chắn những con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới, nếu như việc kiểm soát súng đạn vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 3.

Nguồn: Nghiên cứu của Everytown.

Trước khi tình hình súng đạn được kiểm soát, nhiều người dân Mỹ đã tìm cách thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện tại. Họ khát khao được sống trong sự an toàn và trên hết họ muốn bảo vệ những đứa trẻ, mầm non tương lai của đất nước.

Nỗi lo sợ thường trực khiến cuộc sống đổi thay

Rian Troth, một người cha 47 tuổi ở Sacramento, California, vừa tham dự lễ tốt nghiệp trung học cùng gia đình. Nhưng ngồi trong khán phòng, người đàn ông này liên tục suy nghĩ trong đầu rằng: "Làm thế nào để gia đình trốn thoát nếu tiếng súng nổ ra? Đâu là lối thoát nhanh nhất và nơi nào là chỗ ẩn nấp an toàn?".

Người cha chia sẻ với CNN: "Một loạt câu hỏi xuất hiện trong tâm trí tôi: Chúng tôi sẽ chạy đi đâu? Trốn như thế nào? Tôi sẽ để những đứa trẻ nấp ở đâu? Nếu che chắn cho chúng liệu các con tôi có bị ngạt thở không?".

Thay vì cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi đưa các con đi ra bên ngoài khám phá cuộc sống này, Rian Troth luôn ở trong tình trạng căng thẳng và nơm nớp lo sợ. Người cha đã lên kế hoạch đưa các con xem một buổi diễu hành ở địa phương và dự định chọn một chỗ đứng an toàn, có công viên ở ngay phía sau. Điều này sẽ giúp họ chạy thoát nhanh hơn nếu cơn ác mộng tồi tệ nhất trở thành hiện thực.

"Có phải tôi đang trở nên hoang tưởng hay không? Nhưng thực tế đó là thế giới mà chúng tôi đang sống. Tôi còn có những người con cần phải bảo vệ", Rian Troth nói thêm.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 4.

Xả súng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người Mỹ.

Bà Glenda Prince đã không còn đến siêu thị địa phương ở ngoại ô Austin, Texas vì lo sợ cửa hàng mất an toàn do lượng khách hàng chủ yếu là người da màu. Đây thường là đối tượng bị nhắm đến của các vụ xả súng.

"Bây giờ tôi hiếm khi đến siêu thị chỉ có người da màu. Tôi lựa chọn cửa hàng đa dạng người hơn để không cảm thấy mất an toàn", cụ bà 62 tuổi chia sẻ với CNN.

Bà Prince là một công dân Anh sống ở Mỹ từ năm 1980. Giờ đây, bà hạn chế việc mua sắm và thường đi vào tối muộn để tránh nơi tụ tập đông người, có thể lọt vào tầm ngắm của những kẻ xả súng. Động lực quan trọng nhất để bà Glenda Prince khao khát được sống tiếp đó là bà muốn nhìn thấy cháu trai 7 tháng tuổi lớn lên và trưởng thành đến năm 18 tuổi.

Cặp đôi Ryan và Sandra Hoover, có một cuộc sống bình dị ở Ashburn, Virginia, với con gái 7 tuổi và con trai 4 tuổi. Nhưng hiện tại, vợ chồng họ đang tích cực tìm cách rời khỏi Mỹ do tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng. Ban đầu mọi thứ chỉ là dự định nhưng sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde vào tháng 5 vừa qua khiến 19 em học sinh và 2 người lớn thiệt mạng, cặp đôi đã bắt đầu lên kế hoạch cụ thể.

"Chúng tôi đang lái chiếc xe an toàn nhất thế giới. Gia đình tôi đang ở khu vực cao cấp. Chúng tôi cho các con ăn thực phẩm lành mạnh. Vợ chồng tôi làm mọi cách để giữ an toàn cho các con. Rồi cũng đến lúc chúng rời khỏi nhà, lên xe buýt đi học và vợ chồng tôi đã cố gắng đè nén những suy nghĩ kinh khủng có thể xảy ra", Ryan Hoover hoang mang nói.

"Làm thế nào để chúng ta có cuộc sống yên bình hạnh phúc với một bóng ma về bạo lực súng đạn luôn ẩn nấp, rình rập xung quanh?", vợ chồng Hoover đặt câu hỏi giữa bộn bề cuộc sống.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 5.

Đến trường học cũng không còn là nơi an toàn

Vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde đã xé toạc trái tim của nhiều bậc phụ huynh từng tin tưởng rằng tại lớp học, các con sẽ được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường an toàn. Giờ đây, thay vì hào hứng, vui vẻ đưa con đi học, nhiều cha mẹ cảm thấy sợ hãi và luôn nơm nớp lo sợ một ngày nào đó con họ sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Erin Rome, 34 tuổi, là mẹ của em bé 4 tuổi và 2 tuổi sinh sống ở Madison, Wisconsin. Ngày đầu tiên đi học của các con luôn là cột mốc đáng nhớ mà cha mẹ nào cũng mong đợi. "Nhưng cảm giác đó không còn nữa đối với tôi", Erin Rome bộc bạch tâm sự.

Sau vụ nổ súng ở Uvalde, Rome "hoàn toàn khiếp sợ" khi cho con đi học. Người mẹ cho hay: "Con tôi còn quá nhỏ để có thể nói chuyện về việc phải làm gì nếu như xả súng xảy ra. Nhưng tôi buộc phải suy nghĩ. Tôi sẽ nói chuyện với con về việc phải làm như thế nào nếu có một tay súng xuất hiện trong trường".

Các bậc cha mẹ khác cũng đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi tương tự. Cô Toni Leaf-Odette chia sẻ với CNN rằng, mỗi khi ôm hôn con gái 6 tuổi trước lúc đến trường, cô đều có cảm giác sợ hãi và bất lực. Không ai có thể biết chắc rằng khi nào một vụ xả súng khác sẽ xảy ra. Một người xa lạ nào đó lại có quyền quyết định kết thúc cuộc đời của một đứa trẻ.

Heilig-Gaul, 67 tuổi, cho biết các giáo viên tại trường bà đã phải thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ví dụ tất cả cửa sổ trường học đều bị che đi để không ai có thể nhìn vào bên trong. Các cuộc diễn tập thường xuyên được tổ chức. Các em học sinh sẽ ở bên nhau trong bóng tối và hoàn toàn im lặng.

Nỗi ám ảnh của dân Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng: Người chọn thu mình trong vỏ ốc, người muốn rời bỏ quê hương và thay đổi cuộc sống - Ảnh 6.

Không một ai muốn bi kịch lặp lại một lần nữa.

Mặc dù vậy, Heilig-Gaul cũng cảm thấy bất lực khi không biết chắc rằng mình có thể giúp được những đứa trẻ này hay không. Người phụ nữ nói lên tâm sự của mình: "Tôi từng nghĩ bản thân có thể giúp những đứa trẻ này, có thể trở thành một người tốt và làm cho mọi thứ đều ổn. Và thực tế là tôi không thể. Mọi thứ đều quá tải đối với tôi".

Để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến, một số bang Mỹ ra luật cho phép các thành viên gia đình hoặc lực lượng hành pháp tước súng khỏi một người được cho là có thể gây nguy hiểm cho mọi người hay chính bản thân. Tại Alabama, những người bị kết tội bạo hành gia đình hoặc bạo lực không thể sở hữu súng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật hạn chế sở hữu súng cần quyết liệt hơn, áp dụng với nhiều trường hợp hơn trước khi có thêm hàng loạt nạn nhân bị tước đi mạng sống một cách oan uổng.

Nguồn: CNN, The Guardian, Fox News