Trong quá trình lớn lên, trẻ thường rất thích thú và tò mò với tất cả những thứ mới lạ. Vì thế sẽ có những lúc, chúng bày tỏ những mong muốn và nhu cầu của mình với hy vọng được bố mẹ đáp ứng. Tuy nhiên không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể chiều lòng trẻ và đưa ra nhiều lý do khác nhau để giải thích. Thay vì chân thành và thẳng thắn giải thích với con tại sao chúng ta không thể mua chúng, phần lớn, bố mẹ sẽ lấy lý do là: “Nó đắt lắm nhà mình không đủ tiền mua đâu” để trẻ không còn “đòi hỏi”.
Tuy nhiên trên thực tế, câu nói tưởng chẳng có gì nhưng lại tác động rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ , thậm chí là quyết định cuộc đời của trẻ sau này. Do đó, bố mẹ cần biết cách trả lời một cách tinh tế để cho con hiểu mà không gieo vào con những tư tưởng không hay.
Ảnh: Internet
Vài ngày trước, bé Tiểu Trang 6 tuổi được mẹ dẫn đi siêu thị mua đồ. Khi lướt qua gian hàng đồ chơi, Tiểu Trang đứng lại trước một con búp bê rất xinh đẹp được đặt trong hộp lớn và xin mẹ mua bởi các bạn ở lớp đều có con búp bê đó.
Tuy nhiên sau khi nhìn giá, mẹ lắc đầu và nói với Tiểu Trang rằng:“Con búp bê này có giá hơn 500 nghìn đồng. Nó quá đắt, mẹ không mua nổi đâu." Vừa dứt lời, Tiểu Trang đã òa lên khóc và hỏi: “Tại sao nhà mình không thể mua nó trong khi bạn bè của con ai cũng đều mua nó? ”. Mẹ cô bé an ủi: “Vì nó quá đắt, nếu mua con búp bê đó, chúng ta sẽ không đủ tiền để mua đồ ăn cho tối nay”.
Mẹ Tiểu Trang không muốn mua món đồ đó cho con có thể vì không muốn lãng phí tiền hoặc đơn giản là không mua nó. Tuy nhiên, khi cha mẹ lấy lý do thứ con muốn không thể mua được vì “nó quá đắt hay không đủ tiền” sẽ vô tình gieo vào đầu trẻ một suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, khiến trẻ sẽ không thể thoát ra khỏi ý thức nghèo đói. Do đó, bố mẹ nên lựa chọn ngôn từ phù hợp để trả lời và giải thích cho con mình hiểu.
Tại sao không nên dùng câu: “Nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu” để từ chối mong muốn của trẻ? Dưới đây là 2 lý do mà các bậc phụ huynh nên biết:
1. Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Khi một đứa trẻ khao khát một điều gì đó nhưng cha mẹ không thể thỏa mãn mà không có lời giải thích hợp lý để trẻ hiểu. Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý không dám bày tỏ mong muốn hay ý kiến dù là nhỏ bé, bình thường nhất của mình. Nguyên nhân là bởi vì chúng sợ rằng những nhu cầu đó của mình sẽ mang lại gánh nặng cho gia đình.
2. Khiến trẻ ngày càng tự ti
Ảnh: Internet
Có lẽ các bậc cha mẹ cũng có quan điểm riêng của mình khi không đáp ứng nguyện vọng của trẻ. Có thể họ cho rằng không nên chiều chuộng con cái và dạy con thói quen tiết kiệm tốt. Tuy nhiên, dùng lý do cha mẹ không đủ khả năng để cho con một điều gì đó sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng không xứng đáng với những điều tốt đẹp và trở nên bi quan, lòng tự trọng của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Trẻ em vốn rất nhạy cảm nên những lời nói của cha mẹ sẽ tác động rất lớn đến cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Câu nói “nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu” sẽ khiến trẻ nghĩ rằng gia đình mình rất nghèo, còn bản thân mình rất kém cỏi và sinh ra cảm giác thua kém với người khác. Bố mẹ nói câu đó với trẻ chính là đang gián tiếp phá hủy những kỳ vọng của trẻ vào những điều tốt đẹp.
Cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này?
Khi bạn không tán đồng trước những đòi hỏi không hợp lý của con cái, hãy chân thành và thẳng thắn giải thích với con tại sao chúng ta không thể mua chúng và nhớ đừng đổ lỗi cho “tiền bạc”. Bạn có thể nói với con rằng: "Bây giờ bố mẹ sẽ không mua thứ này vì chúng ta không có kế hoạch mua đồ chơi trong tháng này” để từ chối trẻ. Hãy giải thích cho trẻ một cách hợp lý để trẻ hiểu rằng cha mẹ đã có kế hoạch chi tiêu tiền và giúp con trẻ có cái nhìn lành mạnh về tiền bạc. Bằng cách đó, dù con không được đáp ứng về nhu cầu nhưng trẻ vẫn sẽ rất vui vẻ và chấp nhận sự từ chối của bố mẹ.