Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Gia Viễn và UBND huyện Nho Quan thông báo đến nhân dân các khu vực phân lũ, xả lũ và triển khai phương án di dời khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt (+4,9m).
Các huyện phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các cơ quan liên quan để di dời người dân và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ khi cần thiết. Mục tiêu là đảm bảo toàn bộ cư dân tại các khu vực nguy hiểm được di dời đến nơi an toàn trước 18h ngày 12/9 và trước khi tiến hành vận hành tràn Lạc Khoái.
UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan cần chuẩn bị sẵn sàng phương án xả tràn khi có lệnh. Lệnh di dời được đưa ra trong bối cảnh nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy tiếp tục dâng cao.
2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long
Chiều 12/9, cùng thời điểm, các huyện Gia Viễn và Nho Quan thực hiện lệnh di dân của Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình họp bàn kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long.
Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã thảo luận về 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long.
Kịch bản thứ nhất , nếu trời tiếp tục mưa, lũ lên trở lại vượt mức +5,3m tại Bến Đế (sông Hoàng Long), sẽ tiến hành phân lũ qua tràn Lạc Khoái. Đối với trường hợp phải xả tràn sẽ tính toán phương án mở các cống ở tràn Lạc Khoái. Phương án mở các tuyến đê cơ Đức Long - Gia Tường, phân lũ qua cống Mai Phương - Địch Lộng vào Đầm Cút.
Về phương án xả tràn, nguyên tắc chung là thực hiện xả tràn khi mực nước lên 5,3m. Khi lũ đạt đỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sẽ họp bàn và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và báo cáo Thủ tướng trước khi xả tràn để làm sao giảm thiệt hại thấp nhất cho nhân dân.
Tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung ở mức cao nhất. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng chống chịu của các tuyến đê Tả, Hữu sông Hoàng Long để có quyết định, giải pháp phù hợp, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại.
Kịch bản thứ hai, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống thực hiện phương án tiếp tục tuần tra canh gác trên các tuyến đê nhằm phát hiện các hư hỏng, sạt lở có thể xảy ra, khi lũ rút để có biện pháp xử lý. Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh.
Sau khi thảo luận và phân tích tình hình thực tế cũng như tác động của các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến mực nước lũ trên sông Hoàng Long, Trường trực Tỉnh ủy Ninh Bình thống nhất cao với 2 phương án đã xây dựng.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Lệnh di dân, hoàn tất trước 18h ngày 12/9. Việc thực hiện di dân là đúng quy trình trong dự lệnh xả tràn, Khi mực nước xuống đến 4,9m thì mới được cho dân quay trở về.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm bảo an toàn cao nhất cho tài sản và giao thông đi lại của nhân dân khi di dời; chính quyền các địa phương chủ động chăm lo đời sống cho nhân dân đảm bảo đủ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để nhân dân yên tâm sinh hoạt tại nơi di dời.
Các đơn vị cần bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến, trong đó tập trung cho đê Hoàng Long, sông Bôi, có phương án xử lý ngay những điểm xung yếu, đảm bảo phương tiện, vật tư, trang thiết bị để thực hiện tuần tra canh gác đê.