Clip: Di Anh
Sài Gòn, mảnh đất chứa đựng nhịp sống sôi động và hối hả, luôn như thế, đặc biệt vào những ngày giáp Tết. Nhưng hôm nay (ngày 20/1) không khí ở Nhà văn hóa Thanh niên trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi những tiếng nói cười của những chuyến xe mùa xuân đặc biệt "Tết sum vầy - Xuân hạnh phúc" - chuyến xe sẵn sàng lăn bánh đưa hơn 2000 sinh viên và người lao động khó khăn trở về với vòng tay của gia đình sau thời gian dài cuốn theo dòng chảy ồn ã nơi phố thị.
Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm nhưng tất cả đều chung hoà chung trong sự háo hức và kỳ vọng, không chỉ gói gọn trong hành trang, những gói quà xanh đỏ ai cũng tất tả xách theo bên mình mà còn hiện diện rõ rệt trong ánh mắt, trong nụ cười, trong những tiếng chào nói cùng người xa lạ “chúc mạnh giỏi nhen!”.
Họ sẽ về. Về để tận hưởng cái Tết sum vầy, cái Tết của yêu thương và của những khởi đầu mới.
“Hai vợ chồng cô đi bán vé số 6 năm rồi, cả năm rồi không về. Tính năm nay không có tiền thì ở lại, vé xe 600 700 mấy chục ngàn lận. Con cũng điện thoại Tết nay ba má có về không.” - Cô Nguyễn Thị Cháu (Phú Yên) nghẹn ngào “Nói ba má xin được vé xe tình thương rồi, chắc năm nay về ăn Tết. Mua được chút mứt, tiền đâu mà sắm cho nhiều. Nhớ cháu nhớ con lắm mà không có tiền.”
Với những người lao động nghèo, việc tích góp từng đồng để có thể một tấm vé xe về quê ăn Tết cùng gia đình đôi khi cũng trở thành một giấc mơ xa xỉ. Và Sài Gòn cùng những chuyến xe lại một lần nữa ôm lấy tất cả, mang đến cho họ một hành trình trở về với ấm êm sau thời gian dài xa cách.
Nóng lòng chờ đợi chuyến xe từ sớm cùng con gái, chị Lê Tuyết Nhung (50 tuổi, Quảng Nam) cho hay, đêm qua, hai mẹ con đã háo hức đến nỗi chẳng thể ngủ khi tới chuyến xe trở về ngày hôm nay. Vốn dĩ chẳng có hy vọng trở về Tết do không thể mua vé nhưng chuyến xe mùa xuân này đã giúp mẹ con chị hoàn thành ước mơ về một cái Tết sum vầy.
“Gia đình hỏi năm nay có về không nhưng mua vé cũng không được. Mình thấy mấy bạn chia sẻ thì mình mới điện thoại. Ông bà cũng rất là trông. Hai mẹ con đêm qua còn chẳng ngủ.” - Chị Nhung rưng rưng.
Cũng trong niềm vui chờ giây phút đoàn tụ ấy, chị Phan Thị Xuân Thuỷ (Quảng Ngãi) nhớ về những đứa con đang ở nhà vẫn luôn ngóng chờ cha mẹ đi xa trở về:
“Bỏ con đi làm mà, nên chúng nó ngóng trông bố mẹ về hoài, hỏi khi mô mẹ về. Bọn chị lao động mà có vé xe như này là mừng, quý lắm em. Cũng khoe con là năm nay mẹ có vé, mẹ về quê ăn Tết.
Cả năm mình vất vả rồi, nghĩ chỉ có Tết mình về chơi vui, về thăm Tết anh em bà con, lo đồng quà tấm bánh cho gia đình Tết. Thiệt tình là không ngủ được luôn, nằm chờ đến lúc về.”
Rời quê nhà 2 năm mới có cơ hội trở về, bạn Nguyễn Giang My (Bình Định) không giấu được niềm vui:
“2 năm rồi em chưa về quê, từ lúc lên Sài Gòn thì đây là năm đầu tiên em được về quê. Em có thông báo cho gia đình, mẹ cũng bảo con chỉ cần về thôi, không cần mua gì đâu nên em cũng chưa mua gì. Nhưng chắc trên đường về em vẫn sẽ mua quà cho gia đình.”
Những chuyến xe mùa xuân đặc biệt lăn bánh không chỉ bỏ lại phía sau những bộn bề, vất vả của hơn 2000 sinh viên, người lao động khó khăn nơi Sài Gòn tấp nập mà còn là xuất phát của một hành trình của tình yêu thương.
Họ đi và trở về, mang theo trong mình những câu chuyện của ngày hôm qua và niềm hy vọng cho ngày mai, cho một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Sài Gòn vẫn ở đây, phồn hoa và náo nhiệt, nhưng cũng chứng kiến những khoảnh khắc đầy ân tình mỗi dịp xuân về.