Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm

VÂN ĐỨC, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 13:33 10/02/2025
Chia sẻ

Sau nhiều năm mong mỏi chờ đợi mở lại cướp phết, năm nay, người dân lại cảm thấy buồn và tiếc nuối sau khi nhận được thông báo tạm dừng phần cướp phết trong Lễ hội phết Hiền Quan.

Hằng năm, Lễ hội cướp phết Hiền Quan lại được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng tại xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Đây là lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ Thiều Hoa Công Chúa – một nữ tướng tài ba có công chiêu mộ binh sĩ, giúp Hai Bà Trưng đánh thắng giặc ngoại xâm.

Được biết, Hội Phết Hiền Quan gồm bốn phần: rước kiệu, tế lễ, kéo quân và cướp phết. Lễ rước kiệu được tiến hành từ 12h00 ngày 12 tháng giêng.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 1.

Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10/10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các "binh sĩ" hộ tống.

Theo quan niệm của người dân, hễ ai cướp hoặc chạm vào được quả phết sẽ mang lại may mắn cả năm. Chính vì vậy, vào ngày này, rất đông người dân trong vùng và du khách thập phương đến tham dự.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 2.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 3.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 4.

Những chàng trai, cô gái đóng giả "bĩnh sĩ" vác kiệu

Ghi nhận của chúng tôi, năm nay, Lễ hội phết Hiền Quan đã khai hội nhưng không khí không còn sôi động như những năm trước, bởi Ban tổ chức đã bỏ phần kéo quân và đánh phết, chỉ duy trì nghi thức rước kiệu và tế lễ.

Điều này khiến người dân xã Hiền Quan cảm thấy rất buồn và tiếc nuối. Họ mong mỏi được mở lại phần kéo quân và đánh phết vào năm sau.

Theo người dân xã Hiền Quan cho biết, trước đây, do lo ngại dịch Covid-19 nên Ban tổ chức đã tạm dừng đánh phết, điều này được người dân ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, sau khi hết dịch Covid-19, phần đánh phết vẫn tiếp tục tạm dừng vì lý do chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn khiến ai nấy cũng cảm thấy rất buồn.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 5.

Việc đưa kiệu vào đền rất khó khăn, cần sự giúp đỡ của nhiều người

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 6.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 7.

Các bô lão trong làng làm công tác chuẩn bị

Ông Ngô Văn Phúc (73 tuổi), một người dân xã Hiền Quan chia sẻ: "Hàng ngàn năm nay, phần kéo quân và đánh phết vẫn luôn được tổ chức, diễn ra trong Lễ hội cướp phết Hiền Quan. Nhưng những năm trở lại đây không có cướp phết, chúng tôi ai nấy cũng cảm thấy buồn.

Năm nay, chúng tôi nhận được lý do do lo ngại tình trạng quá khích, xô xát giữa người tham gia cướp phết nên phải tiếp tục tạm dừng đánh phết. Tôi thấy điều này không hợp lý lắm bởi từ trước đến nay vẫn tổ chức đánh phết như vậy và tôi chưa bao giờ thấy những người tham gia xảy ra xô xát.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 8.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 9.

Những quả phết được sắp xếp ngay ngắn ngọn gàng

Chúng tôi, những người dân xã Hiền Quan đều rất mong chính quyền địa phương sẽ mở lại cướp phết vào năm sau".

Cụ Trần Thị Thậm (90 tuổi, trú xã Hiền Quan) cho biết: "Hàng ngàn năm nay, lễ hội vẫn được tổ chức như vậy, người dân tham gia cướp phết có bao giờ xảy ra tình trạng xô xát gì đâu, tôi không hiểu sao chính quyền địa phương lại lo lắng điều này.

Trước có cướp phết, không chỉ có người dân địa phương mà du khách thập phương cũng đến đây tham dự đông lắm, không khí rất náo nhiệt. Nhưng những năm nay không có cướp phết, không khí lễ hội kém sôi động hẳn. Con cháu làm ăn xa về chơi hội, ra một chút lại về vì chỉ có phần lễ và rước kiệu. Các con cũng bảo cảm thấy buồn vì không có cướp phết.

Tôi rất mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho người dân được kéo quân và cướp phết vào năm sau, để lễ hội được trọn vẹn".

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 10.

Năm nay, sau khi tế lễ, 3 quả phết sẽ được đưa vào đền thay vì tung ra cho người dân cướp phết

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Tuyến – Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan cho biết, năm nay, Lễ hội phết Hiền Quan chỉ tổ chức phần rước kiệu và lễ, không tổ chức phần kéo quân và đánh phết.

"Trước đây, năm 2019, lễ hội phải tạm dừng đánh trận phết vì lý do tổ chức 2 đội đánh phết nhưng không thành công. Đến nay đã 7 năm, bà con rất mong mỏi được mở lại. Vừa qua, trong Hội thảo khoa học Lễ hội phết Hiền Quan, người dân rất mong mỏi điều này nhưng do chưa đủ điều kiện nên địa phương chưa tổ chức được", ông Tuyến nói.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 11.

Các bô lão thực hiện tế lễ

Nói về các điều kiện để mở lại đánh trận phết, ông Tuyến cho hay, với đặc thù của Lễ hội phết Hiền Quan, vấn đề an ninh là thách thức lớn bởi có sự tham gia của đông đảo thanh niên trong và ngoài vùng địa phương đến tranh phết để cầu may.

"Để mở lại phần đánh phết, cần có sự tham gia đầy đủ của lực lượng chức năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách thập phương đến tham dự.

Mặt khác, chúng tôi cần nguồn kinh phí để tạo một khuôn viên và cơ sở hạ tầng tổ chức đánh trận phết với tính chất quy mô hợp lý, đầy đủ, an toàn và văn hóa nhất", ông Tuyến nói rằng do địa phương chưa đủ các điều kiện tổ chức nên năm nay chưa thể mở lại đánh phết.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 12.

Niềm tiếc nuối suốt 7 năm của người dân Hiền Quan dịp lễ hội cướp phết đầu năm- Ảnh 13.

Mặc dù không có cướp phết, nhưng rất đông người dân trong vùng đến tham dự lễ hội và xem buổi nghi lễ

Ông Tuyến bày tỏ: "Mặc dù mới đảm nhiệm chức vụ chưa lâu, nhưng tôi cũng rất băn khoăn, trăn trở trước những tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân và du khách thập phương về việc mở lại phần hội đánh phết.

Bởi, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống lịch sử của Việt Nam nói chung và xã Hiền Quan nói riêng, cần được gìn giữ và bảo tồn.

Tôi mong rằng trong thời gian tới các lãnh đạo các cấp sẽ quan tâm, giúp đỡ để địa phương để có thể tổ chức hội Phết theo đúng truyền thống. Đồng thời, cần có sự chung tay của người dân duy trì hội sau phần lễ, để giữ gìn lịch sử và bản sắc văn hóa".

Sau khi giúp Hai Bà Trưng giành thắng lợi, đất nước thái bình, nữ tướng Thiều Hoa Công Chúa xin lui về làng Song Quan (nay là xã Hiền Quan) tiếp tục tu hành và dạy nhân dân làm ăn, sinh sống.

Tương truyền, để rèn luyện quân sĩ, Thiều Hoa Công chúa sáng lập ra việc đẽo gốc tre thành hình tròn (quả to gọi là phết, nhỏ hơn gọi là quả chúi), chia quân ra để đánh phết. Theo đó, hai bên (thanh niên, trai tráng trong làng) sẽ thi thố tài năng, tìm cách cướp và đưa quả phết (hoặc chúi) ra khỏi phạm vi quy định để giành phần thắng.



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày