Số lượng người dùng smartphone đang ngày càng tăng lên với tốc độ chóng mặt, và tất nhiên với vùng đất màu mỡ này, không ít các phần tử xấu đã tranh thủ tận dụng để cài bẫy người dùng khiến họ mất tiền hoặc dữ liệu một cách oan ức. Trong bài này, chúng tôi sẽ điểm qua một số loại bẫy thường thấy nhất để từ đó bạn đọc có thể lưu ý và phòng tránh.
1. "Chúc mừng, bạn là người trúng giải!"
Kiểu cài bẫy trúng thưởng đã có mặt từ lâu trên môi trường máy tính, vốn thường nằm trên các website không được kiểm duyệt và giờ đây đã chuyển địa điểm "làm ăn" sang vùng đất smartphone. Cách thức hoạt động của chúng rất đơn giản: thông báo cho bạn biết rằng đã trúng một giải thưởng nào đó và kích thích bạn bấm vào để điền thông tin người trúng thưởng.
Một trong những dấu hiệu lừa đảo là chúng thường dụ bạn chuyển một khoản tiền lệ phí để nhận giải, chẳng hạn như trúng SH nhưng phải gửi tiền trả phí trước bạ hoặc đóng thuế... Về mặt cơ bản, nếu bạn phải bỏ tiền ra cho một món đồ mà trước nay mình chưa từng tham gia trúng thưởng thì chắc chắn đây là một trò bịp bợm.
2. Lừa đảo qua tin nhắn
Bên cạnh việc xuất hiện trên các website, những trò bịp này còn hiện diện ở dạng tin nhắn SMS hoặc tin nhắn Facebook. Thường các tin nhắn này sẽ giả mạo số điện thoại tổng đài nhà mạng hoặc các ngân hàng để lừa bạn cung cấp các thông tin cá nhân. Một số loại còn tinh vi hơn khi thông báo rằng tài khoản ngân hàng của bạn đã bị lấy cắp và yêu cầu click vào đường link để xác nhận. Ở điểm mấu chốt này, nếu người dùng cả tin và đăng nhập lại tài khoản ngân hàng của mình vào trang web (vốn là trang giả mạo của những tay hacker) thì tuyệt nhiên các thông tin tài khoản của bạn sẽ bị lấy mất mà không hề hay biết.
Vì thế, hãy cẩn thận với những loại tin nhắn này. Nếu đó là tin nhắn yêu cầu từ phía ngân hàng, đừng ngại tiếc vài giây gọi vào tổng đài của ngân hàng đó, việc xác nhận sẽ rõ ràng hơn thay vì tin vào những dòng chữ tin nhắn kia.
3. Ứng dụng giả mạo
Trước đây, ứng dụng giả mạo thường xuất hiện trên hệ điều hành Android do tính "mở" của hệ điều hành cũng như dễ cài đặt từ bên ngoài mà không thông qua kho ứng dụng chính thống. Chính điều này cũng khiến nhiều người dùng đau đầu khi bị đánh cắp thông tin hoặc nhẹ hơn là máy tự động cài các ứng dụng rác rất phiền phức. Những tưởng hình thức này chỉ xuất hiện trên Android nhưng giờ đây chúng cũng đổ bộ sang cả iOS, do đó đây là vấn đề chung mà chúng ta cần phải đề phòng. Sau đây là cách để phòng tránh:
+ Kiểm tra kỹ tên của người/nhà phát hành ứng dụng: Bởi lẽ các hacker thường xuyên sử dụng những cái tên gần như tương tự với nhà phát hành chính thức, sự khác biệt chỉ ở một vài kí tự, nhưng rất dễ đánh lừa nếu chúng ta không quan sát kỹ.
+ Kiểm tra đánh giá người dùng trước khi tải: Ứng dụng thật sẽ có hàng ngàn lượt đánh giá và bình bên dưới, trong khi ứng dụng giả mạo thì không có điều này.
+ Kiểm tra ngày phát hành của ứng dụng: Với những ứng dụng giả mạo, thông thường thì ngày phát hành của chúng đều rất gần đây. Ví dụ như bạn muốn tải Facebook, nhưng mà thấy ngày phát hành là trong tháng này thì chắc chắn đó là "đồ fake" đấy.
+ Kiểm tra lỗi chính tả trong tiêu đề và phần mô tả của ứng dụng: Nếu bạn phát hiện ra những lỗi chính tả trong những phần này, hoặc nếu được mô tả một cách sơ sài thì cũng nên tránh đi là vừa. Bởi sẽ chẳng có nhà phát hành nào lại có thể "cẩu thả" và hời hợt với sản phẩm của mình như thế.
+ Nếu còn lo lắng, hãy vào trang chủ của ứng dụng để tải: Nếu muốn tải về những ứng dụng mua sắm, tốt nhất cứ nên truy cập thẳng vào trang chủ của website đó. Cuối cùng, chỉ việc tìm và bấm chọn "Tải ứng dụng trên mobile", bạn sẽ được tự động chuyển tới nơi tải ứng dụng mua sắm thật trên Apple Store hoặc Play Store.
(Tổng hợp)