Những thói quen nhỏ sẽ quyết định thành công lớn, bạn hiểu điều này rồi chứ? Việc học tập, ôn luyện cũng không hề nằm ngoài quy luật này đâu. Hình thành những thói quen tích cực, khoa học sẽ giúp bạn tăng sự tập trung, tiết kiệm thời gian đồng thời đảm bảo được việc tiếp nhận kiến thức hiệu quả. Có thể bạn không để ý nhưng những thói quen dưới đây cực kỳ có ích cho bạn trong việc học tập đấy!
Sắp xếp góc học tập gọn gàng
Góc học tập dường như là nơi bạn dành nhiều thời gian nhất cho việc học ngoài lúc ở trường rồi, nên chẳng có lý do gì để bạn bỏ bê nó cả. Không chỉ là chọn cho mình một nơi thật thoải mái, đủ ánh sáng, yên tĩnh để học tập, bạn nên tạo thói quen sắp xếp, dọn dẹp, và cả trang trí nữa nếu có thể sao cho thật sạch sẽ, gọn gàng. Việc này sẽ tạo cảm hứng rất nhiều cho việc học tập ở nhà của bạn đấy.
Lên thời gian biểu hợp lý
Hãy học tập khoa học ngay từ việc có kế hoạch và thời gian biểu rõ ràng. Bạn nên biết cách quản lý thời gian của mình, nếu không thể lên kế hoạch lâu dài thì hãy làm từng ngày, từng tuần một cũng được. Thói quen này sẽ giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả, giải quyết được hết bài tập, công việc cần làm nhưng vẫn có thể nghỉ ngơi và giải trí. Quan trọng nhất là bạn sẽ nghiêm túc hơn với việc học, dù là ở lớp hay ở nhà.
Ghi chép bài vở đầy đủ
Đừng bao giờ xem thường việc ghi chép bài vở, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khi bạn ôn tập, tham khảo mà đúng không? Không chỉ là những kiến thức sẵn có trong sách giáo khoa, những bài giảng trên lớp của thầy cô thường có nhiều ví dụ, lưu ý quan trọng và đáng nhớ. Nếu ngay từ đầu không ghi chép đúng và đầy đủ, bạn sẽ không thể chủ động ôn tập lúc cần thiết được.
Có khả năng tự học
Tự biết khái quát, tổng hợp kiến thức; tự biết giải quyết các vấn đề; tự tìm tòi và đọc sách, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; tự giác và chủ động trong học tập... - những điều này thoạt nghe thì ai cũng nghĩ mình đã làm được, vì vốn đây là những thói quen, kỹ năng không xa lạ gì. Nhưng thực ra, nó khó và cần sự trau dồi, duy trì hơn bạn nghĩ đấy.
Luôn học bài cũ
Đừng nghĩ rằng học bài cũ là để đối phó cho những bài kiểm tra miệng. Hãy tập cho mình thói quen học bài cũ một cách chỉn chu và cẩn thận trước lúc tới trường. Đây là cách để bạn ôn tập lại những gì đã học rất hiệu quả mà không mất quá nhiều thời gian đó!