Logo của Google và Apple. (Ảnh: Reuters)
Bước đi đó có thể mở đường cho các cơ quan giám sát trên khắp thế giới làm tương tự. Bằng chứng là số lượng các cuộc điều tra chống độc quyền ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, tiếp nối những vụ điều tra ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Từ khi AT&T bị chia ra cách đây đúng 40 năm, đến nay vẫn chưa có công ty nào phải đối mặt với nguy cơ bị chia nhỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Năm 1984, AT&T, còn được gọi là Ma Bell, bị chia thành 7 công ty độc lập mang tên "Baby Bells", phá vỡ một trong những công ty độc quyền hùng mạnh nhất thế kỷ 20. AT&T, Verizon và Lumen hiện là công ty nhỏ còn tồn tại đến nay.
Google cho biết họ không đồng tình với cáo buộc của EU, còn Apple cho rằng vụ kiện của Mỹ là sai về thực tế và luật pháp.
Hiện nay, các cơ quan quản lý cáo buộc những Big Tech như Apple và Google đã xây dựng hệ sinh thái bất khả xâm phạm xung quanh sản phẩm của họ, khiến khách hàng khó chuyển sang dịch vụ đối thủ. Điều này được gọi với thuật ngữ vườn có tường bao.
Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo Apple, một công ty trị giá 2,7 nghìn tỷ USD, rằng họ không loại trừ khả năng yêu cầu hãng này chia nhỏ nhằm khôi phục cạnh tranh, sau khi họ hợp tác với 15 bang để kiện nhà sản xuất iPhone vì độc quyền thị trường điện thoại thông minh, cản trở các đối thủ và tăng giá tùy ý.
Mặc dù vậy, có thể sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết vụ việc, và Apple tuyên bố sẽ chống lại đến cùng.
Tại châu Âu, những gã khổng lồ công nghệ sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn. Apple, Meta và Alphabet có thể bị điều tra với nghi ngờ vi phạm Đạo luật thị trường số (DMA), có thể khiến họ bị phạt nặng, thậm chí phải chia nhỏ vì nhiều lần vi phạm, Reuters dẫn nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Margrethe Vestager, quan chức phụ trách chống độc quyền của EU, đã mở đường cho việc áp dụng các biện pháp quyết liệt khi bà cáo buộc Google có nhiều hành vi chống cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo kiếm tiền và Google có thể phải thoái vốn.
Bà nói rằng yêu cầu Google bán một số tài sản của họ dường như là cách duy nhất để tránh xung đột lợi ích, vì Google đang ưu tiên quảng cáo của họ so với các bên khác.
Bà Vestager dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay.
Nghị viên châu Âu Andreas Schwab, người đã tham gia rất nhiều vào việc soạn thảo DMA mang tính bước ngoặt của EU, gần đây cho biết, các nhà lập pháp muốn có hành động mạnh mẽ với những Big Tech vi phạm quy tắc.
“Nếu họ không tuân thủ DMA, bạn có thể nghĩ đến chuyện Nghị viện sẽ yêu cầu những gì. Chia nhỏ. Mục tiêu cuối cùng là làm cho thị trường cởi mở, công bằng và hỗ trợ nhiều đổi mới hơn”, ông nói hôm 22/3.
Theo Reuters