"Về hưu tuổi 30" và lời ngụy biện lối sống cân bằng
Ngọc đã từng thể hiện thái độ cầu tiến qua những thảo luận sôi nổi, ý kiến đóng góp tích cực trong các cuộc họp, bỗng nhiên thời gian này tinh thần tranh luận ấy dần biến mất. Thay vào đó là thái độ chỉ phục tùng cấp trên, thiếu chủ động trong việc đặt câu hỏi và tìm ra giải pháp. Ngọc trở nên "an phận thủ thường", ngại đổi mới, không còn xin sếp dấn thân vào những dự án mạo hiểm nữa.
Giữ chức quản lý được hơn 1 năm, dạo gần đây, đồng nghiệp luôn thấy Thông trong giờ làm thì mơ màng, thần thái thiếu linh hoạt. Thông đến và ra về lặng lẽ, không dành thời gian giao tiếp và trau dồi chuyên môn, kĩ năng với cả đội như trước. Chẳng lẽ Thông thật sự hân hoan trong lối sống "cân bằng" 9 giờ đến 6 giờ về khi mà giá trị anh tạo ra trong ngày chỉ đang "lấp chỗ trống" và làm theo nghĩa vụ.
Có một bộ phận người trẻ khi đã đạt được chút thành tựu đầu đời thì lại thiếu động lực như thế. Họ thường mong muốn dành cả thanh xuân của mình để làm nên những điều lớn lao, nhưng thực tế lại lưỡng lự, loay hoay và ngại dấn thân. Họ thà nhàn rỗi, đơn điệu với công việc hiện tại, thay vì tiếp tục đầu tư và học hỏi để có thêm kiến thức, kĩ năng mới. Và khi không thật sự đầu tư tâm sức vào công việc, lúc ấy sức ì của họ lại ngày một tăng. Có vẻ như, sự "ổn định" thực tế lại rất bấp bênh khi người trẻ "lão hóa" sớm nơi công sở.
Lười biếng tìm kiếm động lực cho bản thân
Vậy vì đâu ngọn lửa nhiệt thành ban đầu của những người trẻ biến mất?
Những ngày đầu đi làm, mục tiêu của các bạn trẻ là mong được công nhận, được vượt qua kì thử việc, được trả mức lương như mong muốn nên mọi nhiệm vụ và công việc đều được họ hăng say hoàn thành trong nháy mắt. Khi đã thạo việc rồi, họ được cất nhắc lên vị trí cấp cao hơn thì một phần lớp quản lý trẻ sẽ dễ nảy sinh tâm lý mong muốn được an nhàn vì việc đã có "lính" làm, trách nhiệm đã có sếp lo, sao họ phải dấn thân, rướn mình trong khi với khả năng bản thân hiện tại đã đủ để họ hoàn thành nốt công việc và nhanh chóng trở về chiếc giường ấm áp. Thực tế, họ không nhân ra rằng, khi không chủ động tìm kiếm và chinh phục những mục tiêu mới, thách thức mới thì chẳng mấy chốc họ sẽ dần "lỗi thời" trong chính chuyên môn và kỹ năng của mình, đặc biệt khi mà sự thay đổi của thế giới cũng như thị trường lao động diễn ra chóng mặt.
Ngược lại, có không ít bạn trẻ lại quá nóng vội trong việc đánh giá, nhìn nhận giá trị của một công việc dẫn đến việc quá dễ dãi với bản thân ở quyết định đi hay ở, gắn bó hay không với một công ty. Dù GEN Y được biết đến như một thế hệ coi đóng góp vào việc phát triển cộng đồng, xã hội là một yếu tố then chốt khi chọn nơi làm việc, chỉ một số ít thật sự nghiêm túc với hệ quy chiếu giá trị của chính mình. Họ liên tục chuyển chỗ làm vào mỗi lần cảm thấy "chán chán", thay vì tìm cho ra đâu là những giá trị bản thân mình đang theo đuổi về ngắn hạn, lâu dài. Hoặc đơn giản hơn, đâu là những điều "chán chán" họ cần chấp nhận và vượt qua để những bước đi đầu tiên thật sự nên hình. Họ khẳng định giá trị, sứ mệnh của công ty không giống họ, trong khi không thừa nhận rằng hệ giá trị mà họ đang theo đuổi, hoặc hình dung vẫn còn rất mơ hồ.
Nếu đọc đến đây bạn tìm thấy mình trong số những người trẻ "về hưu sớm" thì cũng đừng có gì hoang mang cả. Sự nghiệp là một chặng đường dài mà những năm đầu tiên bạn cần kiên trì học cách xác định đúng mục tiêu và duy trì động lực theo từng chặng đường phát triển của bản thân.
Hãy tham khảo những cách sau để khiến bản thân luôn dịch chuyển về phía trước:
1. Thành thật với bản thân
Giải pháp nào cũng tệ như nhau nếu không đào sâu vào vấn đề, nên việc đầu tiên đó là hãy trung thực với bản thân xem lý do thực sự khiến bạn chán nản và đi làm cho có là gì: Vì công việc đang không có nhiều thử thách? Vì thực tế tại công sở không đáp ứng được như kỳ vọng? Vì không tự tin vào năng lực của bản thân? Vì bị ám ảnh bởi thất bại? Vì chưa tìm thấy cơ hội phù hợp? Với từng lý do khác nhau, bạn hãy đề ra kế hoạch và các khả năng có thể để triệt tiêu vấn đề đó.
2. Bước ra khỏi vùng an toàn
Hãy vẽ ra 3 vòng tròn lồng trong nhau. Vòng nhỏ nhất bao gồm những điều quen thuộc bạn vẫn làm. Vòng tròn giữa sẽ gồm những thứ thường khiến bạn ngại ngùng, thậm chí là sợ hãi khi làm. Vòng tròn to nhất ngoài cùng sẽ là những điều bạn không dám nghĩ đến. Giờ thì, bạn có tới 2 vòng tròn để chinh phục. Nếu không thì, bạn cũng thường thôi!
3. Nghĩ về tầm ảnh hưởng của bạn
Mục tiêu trong công việc đôi khi chỉ đơn giản là nghĩ về niềm vui của những người nhận được dịch vụ, kết quả lao động của mình. Nghĩ xem công việc của bạn đang khiến cuộc sống của ai đó tốt hơn, bạn sẽ tìm lại động lực làm việc mỗi ngày. Larry Page (CEO công ty mẹ của Google) từng nói về động lực của mình như sau: "Nếu bạn biết mình đang thay đổi thế giới và tạo ra những điều tuyệt vời, bạn sẽ háo hức khi thức dậy mỗi buổi sáng".
4. Nới rộng những mối quan hệ công việc