Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm

Phạm Trang (t/h), Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 09:42 25/04/2025
Chia sẻ

50 năm sau thời khắc lịch sử xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, những người chiến sĩ làm nên chiến thắng ấy vẫn sống mãi trong ký ức hào hùng, nơi thời gian không thể làm phai mờ tinh thần lòng yêu nước.

50 năm về trước, thời khắc chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 đã chính thức mở ra một trang vàng cho lịch sử dân tộc. Một thời khắc mà khi ấy, non sông nối liền một dải, toàn thắng đã chính thức về ta.

50 năm sau, những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng làm nên lịch sử ấy, với mái tóc bạc màu thời gian vẫn rưng rưng nhớ lại tất cả.

Kíp xe tăng 390 gồm: ông Vũ Đăng Toàn - nguyên Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng 390; ông Nguyễn Văn Tập - Lái xe tăng 390; ông Ngô Sỹ Nguyên - Pháo thủ số 1 xe tăng 390. Tham gia kíp xe tăng 390 đánh chiếm Dinh Độc Lập thời điểm đó còn có ông Lê Văn Phượng (đã qua đời).

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 1.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh: Francoise Demulder)

"Lá cờ được cắm càng nhanh bao nhiêu thì đồng bào, đồng chí của mình đỡ đổ máu bấy nhiêu"

Theo thông tin từ VTC News, Đại úy Vũ Đăng Toàn chia sẻ, ngày 30/4/1975, ông là Trưởng xe tăng 390 – một trong hai chiếc xe tăng tiếp cận Dinh Độc Lập đầu tiên, chiếc còn lại là xe tăng 843. Cả hai chiếc xe tăng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 – Quân đoàn 2. Người lái chiếc xe tăng 390 ngày hôm đó là trung sĩ Nguyễn Văn Tập.

Đến cổng Dinh Độc Lập thấy xe tăng 843 dừng lại ở cổng phụ, Trung sĩ Tập hỏi ý kiến Trưởng xe Vũ Đăng Toàn: "Bây giờ như thế nào anh?". Ông Toàn lệnh rằng cho xe tông thẳng vào cổng.

"Khi đó, đồng chí Tập nhận được lệnh đã tăng ga, nhắm thẳng cổng Dinh Độc Lập và húc đổ chiếc cổng rồi lao vào sân dinh", ông Toàn nói.

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 2.

Ông Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Toàn cho biết, theo kế hoạch, xe tăng nào vào dinh trước sẽ tiến hành cắm cờ. Thấy xe tăng 843 do Trung úy Bùi Quang Thận làm trưởng xe tiến sát phía sau, ông Toàn xách súng AK yểm trợ Trung úy Thận chạy vào Dinh Độc Lập cắm cờ.

Khi vào dinh, các chiến sĩ gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh chào các chiến sĩ giải phóng: "Thưa ông, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụng tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống vẫn còn ở đây, mời hai ông lên làm việc".

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 3.

Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975

Theo ông Toàn, khi vào Dinh Độc Lập thì có khoảng 60 người thuộc nội các của chính quyền Dương Văn Minh. Quân ta nhanh chóng leo lên trên cắm cờ, khẳng định giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng chia sẻ với báo Nhân dân về thời khắc lịch sử ấy, người cựu chiến binh bùi ngùi, trong cuộc đời chiến đấu của mình, ông rất may mắn có cơ hội cùng chiếc xe tăng 390 thực hiện nhiệm vụ lịch sử, trực tiếp tấn công vào sào huyền cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

“Lá cờ được cắm càng nhanh bao nhiêu thì đồng bào, đồng chí của mình đỡ đổ máu bấy nhiêu. Đến lúc ấy, tôi thực sự biết chúng ta đã chiến thắng, miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, bắc nam sum họp một nhà. Sau mấy chục năm chiến tranh, bây giờ mình sẽ sớm được về với gia đình, quê hương”, ông chia sẻ.

Sau đó, ông Toàn và các chiến sĩ tiếp tục quản lý ông Dương Văn Minh và nội các của ông này để chờ cấp trên đến làm việc. Cũng theo ông Toàn, ông không ngờ mình lại được chứng kiến những phút giây lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 4.

Bốn thành viên của kíp xe tăng 390 trong một lần thăm Dinh Độc Lập. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ôn lại kỷ niệm khó quên ngày đó, lái xe Nguyễn Văn Tập tự hào nói: “Trong tháng ngày làm lính xe tăng, tôi đã trải qua nhiều vất vả, gian nan ở vị trí lái xe và chiến đấu trên chiến trường ở miền nam. Nhưng tôi may mắn có được đường cua đẹp nhất trong cuộc đời mình, đó là lúc bẻ lái xe tăng 390 húc vào cổng chính Dinh Độc Lập ở thời khắc lịch sử của dân tộc”.

Ông chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ cố gắng làm sao hoàn thành được nhiệm vụ diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu. Khi đứng ở sân Dinh Độc Lập và biết quân ta đã giành được chiến thắng, trong tôi trào lên cảm giác vinh dự, tự hào. Khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cũng là lúc người dân ở Sài Gòn đổ ra đường phố, mừng chiến thắng. Còn mấy anh em chúng tôi ôm nhau trong niềm vui quá lớn”.

"Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ông Hinh – người bảo vệ Dinh Độc Lập ngày hôm đó. Chính ông đã hỗ trợ ngắt cầu dao điện để xe tăng lao vào dinh an toàn. Nếu không ngắt điện thì toàn bộ hàng rào của dinh đã bị nhiễm điện gây thương vong nặng nề cho các chiến sĩ và đoàn xe tăng", ông Toàn nói.

"Với chúng tôi, chiến dịch mang tên Bác Hồ có nghĩa là quyết chiến rồi"

Báo Tiền phong cũng đã chia sẻ lời tâm sự của Lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập về khoảnh khắc lịch sử ấy: "Không đơn giản mà xe tăng của ta tới cổng Dinh Độc Lập ngay được. Bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để cho chúng tôi tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập".

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4. (Ảnh: Đại Việt)

Chia sẻ cùng báo Nhân dân, ông Tập vẫn không thể quên, ngày 26/4/1975, lực lượng xe tăng Lữ đoàn 203 nhận được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Với chúng tôi, chiến dịch mang tên Bác Hồ có nghĩa là quyết chiến rồi, nên mình phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá, dù gian khổ, khó khăn và có thể hy sinh. Không phải chỉ mình tôi nghĩ thế, mà khí thế của anh em trong đơn vị lúc ấy đều dâng cao”, ông Tập nhớ lại.

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 6.

Cùng chung cảm xúc với ông Tập, ông Ngô Sỹ Nguyên - Pháo thủ số 1 xe tăng 390 cho rằng mình và đồng đội là những người may mắn, được lịch sử ưu ái chọn là chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập. Hình ảnh này đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 7.

Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên cùng các đồng đội trên xe tăng 390 ( Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy, khi xe tăng tiến vào, húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập. Từ đây, non sông đất nước nối liền một dải, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. 

Tôi thấy vinh dự và tự hào khi có mặt trên chiếc xe tăng lịch sử ấy. Hình ảnh đường phố rực rỡ cờ hoa, những đoàn người hò reo chào mừng bộ đội ngày đó luôn in đậm trong tâm trí tôi.", ông Ngô Sỹ Nguyên cho hay.

"Chúng tôi tuy không phải là một mẹ sinh ra, mỗi người một quê nhưng chúng tôi có thể giỗ cùng một ngày. Chúng tôi vẫn vui vẻ và trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. 50 năm qua, chúng tôi có cưới xin, vui buồn đều có nhau. Chúng tôi gắn bó khăng khít với nhau dù là trong thời chiến hay thời bình", ông Nguyên nói.

Những người chiến sĩ trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện chưa kể sau 50 năm- Ảnh 8.

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày