Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn

Nhật Linh, Theo Helino 08:24 30/05/2018

Trong quá trình làm bài thi môn Văn, có rất nhiều điều cần chú ý để không bị trừ điểm và dẫn đến hiện tượng: nắm chắc kiến thức mà điểm vẫn không cao.

Trong kì thi tuyển sinh vào 10 những năm trước, rất nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi vô cùng tự tin vì "câu nào cũng làm được hết", nhưng lúc nhận điểm thì lại chưng hửng vì điểm không cao như mong đợi. Vậy nguyên nhân do đâu? Môn Văn là một môn học đòi hỏi những kĩ năng làm bài tốt để trình bày, phân bố thời gian và diễn đạt logic. Để tự tin hoàn thành tốt bài thi môn Văn, các thí sinh không chỉ cần nắm chắc kiến thức tác phẩm, kiến thức tiếng Việt mà còn cần giắt túi những bí kíp trình bày cơ sản sau đây.

Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn - Ảnh 1.

Luôn viết trọn vẹn một câu, không trả lời sơ sài

Nhiều thí sinh quan niệm: câu trả lời đúng là được, không quan trọng trình bày ra sao. Tuy nhiên, Văn học là môn xã hội rất chú trọng đến cách diễn đạt của thí sinh. Để lấy được cảm tình của hội đồng chấm thi và ăn trọn điểm cho câu trả lời của mình, hãy trả lời mỗi ý thành một câu hoàn chỉnh. Ví dụ, nếu câu hỏi trong đề là: "Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì", đừng chỉ viết là "Biểu cảm", hãy viết thành một câu gãy gọn :"Phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn là phương thức biểu cảm."

Trình bày rõ ràng, mạch lạc, có tách ý cụ thể

Còn gì dễ đọc hơn một bài thi được trình bày cụ thể, dễ nhìn. Một bí kíp cho các thí sinh là hết một câu hoặc một ý nhỏ, hãy cách một dòng, điều này khiến cho hội đồng chấm thi dễ dàng hơn trong việc chấm theo ý và không bị bỏ sót câu trả lời của bạn, đồng thời khi chúng ta muốn bổ sung một ý nhỏ còn thiếu cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều đấy.

Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn - Ảnh 2.

Gạch chân những yêu cầu cơ bản của đề bài

Đây là bước cơ bản để chúng ta tiết kiệm được thời gian mà vẫn theo đúng yêu cầu của bài làm để ăn điểm tối đa. Chỉ mất 1 đến 2 phút gạch những yêu cầu chính như: bài này yêu cầu viết từ 10 đến 15 câu, sử dụng 2 phép nối trong bài…, trong hơn 100’ còn lại, các thí sinh sẽ thoải mái làm bài mà không lo sợ lạc đề, sai đề, dài dòng, hay thiếu ý.

Đưa nhiều dẫn chứng hơn trong bài nghị luận xã hội

Một đoạn nghị luận nhàm chán và thiếu thuyết phục nhất chính là đoạn nghị luận không có dẫn chứng. Ví dụ khi viết về giá trị của tình cảm gia đình, thay vì chỉ ca ngợi suông "gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người để trở nên hoàn thiện và tốt đẹp hơn", bài thi sẽ thuyết phục hơn rất nhiều nếu chúng ta đưa ra được những dẫn chứng cao đẹp về tình cảm gia đình, có thể trong chính tác phẩm mình được học: là tình cha con sâu nặng của Ông Sáu và bé Thu (trong tác phẩm Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng) khiến Thu trở thành cô bé mạnh mẽ hơn khi trưởng thành, hay lời khuyên để mong con nên người trong "Nói với con" của Y Phương. Sử dụng dẫn chứng cũng thể hiện sự hiểu biết của bản thân, dễ lấy điểm tối đa phần nghị luận.

Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn - Ảnh 3.

Phân chia thời gian hợp lí, không viết lan man

Tình trạng "đầu voi đuôi chuột" trong bài thi không phải tình trạng hiếm của các thí sinh vào 10. Rất nhiều bạn phần đầu làm vô cùng trau chuốt, thậm chí vì nghĩ có nhiều thời gian nên làm lan man, dài dòng, nhưng những phần cuối vì hết thời gian nên vô cùng ngắn, ẩu và thiếu ý. Một bài thi tốt là bài thi giữ vững được phong độ từ đầu đến cuối. Để làm được điều đó, các thí sinh phải tự phân chia thời gian hợp lí, dành cho câu nghị luận xã hội bao nhiêu thời gian, câu nghị luận văn học bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thời gian để kiểm tra lại bài và soát lỗi chính tả, diễn đạt. Chủ động kiểm soát thời gian là kĩ năng môn thi nào cũng cần đó nha.

Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn - Ảnh 4.

Môn Văn, khác với suy nghĩ của mọi người là môn học: làm tốt mấy cũng khó được điểm cao. Thực chất, những bạn chưa được điểm cao môn Văn hoặc là chưa nắm vững kiến thức, hoặc là chưa có cái nhìn sâu sắc đời sống xung quanh hay chỉ đơn giản là thiếu những bí kíp làm bài "nhỏ mà có võ" đấy thôi. Vậy nên các thí sinh hãy ghi nhớ cho mình những điều này để tự tin "rinh" về điểm cao môn Văn trong kì thi vào 10 sắp tới nhé.

Những kĩ năng “nhỏ mà có võ” giúp thí sinh ăn trọn điểm bài thi môn Ngữ văn - Ảnh 5.