Những hàng thức uống bình dân người Sài Gòn luôn "gọi tên" mỗi khi cơn khát tràn về trong mùa hè

Ngọc Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 09:58 27/05/2019

Trà sữa thì cũng "hot" đấy, nhưng xét về khả năng giải khát thì còn thua xa những bậc "tiền bối" sau đây.

Sài Gòn có hai mùa "nóng" và "nóng tàn bạo", nhất là vào những đợt nắng mùa hè tháng 4 - 5 thì còn "gắt hơn", đồng hồ điểm số 12 vào ban sáng là không ai dám ra khỏi nhà. Tuy nhiên với các trách nhiệm và nghĩa vụ như đi học, đi làm thì chẳng ai trốn được, và vì thế, người ta phải tìm cách để trải qua cơn nóng ấy thôi. Đồng hành cùng người Sài Gòn dưới cái nóng khát và sự mất nước hết sức gian nan, chính là những hàng nước bình dân mà người dân nơi đây thường xuyên "chỉ mặt gọi tên":

Nước sâm Bát Bửu

Những hàng thức uống bình dân người Sài Gòn luôn gọi tên mỗi khi cơn khát tràn về trong mùa hè - Ảnh 1.

Tiệm sâm Bát Bửu trên ngã tư đường Trần Quý - Tạ Uyên ở khu vực quận 11 đã tồn tại gần nửa thế kỷ, và cứ vào những mùa nắng đổ lửa là nơi đây lại đông khách nườm nượp. Có khi, khách đậu xe mua nước đông đến mức lấn ra cả bên ngoài lề đường. 

Nước sâm là thức uống yêu thích của người Sài Gòn quanh năm, nhất là mùa hè, tuy nhiên họ cũng không phải "dễ dãi". Hầu hết mọi người đều sẽ có khẩu vị riêng cũng như những cái tên quen thuộc trong đầu, để khi nào cần là cứ ghé mua. Tiệm Bát Bửu cũng nằm trong danh sách những cái tên quen thuộc ấy, thậm chí là một trong số những hàng nước sâm nổi tiếng nhất nhì khu chợ người Hoa ở đây.

Nước sâm Bát Bửu có vị thanh mát, không quá ngọt, có màu nhạt, dễ uống, hậu vị đọng lại cũng không gây gắt cổ. Ngoài ra ở đây cũng có bán nước đắng, món nước "đen thui" siêu khó uống nhưng lại rất được ưa chuộng, bởi cái hay của nó là uống xong một ly liền thấy hạ nhiệt ngay lập tức, rất bổ và mát người. Vừa có "tiếng" vừa có "miếng", nước sâm Bát Bửu tồn tại gần nửa thế kỷ và đã truyền qua ba đời chủ nhân, với chất lượng chưa khi nào giảm sút. Đây là một trong những cái tên mà người Sài Gòn sẽ luôn nhớ tới mỗi khi muốn giải khát.

Địa chỉ: Ngã tư Trần Quý - Tạ Uyên, Quận 11.

Giá cả: 6k - 22k.

Nước mía quất chợ Phú Nhuận

Mở cửa từ những năm 1960, tiệm nước mía không tên nhỏ bé hay được người dân địa phương gọi là "nước mía chợ Phú Nhuận" hay "nước mía Phan Đình Phùng". Chợ Phú Nhuận không nhỏ, đường Phan Đình Phùng cũng dài, nhưng cho dù có bao nhiêu hàng nước mía ở đây thì hai cái tên ấy cũng chỉ chỉ một hàng duy nhất, đó là hàng nước của ông Út.

Tồn tại hơn 50, nước mía chợ Phú Nhuận đã trở thành một trong những cái tên đứng đầu trong làng giải khát bình dân của người Sài Gòn. Đặc biệt, ngoài nước mía ra, tiệm chẳng thêm món nước gì khác, ấy vậy mà lượng khách cùng danh tiếng cứ tăng chứ không giảm, chẳng ai thấy "ngán".

Ấy là vì một điểm khác biệt của nước mía chợ Phú Nhuận: quả cam. Thông thường, người ta thường ép quả tắc (quất) cùng với mía để có mùi thơm và vị chua dịu, tuy nhiên nhiều người cũng không thích lắm vì mùi tắc có thể nồng, át cả hương vị tự nhiên của mía. Vậy nên cam ép với mía lại cho ra kết quả hài hoà hơn hẳn. Nước mía cam ở đây chua vừa đủ và thơm thoang thoảng hương cam tươi.

Nhiều thực khách cho hay, họ cứ ghé ủng hộ miết, nhưng cũng chẳng biết lý do vì sao, chỉ là "mỗi lần muốn uống nước mía thì cứ phải là đến chỗ này để mua" - một khách hàng thân quen chia sẻ.

Địa chỉ: 125A Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận.

Giá cả: 7k - 10k.

Dừa tắc Pasteur

Nếu ở Sài Gòn lâu năm mà chưa một lần nghe đến dừa tắc Pasteur thì thật sự rất là kì lạ đấy. Vì một đồn mười, mười đồn một trăm, đến nay xe dừa tắc nhỏ xíu trên đường Pasteur đã ngồi vững chắc vị trí hàng nước bình dân nổi tiếng nhất nhì Sài Thành. Xe dừa tắc này bán từ những năm 1995, còn "già đời" phân nửa thế hệ 9x. Quán phục vụ từ công nhân viên chức đến giới học sinh, sinh viên đã ngót nghét vài thập kỷ rồi.

Vốn là một xe giải khát như bao xe giải khát khác, quán có bán linh tinh nào nước ngọt, trà đường, cà phê... nhưng cuối cùng nổi tiếng nhất là dừa tắc. Dừa tắc của quán nổi đến mức người ta lấy luôn nó làm tên gọi. Công thức dừa tắc Pasteur cũng rất đơn giản, lấy nước dừa pha thêm đường rồi cắt cơm dừa thành những lát vừa ăn rồi trữ sẵn. Khi nào khách gọi, chủ quán múc ra ly rồi thêm vào mứt tắc hoặc mứt thơm. Chỉ đơn giản vậy thôi mà làm mê mẩn biết bao thế hệ Sài Thành đấy. 

Được biết, lúc nào tới quán cũng thấy vài nhóm bạn trẻ ngồi sẵn, mỗi người một ly, ai ấy cười nói, "chém gió" khí thế ngút trời. Dừa tắc Pasteur có thể nói là một tụ điểm quen thuộc của vô số người dân nơi đây.

Địa chỉ: 246A Pasteur, Quận 3.

Giá cả: 6k - 14k.

Nước sâm Lê Hồng Phong

Cứ vào mùa nào nóng nóng một tí (à mà thực ra thì lúc nào chả nóng), người ta lại thấy hàng chục người đứng túm tụm trước một căn nhà ngay khúc Lê Hồng Phong giao với Nguyễn Trãi. Đó chính là hàng nước sâm Hồng Phong đông khách có tiếng. Quán cũng có tuổi đời ngót nghét hai, ba thập kỷ, không một chiếc ghế chiếc bàn, khách chỉ gọi mua, uống ngay rồi lập tức đi ngay. Ấy vậy mà từ lúc quán mở cửa vào sáng sớm cho đến khuya lơ, hiếm khi nào vắng người.

Ở đây có đủ loại từ nước sâm 24 vị cho đến mía lau rong biển, hồng trà tắc... Được biết, mỗi ngày quán bán ra không dưới vài trăm ly, và dù chỉ là quán nhỏ chẳng bàn ghế, ở đây cũng cần một lượng lớn nhân viên thì mới đảm bảo phục vụ hết số lượng khách ghé ủng hộ vào những giờ cao điểm như buổi trưa nắng nóng.

Suốt bao nhiêu năm, quán vẫn không thêm chiếc bàn hay chiếc ghế, cũng chẳng mở thêm chi nhánh hay thay đổi thực đơn, có thêm thì có lẽ cùng là thêm lượng khách nghe danh từ xa mà đến. Chủ quán cho rằng, bán ở đây cũng đủ sống nên không muốn mở rộng việc kinh doanh.

Địa chỉ: 154 Nguyễn Trãi, Phường 3, Quận 5.

Giá cả: 10k - 22k.