Mới đây, tiền vệ Tuấn Anh của HAGL hé lộ ngoài đọc sách sau khi chơi bóng, anh còn "làm bạn" thêm với thiền và yoga. Hai bộ môn có tác dụng cải thiện sức khỏe cũng như tinh thần rất tốt.
Đây không phải lần đầu Tuấn Anh bật mí thói quen khác thường so với đồng nghiệp. Từ những ngày đầu mới nổi cùng lứa U19 Việt Nam, tiền vệ của HAGL không theo đạo nhưng đã đeo dây chuyền hình thánh giá và làm dấu trước khi ra sân.
Hồi đầu năm 2017, sau quãng thời gian xuất ngoại tại Nhật Bản không thành công, anh từng xăm hình cây thánh giá với dòng chữ "Chỉ có Chúa có thể phán xét tôi", được chính anh lý giải "để nhắc nhở bản thân luôn có niềm tin để vượt qua mọi áp lực và thử thách".
HLV Toshiya Miura có thói quen chạy bộ hướng tay phải vào trong sân. Ảnh: H.Tùng
Một trong những giai thoại về đức tin nổi tiếng nhất trong làng bóng đá Việt Nam là trường hợp của cựu thủ môn Võ Văn Hạnh - thủ môn đầu tiên đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2001. Các đồng đội ở SLNA, Đà Nẵng trước kia đặt biệt danh "cậu Hạnh" vì thủ môn sinh năm 1974 có thói quen "đúng 5h sáng thức dậy, mặc áo nâu và tụng kinh, gõ mõ cho tới giờ đi tập".
Mãi sau này khi đang là HLV thủ môn của CLB TP.HCM, thủ môn kỳ cựu này mới hé lộ lý do: "Có lần đi tàu lửa chung khoang với một thầy bên đạo Phật, nghe thầy giảng thấy hay, thấm lắm nên thích từ đó. Chắc mấy đứa chọc thôi chứ mình không có tụng kinh, lưu file như nghe nhạc trong điện thoại hoặc bật youtube lên rồi nghe cho thư thái mỗi sáng thôi".
Theo lý giải của cựu thủ môn Võ Văn Hạnh, thói quen của ông cũng như nhiều HLV, cầu thủ khác chỉ đơn giản như một sở thích để có thêm niềm tin, động lực cho bản thân, không cần phải nâng quan điểm lên mức liên quan đến mê tín.
Đơn cử như những chuyện đức tin của cựu HLV trưởng CLB Long An, tuyển Việt Nam - ông Henrique Calisto dường như chỉ xoay quanh việc ông đi lễ chùa, thắp hương rồi nằm mơ thấy chiến thắng. Trong khi có một chi tiết rất hay trước khi trận chung kết AFF Cup 2008 - tuyển Việt Nam lần đầu vô địch mà ít ai để ý.
Câu chuyện được kể lại bởi cựu danh thủ Lê Công Vinh về biện pháp tâm lý của ông thầy người Bồ Đào Nha: Trước trận chung kết AFF Cup 2008, lần đầu tiên ông Calisto cấm cầu thủ ra ngoài, dùng thiết quân luật. Trước khi bước vào trận đấu, "thầy Tô" phát cho mỗi cầu thủ một lá cờ Tổ quốc, để bỏ vào tất chân rồi nói: "Hãy chiến đấu vì lá cờ này, vì có thể chúng ta sẽ không có cơ hội thứ 2".
Những hành động, thói quen khác thường của các HLV, cầu thủ chỉ như một biện pháp tinh thần giúp họ có thêm sự tự tin. Đồ họa: Đỗ Linh
Đôi khi những thói quen khác thường lại ẩn chứa lý do rất cụ thể. Như chuyện cũng của một cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam - ông Toshiya Miura.
Khi ông thầy người Nhật Bản dẫn dắt CLB TP.HCM tại V.League 2018 và đóng quân tại sân Đầm Sen (sân Công An TP.HCM), có rất nhiều thắc mắc tại sao ông luôn luôn chạy bộ rèn thể lực theo chiều thuận kim đồng hồ hướng nhìn trực diện khán đài A, 10 lần như 1 đều chạy hướng tay phải vào trong sân.
Thói quen trên cộng thêm việc ông Miura chỉ uống cafe sữa ít sữa được mua tại đúng một quán gần nơi đóng quân, càng làm cho nhiều người tò mò.
Nhưng cuối cùng câu trả lời lại cực kỳ đơn giản, đúng chất kỷ luật nghiêm ngặt của vị HLV Nhật Bản. Theo những cầu thủ của đội, ông Miura chạy hướng đó để tiện có hướng ánh mắt trực diện về khu nhà ở của đội, "chứ nếu ông ấy chạy ngược lại thì khu nhà ở sau lưng, đâu quan sát được cầu thủ làm gì".
Ở thời điểm hiện tại, HLV trưởng U23, tuyển Việt Nam - ông Park Hang-seo được nhắc đến nhiều với thói quen cầu nguyện trước mỗi buổi tập, trận đấu. Về sau vị HLV người Hàn Quốc đã giải thích là nghi thức cầu nguyện đơn thuần, mang đặc trưng của tôn giáo.