Nguyễn Hữu Thắng là sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM vừa tốt nghiệp. Dịch bùng phát, cậu đã đứng vào hàng ngũ tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, rồi không may mắc Covid-19.
Nguyễn Hữu Thắng - tình nguyện viên F0
"Sau khi được điều trị khỏi, tôi quyết định tham gia chương trình ATM F0 chống dịch với mong muốn góp sức vào công tác điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân khác.
Với trách nhiệm của một nhân viên y tế, tôi tin mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này. May mắn là quyết định này của tôi nhận được sự ủng hộ từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp", cậu chia sẻ. Thắng hiện tham gia hoạt động hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Dã chiến số 3.
Dương Mỹ Linh - cũng là một nhân viên y tế, là tình nguyện viên F0, chia sẻ thời gian đầu gia đình chưa thực sự ủng hộ khi biết cô tham gia phòng chống dịch. Nhưng khi Linh mắc Covid-19 thì gia đình đã hiểu hơn công việc của cô gắn với trách nhiệm giúp đỡ cộng đồng
"Trong quá trình điều trị, các F0 nhiều khi không tin lời y bác sĩ nói. Nhưng khi có người từng là F0 trò chuyện thì sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực cho những người đang điều trị vượt qua Covid-19", Linh nói.
Nguyễn Hữu Thắng, Dương Mỹ Linh là hai trong số 165 F0 đã nhận nhiệm vụ của chương trình "ATM F0 chống dịch" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động. Công việc chủ yếu của các tình nguyện viên từng là F0, gồm hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc bệnh nhân…
Các tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia chương trình
Sau thời gian ngắn triển khai, chương trình đã có gần 300 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chương trình, trong đó, 165 F0 đã nhận bàn giao công việc.
Anh Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam cho biết: Ý tưởng "ATM F0 chống dịch" hình thành sau những chuyến thăm, tặng quà cho các bệnh viện điều trị F0. Nhận thấy các bác sĩ đã chịu rất nhiều áp lực trong điều trị bệnh nhân, lại phải thực hiện các công việc hậu cần, phục vụ bệnh nhân, Hội DNT Việt Nam đã quyết định triển khai chương trình.
Theo đó, các F0 đã khỏi bệnh trở lại bệnh viện hỗ trợ công tác điều trị. Họ sẽ được tập huấn những kiến thức cơ bản về chăm sóc bệnh nhân, theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở, huyết áp… của người bệnh.
"Đội ngũ chống dịch mới này sẽ chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn với các y bác sĩ khi chăm sóc các ca F0 trong sinh hoạt hàng ngày; giúp y bác sĩ chuyên tâm trong chữa trị bệnh. Tham gia 'ATM F0 chống dịch', mỗi tình nguyện viên sẽ được chương trình hỗ trợ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng để có thêm chi phí trang trải cho sinh hoạt hàng ngày", anh Đặng Hồng Anh nói.
Ngày 28/8, anh Đặng Hồng Anh đã trao ủng hộ 100 suất thù lao cho các F0 khỏi bệnh tình nguyện tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: Đối với các tình nguyện viên F0, bệnh viện sẽ tùy vào kinh nghiệm và khả năng của mỗi người để có thể bố trí các công tác phù hợp, hỗ trợ đội ngũ y tế.
Các công việc như chăm sóc các người bệnh, công tác hậu cần, vệ sinh, vận chuyển hay thậm chí là một chuyên gia tâm lý, dùng những kinh nghiệm của bản thân để trấn an người bệnh.
"Trong giai đoạn hiện nay, tình hình công tác và tài chính của bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ y bác sĩ đang tập trung cho công tác chống dịch bên cạnh công tác chữa trị thông thường. Phần tài trợ của Hội DNT Việt Nam lúc này là rất đáng quý đối với chúng tôi, tiếp thêm sức để bệnh viện chăm lo tốt hơn cho các bệnh nhân F0 đang điều trị", ông Khanh nói.
Trước đó, ngày 27/8, Hội DNT Việt Nam trao tặng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM, hàng nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh và khẩu trang N95 có tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng. Kinh phí triển khai số quà tặng nêu trên được trích từ nguồn Quỹ trang thiết bị và vật dụng y tế cứu trợ khẩn cấp COVID-19, do các doanh nghiệp hội viên Hội DNT Việt Nam đóng góp.
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam gặp rất nhiều khó khăn. Hội DNT Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình ý nghĩa và kịp thời, như: Vận động kinh phí mua kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và ủng hộ tiền mặt, trang thiết bị y tế, máy thở, kit xét nghiệm, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, xe cấp cứu… để trao tặng cho các tỉnh, thành phố sử dụng trong công tác phòng chống dịch.
Triển khai chương trình ATM gạo, ATM oxy, ATM F0 chống dịch, ATM - túi thuốc cứu người. Triển khai Chương trình 100.000 suất ăn miễn phí cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM...