Những dự đoán về thế giới việc làm hậu đại dịch, một tương lai tốt hơn có thể đang chờ ta

Bảo Trân, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 19:24 12/08/2021

Hoạt động kinh doanh và đường lối lãnh đạo của các doanh nghiệp sẽ có những thay đổi đáng kể nào sau một năm khủng hoảng vì dịch bệnh?

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống của chúng ta. Những lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, hay những bản tin về số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy lo sợ và mệt mỏi khi phải liên tục nhốt mình ở nhà. Cả một bầu trời u ám đã bao trùm lấy thế giới trong một thời gian dài, nhiều người vẫn cầm cự, nhiều người dường như ngã quỵ trước tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Khi đại dịch bắt đầu, những người đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trước đây đa phần đều khuyên tôi rằng “chuyện gì rồi cũng sẽ qua, dù đó là dịch bệnh hay là gì đi chăng nữa”. Nhưng trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh như hiện tại, có bao giờ bạn tự hỏi liệu công việc kinh doanh và cách chúng ta làm việc rồi sẽ thay đổi như thế nào trong dài hạn, sau khi dịch Covid-19 qua đi? Hãy cùng tham khảo những dự đoán sau đây về các thay đổi có thể diễn ra liên quan tới hoạt động kinh doanh và làm việc khi dịch bệnh kết thúc.

Những dự đoán về thế giới việc làm hậu đại dịch, một tương lai tốt hơn có thể đang chờ ta - Ảnh 1.

Các công ty sẽ phải củng cố kiến thức xã hội của mình

Mỗi một doanh nghiệp kể từ khi thành lập luôn mang trong mình một sứ mệnh riêng và hoạt động của doanh nghiệp chính là minh chứng để thực hiện và chứng minh sứ mệnh đó. Đồng thời, ngoài sứ mệnh thì văn hóa công ty cũng là yếu tố luôn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu nếu muốn phát triển lâu dài và bền vững. Thông thường thì những yếu tố này sẽ tồn tại dưới dạng một tuyên bố về sứ mệnh, tầm nhìn và một danh sách các giá trị mà công ty và nhân viên sẽ được hưởng trong quá trình làm việc cùng nhau.

Và cuộc đại dịch đang diễn ra như một bài đánh giá khắc nghiệt về sứ mệnh và văn hóa của công ty liệu có thực sự mang ý nghĩa như được hô hào trước giờ hay chỉ là những câu nói lý thuyết suông.

Nhiều công ty luôn tuyên bố khẩu hiệu sẽ biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, đặt sự chính trực và sự tin tưởng lẫn nhau lên hàng đầu hay lấy khách hàng làm trung tâm… Và khi dịch bệnh nổ ra thì chính là lúc nhân viên và các bên liên quan thực sự cần những hành động thiết thực đến tự các nhà lãnh đạo. Những chính sách đằng sau sứ mệnh đó là gì? Làm thế nào để đạt được kết quả đó? Hay công ty đang đại diện cho điều gì?...

Nhân viên công ty nói riêng và xã hội nói chung sẽ bắt đầu tập trung chú ý nhiều hơn và sự ăn khớp giữa lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo. Ví dụ như Mary Barra - giám đốc điều hành của General Motors đã tuyên bố rằng mục tiêu của bà là biến công ty của mình trở thành “một công ty toàn diện nhất thế giới”. Tuy nhiên, đáp lại lời tuyên bố đó, một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp người da đen đã đăng tải một trang quảng cáo trên một số tờ báo và chỉ ra rằng GM từ lâu đã phớt lờ các công ty truyền thông thuộc sở hữu của người da đen.

Áp lực đó đã khiến cho GM phải cam kết đa dạng hóa chi tiêu quảng cáo của mình bằng việc dành 4% ngân sách quảng cáo tại Mỹ năm 2021 cho các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của người da đen và sẽ tăng ngân sách lên 8% vào năm 2025.

Khi dịch bệnh qua đi, ắt hẳn có một điều mà các nhà lãnh đạo và công ty phải đối mặt đó chính là họ sẽ được chú ý nghiêm khắc hơn để cụ thể hóa về sứ mệnh và giá trị của công ty và chứng minh rằng chúng không chỉ là một lời nói suông mang đầy tính lý thuyết.

Những dự đoán về thế giới việc làm hậu đại dịch, một tương lai tốt hơn có thể đang chờ ta - Ảnh 2.

Những nhân viên nhanh nhẹn và thích ứng tốt sẽ được săn đón nhiều hơn

Giữa sự khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch hiện tại, thế giới rồi cũng sẽ ổn định và những giả thuyết về tương lai dường như cũng tích cực hơn. Tuy nhiên có một điều không thể chối cãi đó là các nhà lãnh đạo bắt đầu chú ý hơn đến việc tìm kiếm những người tài năng, hiểu được tầm quan trọng của việc chấp nhận sự mơ hồ cũng như những người có thể học và thích ứng với những điều mới nhanh chóng

Tất cả những yếu tố này đều hữu ích và quan trọng nhưng những phẩm chất này “trông” như thế nào trong thực tế? Và làm thế nào để mô tả được những nhân viên có các kỹ năng này trong quá trình tuyển dụng?

Đối với tôi, người có phẩm chất này thường là những người nhanh nhẹn, có thể dễ dàng đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau trong nhiều lĩnh vực mới. Ngoài ra, các nhân viên này cũng thường có thói quen “đề phòng” những ý tưởng và quan điểm mới. Họ luôn đặt câu hỏi về tính hợp lệ của các giả định, kể cả giả định do chính mình đặt ra để phản biện và xây dựng nên một kế hoạch làm việc tốt nhất.

Do đó, một điểm mới nữa có thể được tập trung nhiều hơn sau khi đại dịch kết thúc đó là các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm nhiều hôn các nhân viên có khả năng thích ứng nhanh. Bởi vì những người này sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các bước điều chuyển trơn tru trong suốt chặng đường phát triển của mình dựa trên việc họ nhìn nhận thế giới là một thực thể đang thay đổi từng ngày.

Những dự đoán về thế giới việc làm hậu đại dịch, một tương lai tốt hơn có thể đang chờ ta - Ảnh 3.

Các kỹ năng cốt lõi của lãnh đạo sẽ quan trọng hơn bao giờ hết

Các nhà lãnh đạo cấp cao thường không đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc lãnh đạo của mình. Thay vào đó, họ có thể chỉ đơn giản là bị cuốn theo guồng quay bận rộn của công việc, của những cuộc họp liên miên hay tập trung nhiều hơn vào việc phát triển sự nghiệp của bản thân.

Nhưng công việc thực tế của các nhà lãnh đạo có chủ đích hơn, nhất là đối với những công ty cho phép làm việc từ xa thì gánh nặng được chuyển sang vai trò lãnh đạo càng lớn hơn. Các nhà lãnh đạo cần phải đảm bảo trình bày và truyền đạt được những chiến lược của mình tới nhân viên và đảm bảo họ có thể thực hiện nó.

Và với những nhân viên làm việc từ xa thì việc bồi dưỡng và gắn kết với văn hóa doanh nghiệp lại càng trở thành một nhiệm vụ ưu tiên. Bởi lẽ, đồng nghiệp cũng giống như một đoàn tàu đi trong đêm và người lãnh đạo chính là luồng sáng để liên kết và dẫn dắt nhân viên của mình đi đúng hướng. Do đó, các nhà lãnh đạo cần dành thời gian để chia sẻ về các giá trị của công ty, quan điểm lãnh đạo của mình và những mục tiêu mà bản thân mong muốn đạt được từ công ty.

Cuối cùng, chính nhờ đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp sẽ cần phải nhìn nhận lại về việc lắng nghe nhân viên của mình. Từ đó có thể đưa ra những hướng đi rõ ràng hơn để có thể nghe và hiểu được nhân viên của mình đang nghĩ gì và mong muốn như thế nào về công việc và công ty. Khi tất cả nhân viên đều ở văn phòng thì các nhà lãnh đạo có thể nhận được những tín hiệu đó rõ ràng hơn. Nhưng điều này trở nên khó khăn hơn nhiều khi tất cả nhân viên đều làm việc từ xa. Do đó, yếu tố lắng nghe cần phải được nâng cấp trở thành một quy trình không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp.

Nói tóm lại, từ những dự đoán trên có thể thấy được sự lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh có thể sẽ thay đổi của các doanh nghiệp sau đại dịch. Những thay đổi này nếu xảy ra sẽ có thể tạo nên những nhà lãnh đạo tốt hơn và những công ty mạnh hơn. Đừng vội nản lòng vì những điều tiêu cực hôm nay mà hãy mở rộng lòng để tạo dựng và chờ đón những điều tích cực đang chờ chúng ta ở phía trước.