Ngày 28/9 là ngày thứ 3 liên tiếp Sài Gòn đón nhận cơn mưa nặng hạt. Dù tình trạng ngập không bao phủ khắp thành phố như trận mưa lịch sử ngày 26/9 trước đó, tuy nhiên vẫn có những con đường rút nước rất chậm, một phần vì nắp cống thoát nước bị bịt kín bởi những túi rác.
Nhiều trận mưa liên tiếp khiến Sài Gòn ngập nặng.
Trong Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong vào ngày 29/9 này, nguyên nhân gây ngập nặng được xác định là do mưa lớn bất thường, lượng mưa vượt quá công suất của hệ thống thoát nước cũng như nhiều khu vực kênh rạch bị lấn chiếm gây tắc nghẽn dòng chảy.
Trước đó, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng nhận định lý do chính yếu trong việc gây ngập mà nguyên nhân thuộc về công tác quản lý, duy tu cống rãnh, kênh rạch chưa tốt. Ngoài lý do quản lý không tốt thì ý thức người dân góp phần lớn vào tình trạng này.
"Một số nơi người dân xả rác xuống kênh rạch, cống rãnh vô tội vạ chặn dòng chảy. Cứ mỗi lần mưa lớn là rác trôi khắp nơi, che lấp miệng cống thu nước nên ngập", TS cho biết.
Cống thoát nước ở thành phố trở thành chỗ vứt rác thải.
Rác ngập miệng cống và người dân vẫn vô tư vứt rác bừa bãi như thế này.
Theo nhiều người, một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên ngập là do cống thoát nước hoạt động không hiệu quả. Để biết vì sao cống thoát nước hoạt động rất kém, nước "không chịu" chảy vào cống, dẫn đến ngập đường, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và dưới đây là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được.
Không biết từ khi nào miệng cống thoát nước trở thành nơi bỏ rác của người dân.
Đủ loại rác rưởi với số lượng nhiều chứa trong bao bì đều bị vứt ngay miệng cống.
Người dân bỏ nguyên bao rác tại miệng cống.
Ở các tuyến đường trong thành phố, hầu như cứ 20 - 30m lại có một miệng cống thoát nước. Và tình trạng chung của các miệng cống, hố ga này là thường xuyên bị bịt kín bởi rác, túi nilon. Nhiều hàng quán vỉa hè vì sợ khách không chịu được mùi hôi từ cống thoát ra nên đã lấp xi măng hoặc dùng vật liệu che kín những cống thoát nước này. Khi nước dâng lên, người ta vừa than thở vừa tát nước mà quên mất rằng chỉ vài tiếng trước mình đã vô tình ném bịch rác, hộp cơm xuống đường, xuống cống.
Tại tuyến đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) để ngăn rác không lọt cống phải dùng miếng lưới sắt để ngăn chặn.
Đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3) hầu hết các cống thoát nước đều chịu chung số phận làm nơi chứa rác của người dân ở đây.
Nói về nguyên do những tuyến đường vốn "bất khuất" trước những cơn mưa ở Sài Gòn nay lại dễ "thất thủ" vì một cơn mưa như thế, nhiều người nhận định rằng do các hàng quán mọc lên ngày càng nhiều, rác sinh hoạt, ăn uống vứt đầy ra đường, nhất là ở những miệng cống đã góp phần gây nên tình trạng nước không thoát kịp. Có thể kể đến con đường đang trở thành thủ phủ ăn uống mới trong vài năm gần đây là đường Phan Xích Long - con đường liên tiếp bị ngập trong những trận mưa vừa qua, hàng loạt hầm xe trở thành bể chứa nước, nhấn chìm cả trăm xe máy.
Đồng tình với suy nghĩ này, chị Đ.T.Nga, ngụ quận Tân Bình chia sẻ: "Sài Gòn ngập còn cả tỉ lý do, tại người ta đã lấp kênh, tại nâng đường, do tốc độ đô thị hóa nhanh. Cám cảnh một Sài Gòn thất thủ nhưng tôi chỉ biết thở dài trong lòng mà không dám nói gì cả, vì trong phần đông tội lỗi ấy, đôi khi có một chút vô tâm của mình...".
Khu vực quận 3 trước đây chưa xảy ra ngập bao giờ nhưng trận mưa lịch sử vào chiều tối 26/9 đã ngập nặng và cống đầy rác là nguyên nhân nước không thoát được.
Rác bịt kín không còn kẽ hở nào để thoát nước.
Khi hỏi một người dân về việc vì sao lại để rác ở miệng cống, nhiều người cho biết vì thành phố bố trí quá ít thùng rác công cộng, mà lượng rác sinh hoạt ở các cửa hàng, quán ăn rất nhiều, nếu không để ở các gốc cây, trước cửa nhà thì chỉ còn lựa chọn là đặt ngoài... miệng cống.
Thực tế, hàng ngày đều có người thu gom rác ở các nhà dân, hộ kinh doanh theo một giờ giấc nhất định. Thay vì chờ đến gần giờ gom rác để đem rác ra ngoài thì người dân vô tư thích để rác lúc nào thì để, và thường chọn các miệng cống thoát nước để ném rác. Có người để rác cả đêm, cả ngày ở miệng cống và trước khi người thu gom rác tới thì số rác này đã bị trôi xuống cống theo một cơn mưa bất chợt không báo trước.
Rác lềnh bềnh dưới cống thoát nước cả ngày lẫn đêm là hình ảnh rất thuờng thấy ở Sài Gòn.
Hình ảnh cống thoát nước bị bịt kín bình nhựa và rọ heo, không biết nếu mưa lớn sẽ như thế nào.
Miệng cống bị nhét xốp trên đường Lê Hồng Phong (quận 10).
Người dân cho biết, họ bỏ rác tại miệng cống vì... không còn chỗ nào chứa rác.
Miệng cống trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10) bị bịt kín vì người dân sợ bốc mùi hôi, khiến cho tuyến đường này liên tục bị ngập nặng mỗi khi mưa.
Ly nhựa, hộp cơm, bao bì... tất cả đều bị vứt xuống cống thoát nước trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.
Chúng tôi xin được trích bài viết rất ngắn mà rất thời sự trên facebooker Tony buổi sáng, anh kể: "Trưa nay Tony đi trên bộ trên một con đường trung tâm Quận 1, thấy nhiều nhà mặt tiền cho thuê làm cửa hàng, nhân viên cửa hàng buổi trưa ăn cơm hộp xong, đi ra vứt ngay miệng cống. Không có miệng cống nào không có rác. Ai cũng bàn tán vụ chiều qua mưa ngập. Ai cũng nhăn nhó nói khổ. Nói tại quy hoạch thế này thế kia. Thật ra khu này người Pháp quy hoạch từ xa xưa, cứ khoảng 20m là có 1 cái miệng cống, nhưng lúc đó họ chưa nghĩ ra được là 100 năm sau, người dân sẽ hàng ngày dùng rác bịt cống lại. Hồi trưa thấy bạn trẻ đem 3 hộp cơm ăn xong để bịt cống, Tony hỏi sao bạn hem bỏ vô thùng rác, bạn nhún vai nói "mắc công". Mới chạy xe ngang qua, thấy bạn đang hì hục tát nước".
Bài viết ngắn, nhưng có lẽ đã khiến nhiều người giật mình, hàng nghìn lượt chia sẻ và nhắc nhở nhau về ý thức của mỗi người. Ngoài "lỗi do ông trời" thì còn rất nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta sợ một cơn mưa nặng hạt trút xuống thành phố, sợ phải "vật lộn" trong dòng nước đen ngòm để về nhà.
Phó Chủ tịch UBND TP ông Lê Văn Khoa đã đề nghị Trung tâm Chống ngập nước TP và các quận - huyện cố gắng xử lý rác trên miệng thoát nước. Lực lượng Trung tâm chống ngập phối hợp, chuẩn bị sẵn máy bơm để đề phòng mưa lớn. Và với chúng ta, những người không vô can, chúng ta cũng nên chung tay "giải thoát" cho những miệng cống quá tải rác thải, chỉ bằng cách luôn nghĩ đến việc mình sẽ lặn ngụp trong dòng nước bẩn mà cảm thấy chùn tay khi muốn vứt một túi rác xuống đường...