Vụ việc một hành khách của hãng hàng không Vietnam Airlines bức xúc vì bị mất hành lý ký gửi mới đây đang khiến dư luận phải xôn xao. Cụ thể, hành khách sau khi kết thúc chuyến bay quốc tế từ sân bay London Heathrow (Anh) đã bị thất lạc hành lý ký gửi nặng 14,4kg.
Mọi chuyện sẽ không có gì quá nghiêm trọng nếu như hành lý của người này có giá trị không lớn. Thế nhưng khổ nỗi, kiện hàng lại có giá trị lên tới 5.000 USD - tương đương hơn 120 triệu VND, trong khi đó hãng lại chỉ đền có... 288 USD, tức là chưa được 1/10 giá trị của kiện hàng.
Ảnh minh họa
Đây cũng chính là lý do khiến cho khách hàng cực kỳ bức xúc. Người này cho rằng, hãng đã đền bù không thỏa đáng khi giá trị của hành lý cao hơn như vậy rất rất nhiều.
Và đây mới là lúc câu chuyện của chúng ta bắt đầu.
Công ước quốc tế Warszawa
Công ước Warszawa là công ước quốc tế về trách nhiệm bồi thường trong vận tải quốc tế của hãng hàng không đối với con người, hành lý và hàng hóa. Và theo như công ước này, hành lý ký gửi trong những chuyến bay quốc tế sẽ được đền bù với giá trị không quá 17 SDR/kg.
Nhiều người đến đây sẽ thắc mắc SDR là gì đúng không? Đó là chữ viết tắt từ Special Drawing Rights - quyền rút vốn đặc biệt - SDR được hiểu là đơn vị tính toán do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định. 1 SDR tương đương 1,3 USD (khoảng hơn 30.000 VND).
Hành lý ký gửi khi bị mất sẽ được đền bù không quá 17 SDR/kg
Trong trường hợp này, Vietnam Airlines đã thực hiện đền bù 20USD/kg hành lý, tức là rơi vào khoảng 16 SDR/kg. Nếu xét riêng về mặt giới hạn trách nhiệm, có thể nói Vietnam Airlines đã không làm sai, chiếu theo công ước Warszawa.
Vậy phải chăng chúng ta sẽ phải chịu rủi ro khi ký gửi những hàng hoá giá trị cao?
Câu trả lời là không! Các hãng hàng không đều có điều khoản kê khai hàng hóa giá trị lớn khi ký gửi. Khi đã kê khai mà hành lý thất lạc, hãng sẽ buộc phải bồi thường theo mức giá trị của hàng hóa, trừ khi họ chứng minh được giá trị kê khai lớn hơn giá trị thực tế.
Tất nhiên, khi ký gửi hành lý có giá trị cao, bạn sẽ phải chịu một mức phí lớn hơn bình thường tùy theo quy định của hãng. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ thất lạc hành lý là rất thấp. Theo số liệu từ Hiệp hội Hàng không quốc tế IATA, 98,2% hành lý được vận chuyển theo đúng kế hoạch. Và đó cũng chính là lý do nhiều người quyết định không kê khai hành lý, tránh mất một khoản phí khá lớn mà... vô ích.
Ngoài ra, trong điều lệ vận chuyển của hãng hàng không đều nói rõ, đối với vận tải quốc tế, hãng có quyền từ chối vận chuyển theo dạng ký gửi các thiết bị điện tử (máy tính xách tay, máy ảnh, máy quay, nghe nhạc, MP3, điện thoại...), vật phẩm dễ vỡ, dễ hư hỏng, tiền bạc, trang sức, chìa khóa, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, kinh doanh....
Hành lý có giá trị cao có thể bị từ chối không được ký gửi
Không rõ vị hành khách của chúng ta có kê khai hay không, nhưng rõ ràng một khi đã quyết định không kê khai giá trị hàng hóa, bạn đã chấp nhận mức đền bù chỉ 17 SDR/kg theo đúng công ước quốc tế Warszawa.
Phải làm gì với hành lý khi ký gửi?
Bình thường khi đi máy bay, hành khách mang hành lý ký gửi đến quầy check-in. Tại đây, nhân viên của hãng sẽ tiếp nhận hành lý, và bạn sẽ phải rời xa nó cho đến khi hạ cánh.
Hành lý của bạn sẽ phải trải qua một hành trình khá dài, bao gồm hàng chục mét băng chuyền qua khu vực máy quét hành lý, rồi đưa ra khu bốc xếp để nhân viên bốc dỡ, chuyển lên máy bay. Rồi đến khi hạ cánh, hành lý sẽ được đưa xuống băng chuyền, chất lên các xe hàng để đưa trở về khu vực nhận hành lý trong sân bay.
Có thể thấy việc vận chuyển hành lý yêu cầu khá nhiều công đoạn cần đến sức người, nên không thể tránh khỏi va đập, khiến hành lý bung nắp, vỡ khóa. Thậm chí, cũng có thể nhân viên bốc dỡ hành lý làm việc không... có tâm, quăng quật hành lý của khách hàng. Dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đó là sự việc có thật, ví dụ như trong trường hợp của sân bay Quốc tế King Khalid trong clip dưới đây.
Ngoài ra, dù các sân bay đều có camera, nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp có kẻ gian cố tình bẻ khoá, lấy cắp hành lý của hành khách.
Hành lý bị bung nắp trong quá trình vận chuyển
Và để phòng ngừa chuyện này, chúng ta sẽ có vài cách như sau:
- Sử dụng vali cứng với khóa ngầm ở mép thay vì khóa kéo bình thường. Nếu muốn lấy đồ bên trong kẻ gian sẽ phải phá khóa, khi đó vali sẽ không thể đóng lại được, và ta sẽ biết có người đã tác động đến hành lý của mình. Ngoài ra, các vali cứng có thể chống va đập tốt hơn.
- Nếu sử dụng vali thông thường, bạn nên sử dụng màng bọc và dán băng kín vali. Với cách thức này, sẽ mất nhiều thời gian nếu kẻ gian muốn móc đồ trong vali của bạn, đồng thời giảm chấn động khi va đập.
- Với thùng hàng ký gửi cũng sử dụng cách thức bọc kín và quấn băng dính phủ kín toàn bộ thùng hàng, kèm theo mác tên, địa chỉ và số điện thoại cụ thể.
Nguồn: Vietnam Airlines, Telegraph, Mirror