Những điều cần biết về mã độc Petya đang hoành hành toàn cầu

Minh Thu, Theo ICTNews 19:31 28/06/2017
Chia sẻ

Một đợt mã độc mới lại vừa tấn công trên quy mô toàn cầu khiến một loạt các doanh nghiệp phải ngắt hệ thống máy tính để bảo vệ dữ liệu.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra phần mềm được sử dụng trong vụ tấn công là gì và cảnh báo rằng nó còn phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vụ WannaCry hồi tháng trước.

Theo ông Craig William, chuyên gia an ninh mạng của Cisco Talos: "WannaCry chỉ là một lỗi hệ thống. Ồn ào khiến ai cũng chú ý nhưng không gây thiệt hại nặng. Còn bây giờ, chúng ta đang đối phó với một loại virus thông minh hơn nhiều."

Các thương hiệu lớn trên toàn cầu như hãng thực phẩm Mondelez và gã khổng lồ ngành quảng cáo của nước Anh WPP đã xác nhận hệ thống của họ nhiễm virus.

Đây là tất cả những gì bạn cần biết về loại mã độc đang hoành hành này.

Nó gây hại gì?

Khi xâm nhập được vào hệ thống, virus này sẽ khóa các ổ cứng của máy và đòi 300 USD tiền chuộc thanh toán bằng Bitcoin.  Các tài khoản email bị nhiễm virus sẽ bị chặn, nên dù nạn nhân có trả tiền chuộc, các file vẫn sẽ bị mất. Theo luật an ninh mạng cũng như lời khuyên của các chuyên gia, người dùng máy tính bị nhiễm mã độc không nên trả bất kỳ khoản tiền chuộc nào.

Nó lây lan như thế nào?

Mã độc này giống như một loại bệnh truyền nhiễm, lây từ máy này sang máy khác. Nó sử dụng một công cụ hack có tên gọi EternalBlue, lợi dụng những điểm yếu trên Microsoft Window. Dù Microsoft đã sửa lỗi này vào tháng 3 vừa rồi nhưng không phải tất cả các công ty đều đã được cập nhật. EternalBlue nằm trong số những công cụ hack bị rò rỉ hồi đầu năm nay và được cho là thuộc quyền kiểm soát của Cục An ninh Nội địa Mỹ.

Máy tính của tôi có an toàn không?

Máy tính cá nhân cập nhật Windows phiên bản mới nhất sẽ được an toàn trong vụ tấn công này. Tuy nhiên, nếu một trong các máy tính của hệ thống đã bị nhiễm, các máy khác cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng.

Mã độc này bắt nguồn từ đâu?

Các chuyên gia vẫn đang xác định nguồn gốc của virus này. Nhưng Cisco Talos cho rằng có thể virus đã xâm nhập vào hệ thống máy tính qua một phần mềm của Ukraine. Một công ty ở Ukraine có tên MeDoc đã gửi đi một phần mềm về thuế mới được cập nhật và sau đó virus đã lây lan ra khắp các máy tính trên thế giới. Nhà chức trách Ukraine đã xác nhận vụ việc có liên quan đến MeDoc nhưng công ty này vẫn chưa có phản hồi vè vụ việc.

Những ai bị tấn công?

Các công ty đa quốc gia có trụ sở tại châu Âu và Mỹ là những nạn nhân đầu tiên của virus này. Danh sách còn dài và bao gồm hãng dầu thô Rosneft nổi tiếng của Nga, hãng vận tải hàng hải Maersk của Đan Mạch, công ty dược Merck có trụ sở tại Mỹ và công ty luạt DLA Piper.

Các tổ chức và doanh nghiệp của Ukraine là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các máy tính tại ngân hàng, cơ quan chính phủ, dịch vụ bưu chính và hệ thống tàu điện ngầm của Kiev đều đang gặp vấn đề. Virus này cũng gây ảnh hưởng tới hệ thống giám sát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Vẫn chưa rõ liệu có công ty nào trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không. Modelez thông báo 5 nhà máy của hãng này tại Australia và New Zealand đã gặp vấn đề khi đang sản xuất các sản phẩm phiên bản giới hạn.

Nó khác gì so với WannyCry?

So với WannaCry, mã độc này cũng sử dụng công cụ hack EternalBlue và lấy cắp thông tin mật của người dùng. Tuy nhiên, nó khác WannaCry ở chỗ nó sẽ khóa toàn bộ ổ cứng của máy tính thay vì chỉ là vài file, và lan truyền qua hệ thống máy tính nội bộ chứ không qua Internet như WannaCry.

Ai đứng đằng sau mã độc này?

Vẫn còn quá sớm để xác định được người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công mã độc lần này. Các cơ quan tình báo và nhà nghiên cứu an ninh mạng cho rằng nó có liên quan đến vụ tấn công WannaCry hồi tháng trước bởi một nhóm tin tặc của Triều Tiên. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng nào rõ ràng.

Các tin tức mới nhất vẫn đang được cập nhật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày