"Những dịch vụ xóa nợ xấu hoàn toàn là lừa đảo"

Lê Hoàng, Theo VTV News 20:31 26/05/2023

Theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), những dịch vụ xóa thông tin nợ xấu CIC hoàn toàn là lừa đảo.

Hiện nay, nhiều trang mạng quảng cáo dịch vụ xóa thông tin nợ xấu CIC xuất hiện. Do có nhu cầu vay tiền, nhưng vướng thông tin nợ xấu, nhiều người đã liên hệ các dịch vụ này để mong xóa thông tin nợ xấu, nhưng kết quả là "tiền mất, tật mang". Bởi nợ xấu không xóa được, mà còn lộ, lọt các thông tin tín dụng của mình, dễ bị các đối tượng lừa đảo, trục lợi.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết những dịch vụ này hoàn toàn là lừa đảo. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ về thông tin này của bản thân cũng như các quy định liên quan để tránh các rủi ro cũng như bảo vệ quyền lợi của mình.

Thông tin tín dụng thường bị ghi nợ xấu nếu khách hàng không trả nợ khoản vay đúng hạn tại các ngân hàng, tuy nhiên không chỉ giao dịch ở ngân hàng mới bị ghi nhận điểm tín dụng.

"Để cho vay, ngân hàng phải kiểm tra điểm tín dụng của khách hàng, nếu một người dân nào đó đã bị nhảy nhóm nợ xấu thì ngân hàng không thể cho vay. không thể cấp tín dụng. Người dân có thể vay tiền ở các công ty tài chính, nếu nó trở thành nợ xấu thì thông tin cũng sẽ được chuyển đến CIC. Chính vì thế, chúng ta cần phải thận trọng, tránh để rơi vào nợ xấu, tránh điểm tín dụng của chúng ta bị hạ thấp", ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam, cho biết.

Những dịch vụ xóa nợ xấu hoàn toàn là lừa đảo - Ảnh 1.

Những quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên bất cứ kênh nào cũng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Không chỉ dùng để vay vốn, thông tin tín dụng còn có giá trị trong nhiều trường hợp. Chị Hương (TP Hà Nội) đang ứng tuyển vào làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị này yêu cầu chị phải cung cấp thông tin tín dụng. Chị đã lên mạng tra cứu và tìm thấy dịch vụ tra cứu với mức phí 300.000 đồng cho mỗi một báo cáo. Rất may sau đó chị đã liên hệ được với CIC và biết trang thông tin này là giả mạo.

"Tôi hoàn toàn có thể khai thác được thông tin tín dụng của mình, miễn phí mỗi năm một lần và từ lần hai cũng chỉ là 22.000 đồng/bản báo cáo", chị Nguyễn Thị Thanh Hương, TP Hà Nội, chia sẻ.

Có thông tin tín dụng tốt là cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính tốt hơn, cơ hội việc làm và hợp tác tốt hơn. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hiểu rõ và thường xuyên cập nhật thông tin này của mình hàng năm.

"Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra những thông tin về doanh nghiệp và chính bản thân mình tại cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam để khi phát hiện ra những thông tin không chính xác, chúng ta có thể yêu cầu các đơn vị liên quan chỉnh sửa thông tin của mình để đảm bảo quyền lợi", ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), nhận định.

Ông Tuấn cũng khẳng định, việc xóa thông tin nợ xấu hay can thiệp vào hệ thống thông tin CIC, không có tổ chức, cá nhân nào có thể tự thực hiện. Khi có sai sót, khách hàng cần thực hiện khiếu nại, đề nghị chỉnh sửa thông tin theo đúng quy định và được chấp thuận bởi lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng. Vì vậy, những quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên bất cứ kênh nào cũng đều có dấu hiệu lừa đảo.