Những đau thương sau cột mốc u ám 750.000 người tử vong do Covid-19 tại Mỹ

Mai Trang, Theo VOV 20:35 05/11/2021
Chia sẻ

Hơn 750.000 người tại Mỹ đã tử vong do Covid-19. Đằng sau con số đau thương này là nỗi buồn sâu sắc, sự tức giận, thậm chí là chia rẽ, nhưng cũng có thể mang lại thay đổi tích cực hơn.

Phần lớn những người tử vong do Covid-19 đều chưa tiêm vaccine

Trên đường tới bệnh viện ở Nam Florida, ông Tyrone nói với cháu gái Lisa Wilson rằng: “Chú muốn tiêm vaccine”. Nhưng, ông đã không bao giờ trở về nhà và qua đời vào ngày 22/8.

Lillie Mae Dukes Moreland, bà của Wilson, người đã nuôi dạy cô, đã không đồng ý tiêm vaccine Covid-19 vì nó còn quá mới. Một số thành viên trong gia đình cũng khuyên bà Moreland không nên tiêm chủng vì bà đã quá già - 89 tuổi. Vào cuối tháng 8, bà Moreland mắc Covid-19. Bà được đưa tới bệnh viện một ngày sau đám tang của Tyrone và qua đời chưa đầy 24 giờ sau đó.

Sáu thành viên trong gia đình của Wilson, đều chưa được tiêm chủng, lần lượt qua đời trong vòng 3 tuần. Một số người thân của Wilson vẫn nói rằng không cần phải tiêm chủng vì họ rất khỏe mạnh.

Ngày 3/11, Mỹ vượt cột mốc u ám 750.000 ca tử vong do Covid-19. Khi biến thể Delta lây lan tại Mỹ vào mùa hè, những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi số ca tử vong do dịch bệnh tăng vọt. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới đã giảm hơn 50% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.

Tại các lễ viếng, cuộc trò chuyện của người thân bệnh nhân qua đời vì Covid-19 mang đầy nỗi tiếc thương. “Chúng ta có thể ngăn chặn điều này không?”, họ nói.

Đây là câu hỏi gây chia rẽ các thành viên trong gia đình, đôi khi làm dấy lên sự giận dữ bởi mọi người đều biết rõ câu trả lời. Những người qua đời trong đợt bùng phát dịch lần này đều chưa tiêm vaccine Covid-19.

Một người chú của Wilson đã không đến đám tang của mẹ vì ông chưa tiêm chủng và không muốn làm phiền lòng những người thân thúc giục ông đi tiêm vaccine.

Tuy nhiên, khi số ca tử vong tại Mỹ tăng cao, 10 người thân chần chừ tiêm chủng trong gia đình Wilson đã thay đổi quyết định và đi tiêm vaccine. Trong khi đó, nhiều người khác vẫn cho rằng vaccine còn quá mới và không muốn tiêm chủng. Điều này dẫn đến việc một số thành viên trong gia đình hoàn toàn tránh nói về dịch bệnh hay vaccine.

“Chúng tôi không tức giận nhưng rất buồn vì họ không muốn tiêm vaccine”, Wilson nói.

Vào tháng 9, một người họ hàng khác của Wilson, Gilbert Grantlin III, đã cùng hàng chục người trong gia đình dự lễ tưởng niệm ba người thân khác. Grantlin, 27 tuổi, đã thúc giục mọi người đi tiêm chủng. “Đến khi nào chúng ta mới làm những điều cần thiết để bảo vệ gia đình mình?”, anh nói.

Ngay sau khi người họ hàng đầu tiên của Wilson mắc Covid-19 vào mùa hè năm 2020, cô đã cố gắng thuyết phục các thành viên trong gia đình còn chần chừ tiêm chủng rằng vaccine an toàn và hiệu quả.

Một số người đã quyết định đi tiêm chủng sau khi người mẹ, người bà trong gia đình Wilson qua đời. Nhưng những người khác lập luận rằng đức tin của họ quan trọng hơn khoa học.

Thời gian trôi qua và có nhiều người mắc Covid-19 hơn, Grantlin cho biết, gia đình anh chìm trong im lặng khi nói về vaccine. “Mọi người không nhắc đến việc tiêm chủng nữa”, Grantlin nói.

Brenda Gould, chủ nhà tang lễ Whitaker ở Georgia, cho biết, cô chưa thấy sự mất mát nào chia rẽ các thành viên trong gia đình giống như đại dịch Covid-19.

Gould nhận thấy có người né tránh sự thật, tự an ủi bản thân rằng dịch bệnh không tồi tệ đến vậy, cho đến khi người thân của họ qua đời vì Covid-19.

Nỗi buồn đan xen tức giận

Ngay cả khi mọi người nghĩ rằng họ đang làm những điều đúng đắn, điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra.

W. Wallace Kent Jr., một thẩm phán đã nghỉ hưu và sống với vợ ở thành phố San Antonio, bang Texas, tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt trong suốt đại dịch. Ông đã tiêm chủng đầy đủ, thường xuyên đeo khẩu trang và có dự định tiêm mũi tăng cường.

Tuy nhiên, trong một chuyến trở về nhà thăm gia đình ở Michigan, chỉ 24 giờ sau khi tham dự đám cưới của cháu trai với tất cả khách mời đã tiêm chủng, ông Wallace cảm thấy mệt mỏi, sốt và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Vợ của Wallace cũng dương tính với SARS-CoV-2 nhưng bà không xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh.

Vài ngày sau, tình trạng của Wallace trở nên tồi tệ hơn. Ông đã phải nhập viện. Trong 2 tuần, gia đình chỉ có thể nhìn thấy ông qua cửa sổ phòng bệnh và nói chuyện thông qua điện thoại. Sau đó, ông Wallace đã qua đời.

Bill, con trai của Wallace, quyết định sẽ tổ chức lễ tang cho cha với quy mô nhỏ và giới hạn số người tham dự. Những người có mặt trong tang lễ phải đeo khẩu trang.

Gia đình Wallace rất buồn sau sự ra đi của ông. “Tôi rất thất vọng. Tôi không hiểu tại sao một số người vẫn mắc bệnh dù đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa. Điều này khiến tôi tức giận vì bố tôi đã áp dụng gần như mọi quy định nhưng vẫn nhiễm virus và sau đó tử vong”, Cockerill nói.

Những thay đổi tích cực

Cảnh sát trưởng Christopher Broadhead đã tử vong vì Covid-19 ở tuổi 32.

Christopher và hầu hết đồng nghiệp của anh đều chưa tiêm chủng và chỉ đeo khẩu trang khi được yêu cầu. Họ đều không đồng ý với quy định đeo khẩu trang và tiêm vaccine.

Tuy nhiên, trong đám tang của Christopher, người vợ Elisa Broadhead, đã yêu cầu mọi người đeo khẩu trang và thiết lập một phòng tiêm vaccine tại nhà thờ trong thời gian diễn ra tang lễ.

“Christopher dự định tiêm mũi vaccine đầu tiên vào đầu tháng 8, nhưng anh ấy đã mắc bệnh vài ngày trước đó”, Elisa nói.

“Sau những gì tôi đã trải qua, khi nhìn chồng phải chịu đau đớn vì bệnh tật, tôi không muốn bất kỳ ai phải trải qua những điều giống như tôi”, Elisa nói thêm.

Khoảng 800 người tham dự đám tang của Christopher đều đeo khẩu trang.

“Ngay cả khi chỉ có thêm một người tiêm vaccine, một mạng người đã được cứu sống. Và nếu chồng tôi tiêm chủng, anh ấy đã không qua đời”, Elisa cho biết.

Elisa và hai người con nhỏ cũng mắc Covid-19. Họ tới bệnh viện khi Florida đang đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm virus do biến thể Delta gây ra với hàng trăm người tử vong mỗi ngày.

Hiện tại, Elisa đang đợi 90 ngày sau khi mắc Covid-19 để có thể tiêm chủng. Elisa từng không đồng ý với các quy định về đeo khẩu trang và tiêm vaccine, nhưng giờ đây thái độ của cô không còn gay gắt nữa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày