Công sở Nhật Bản vốn nổi tiếng khắp châu Á và cả thế giới vì những áp lực và chế độ nhọc nhằn mà mỗi người công nhân viên phải gánh chịu. Đã có nhiều trường hợp người trẻ làm việc đến kiệt sức, thậm chí tử vong sau giờ làm khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Những chuyến tàu đầy ắp người chen nhau trong giờ tan tầm, những giấc ngủ vùi mỏi mệt ngay trên đường của người Nhật cũng từng khiến thế giới choáng váng.
Phần nhiều trong số đó người lao động Nhật Bản làm việc trong công sở là đàn ông. Vậy còn phụ nữ, họ làm gì ở cơ quan? Rất đơn giản, phần nhiều trong số nữ nhân viên ở công sở Nhật chỉ đóng vai trò là "bình hoa di động", là những cô nàng xinh đẹp mặc váy hồng làm vui cho các đấng mày râu, khiến công sở đỡ áp lực. Họ được gọi là Shokuba no hana hay những bông hoa công sở - những cô gái chuyên làm công việc đun nước, pha trà và chờ đợi cơ hội lấy được một tấm chồng rồi... nghỉ hưu.
Shokuba no hana, những bông hoa đặc trưng của chốn công sở Nhật Bản.
30 tuổi mà chưa được nghỉ hưu thì coi như thất bại
Giữa hàng trăm đồng nghiệp nam, những cô nàng váy hồng xuất hiện như một làn gió mát lành. Các công ty, tập đoàn chỉ yêu cầu họ tốt nghiệp cấp 3 hoặc cao đẳng chứ không cần bằng cấp cao sang. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là pha trà, in ấn, giao tài liệu chứ không bị áp chỉ tiêu, định mức công việc như cánh đàn ông có chuyên môn.
Để tạo điều kiện cho những Shokuba no hana, các doanh nghiệp thậm chí còn bố trí nhà vệ sinh nữ có riêng những ngăn để đồ trang điểm, gương kèm đèn để những bông hoa công sở làm đẹp. Vì vậy, khi bắt đầu ngày làm việc, thay vì máy tính hay sổ sách thì việc họ cần chuẩn bị gấp là đồ dùng cá nhân để làm đẹp cho bản thân.
Các quý cô váy hồng có nhiệm vụ làm đẹp cho chốn công sở toàn đàn ông khô khan.
Ngoài việc đun nước pha trà, các bông hoa được giao rất ít công việc mỗi ngày, khác hoàn toàn với nam giới. Tất nhiên, nó cũng phụ thuộc nhiều vào nơi họ làm việc, ở một số công ty, những shokuba no hana phải làm việc bình thường như các nam đồng nghiệp, nhưng họ được trả công với mức lương rất rẻ mạt.
Tiền đồ của các cô gái này sẽ là làm việc vài năm ở văn phòng, tìm một tấm chồng, kết hôn rồi nghỉ hẳn ở nhà chăm lo cho gia đình. Sau 3 năm làm việc tại văn phòng, nếu vẫn chưa lấy được chồng để nghỉ việc, các nữ nhân viên này sẽ bị gọi là furukabu (rễ cây già) và sẽ liên tục bị hành hạ với những câu hỏi như "bao giờ mới định lấy chồng?", "chưa nghỉ việc à?" Một bông hoa văn phòng sẽ được coi là thành công nếu cô ta lấy được chồng và nghỉ việc trước 30 tuổi. Sau tuổi này, bông hoa đó sẽ bị gọi là thất bại thảm hại nếu chưa đạt được mục tiêu.
Trang điểm là công việc không thể thiếu với các cô gái shokuba no hana.
Khi lấy được chồng, những shokuba no hana sẽ được tổ chức một lễ ăn mừng rất lớn với tên gọi kotobuki taisha (lễ mừng nghỉ việc) và rồi từ đó về sau họ sẽ không còn xuất hiện trên văn phòng nữa. Kể cả khi thiếu tiền và muốn quay trở lại làm việc, công ty cũng khuyến khích họ nên ở nhà chăm lo cho gia đình chứ đừng nên đi làm.
Chính các sếp cũng khuyên những cô gái đã lấy được chồng thì nên nghỉ hưu ở nhà chăm lo cho gia đình chứ đừng đi làm tiếp.
Cam chịu áp lực nặng nề
Hầu hết những shokuba no hana đều biết thân biết phận và phải cam chịu một cách khó tin mức lương thấp cộng với những rủi ro quấy rối đến từ cánh đàn ông nơi công sở. Nếu hé răng nói nửa lời về điều này và để lọt ra bên ngoài thì họ sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là bị buộc thôi việc.
Vì lẽ đó, mỗi ngày đi làm với họ đều phải chỉn chu từng li từng tí, không được quên trang điểm, không được xin nghỉ việc cũng như làm ngơ trước tất cả những lời ong tiếng ve. Với những cô gái đã lấy chồng, giả sử nếu có bầu nhưng vẫn cố đi làm, shokuba no hana sẽ chịu rất nhiều áp lực từ sếp cũng như đồng nghiệp để phải xin thôi việc thì mới thôi.
Khối lượng công việc không phải áp lực cho các bông hoa mà đòn tâm lý mới chính là yếu tố khiến họ sợ hãi.
Tất nhiên, không phải tất cả phụ nữ đi làm ở Nhật Bản đều phải chịu chung kiếp "bông hoa công sở" mà một số khác vẫn sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để phát triển sự nghiệp của bản thân. Mặc dù vậy, định kiến xã hội thì vẫn luôn tồn tại và để xóa bỏ được nó sẽ không thể chỉ trong ngày một ngày hai, nên xét một cách toàn diện, đối tượng đang phải chịu thiệt thòi ở xứ sở mặt trời mọc vẫn là phái yếu và họ vẫn đang hàng ngày tìm cách để thoát ra khỏi kìm kẹp đó một cách an toàn.
Nguồn: Tổng hợp