Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời

Hoàng Xuân - Design: Tom, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 10/10/2017

Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời, như không thể đếm hết những bông hoa trắng tinh chầm chậm trôi từ những cánh rừng đầu nguồn trên mặt những dòng suối. Như chuyện một chị bán vé số gửi trao chiếc phong bì đựng 30.000 đ góp cho những bệnh nhân nghèo một dĩa cơm. Mặc dù chị, chắc gì không nghèo hơn họ.

Bốn cánh tay nắm chặt lấy nhau tạo thành một hình vuông vững chãi là biểu tượng của Vietnam Autism Network - Mạng lưới gia đình người có chứng tự kỷ Việt Nam. Đó là nơi cha mẹ trẻ có chứng tự kỷ chia sẻ và giúp đỡ nhau trong hành trình âm thầm giúp con mở dần những cánh cửa giao tiếp với thế giới.

Hình ảnh đó trở đi trở lại trong tôi, đậm và sâu dần khi tôi thấy Anh Tuấn - Bôm, cậu bé 15 tuổi gần như nhảy chân sáo ra sân khấu để chơi đàn trong một hội trường thật lớn, nhưng trước tiên là để cha cậu nghe.

Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời - Ảnh 1.

Câu chuyện của diễn viên Quốc Tuấn và Bôm đã khiến bao người xúc động

Gần như ai cũng đã biết câu chuyện của người cha nghệ sĩ, còn tôi may mắn biết thêm câu chuyện của một người cha khác.

Anh cũng có con trai đầu lòng như đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn. Đứa trẻ là nạn nhân của một số bác sĩ cẩu thả và thiếu trách nhiệm khi bé chào đời, khiến não bé bị ảnh hưởng và bé không phát triển được bình thường.

Đến tận bốn tuổi bé vẫn gần như nằm ngửa, không nói, không đi đứng, không phản xạ.

"Một ông bố vừa bồng con vừa khóa chặt đầu và tay con lại, một người mẹ vừa khóc vừa quỳ vừa khóa hai chân con, trân trân nhìn bác sĩ châm hơn 15 cái kim châm lên đầu, lên gáy và dưới cằm con, và dỗ dành nó ngồi yên suốt một tiếng đồng hồ. Đêm nào cũng thế, ròng rã hai năm trời liên tục, không nghỉ" - anh từng kể như thế trên trang cá nhân.

Tám năm tuổi của bé là vài ngàn ngày đêm giành giật từng chút dấu hiệu của sự sống cho con. Trong lặng lẽ hoàn toàn, vì anh không phải là người nổi tiếng.

Cách đây vài hôm, đột nhiên anh gọi tôi trên tin nhắn. Hỏi thằng DC khỏe không, anh bảo không, mấy hôm nay thời tiết Hà Nội quá khó chịu, thằng bé cáu bẳn, cắn cào đánh đập tím hết cả người bố. Nhưng anh nhắn tin cho tôi không phải để nói chuyện thằng DC. Mà anh nói sẽ tìm cách giúp đỡ bố của Bôm trong chữa bệnh cho con, trong một số khả năng của anh. Tôi xin giấu giùm anh điều này, vì những gì tôi biết về anh khiến tôi tin anh sẽ làm.

Anh và bố của Bôm không hề quen biết nhau. Chỉ là một người bố muốn chia sẻ gánh nặng với một người bố khác, vì quá thấu hiểu cái sức đè oằn vai không phải lúc nào cũng có thể trôi đi theo những dòng nước mắt và cả những nụ cười nở ra với bên ngoài. Anh Quốc Tuấn đã có thể mỉm cười với tương lai của Bôm, còn người bố này, anh phải đối mặt với những bế tắc liên tục trong không biết bao nhiêu năm tháng nữa.

Thế nhưng anh đã sẻ chia.

Và như dòng suối trong lành mà đáy cát là bốn cánh tay nắm chắc lấy nhau kia, còn trên bề mặt, sáng rạng và hiền hòa như những bông hoa trắng nho nhỏ nối nhau trôi chầm chậm, câu chuyện về sự sẻ chia cứ thế lướt qua trí nhớ của tôi.

Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời - Ảnh 2.

Cách đây 16 năm, bài nói đơn sơ của một linh mục từ rừng núi Kon Tum trước giáo dân nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn đã khiến cả giáo đường rơi nước mắt. Ông kể trong số giáo dân có những đồng bào mắc bệnh phong, nhưng tục lệ của buôn là cất lều trong rừng cho họ ở chứ không cho ở trong buôn. Họ đói, họ rét, trong cái đau đớn của bệnh tật. Năm đó 61 tuổi, linh mục Nguyễn Văn Đông "lang thang khắp tỉnh, nơi nào có cá vụn, cơm khô, muối hạt, tôi cứ xin, chỗ nào người ta bán rẻ nhất là tìm đến xin mua cho họ".

Người dân viết về ông: "Có một thời kỳ cha luôn tìm cách giúp người dân tộc nghèo mua những nhu yếu phẩm với giá rẻ bằng cách mua sỉ đem lên bán không lời cho họ, hoặc tìm cách giúp họ bán nông sản họ sản xuất với giá cao nhất có thể. Vậy nên có khi sân nhà thờ chứa cả tấn cá khô hay mắm ruốc, lúc khác lại chất đầy cả sân áo quần cũ bởi cao nguyên có những tháng lạnh cắt da cắt thịt mà người dân tộc nghèo chẳng dám mơ tới áo ấm. Lại có lúc bếp nhà xứ nức mùi mắm ruốc xào thịt, lỉnh kỉnh chai lọ vì ông cha đứng ra mua mắm giá sỉ, bỏ thêm tiền độn thêm thịt, sả, ớt…, rồi nhờ các bà khéo tay trong xứ nấu cho ngon đem bán lỗ để bữa ăn con nhà nghèo có thêm chút thịt".

Cũng trên vùng rừng núi đó, cách Kon Tum hơn 100 cây số, tại huyện Krong Pak tỉnh Đắk Lắk có một nhà nội trú đặc biệt do hai bà xơ phụ trách. Đặc biệt thứ nhất: nhà nội trú chỉ nuôi các em gái người dân tộc thiểu số (ở đây chủ yếu là người Xê Đăng và nghèo khô nghèo khát) đang học cấp 3. Đặc biệt thứ hai, cha xứ "dọa" một cách chính thức: Nếu đứa nào bỏ học đi lấy chồng, cha sẽ không làm phép cưới. (Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, trong 7 năm (2009-2015), toàn tỉnh có 1.090 cặp vợ chồng tảo hôn, 44 cặp kết hôn cận huyết thống. Con gái chỉ khoảng 13 tuổi đã lấy chồng, có con ngay).

Người công giáo không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân không được chúc phúc từ người hướng dẫn phần hồn. Hai điều đặc biệt làm nên điều đặc biệt thứ ba: mấy chục nữ sinh trong nhà nội trú đều học hết cấp ba, học hành chăm ngoan, và năm vừa rồi đều thi vào các trường cao đẳng/trung cấp (tôi chưa cập nhật được tỷ lệ thi đậu, tôi hứa sẽ cung cấp sau).

Cuối năm 2015 Bộ Giáo dục đưa ra thống kê: Kon Tum có 93%, Quảng Bình 87%, Đắk Lắk gần 82% người dân tộc thiểu số mù chữ. So sánh với những con số đó, câu chuyện buôn Hằng quả là một điều kỳ diệu. À tôi quên kể, đứa nào trong nhà nội trú cũng phải trồng một cái cây và chăm sóc nó cẩn thận.

Ở Bình Phước, cũng vùng rừng núi, tại giáo xứ Đức Hạnh và giáo xứ Phú Văn, hai linh mục trẻ cặm cụi làm tủ sách cho thiếu nhi để chúng được mở trí.

Dân nơi đây nghèo, quà sinh nhật cho cha xứ là một thùng mì gói, nên bỏ tiền mua sách truyện cho con cái là điều không tưởng. Cha đi vận động mọi mối quen biết. Ở đầu Sài Gòn, anh chủ chành xe hễ ai gửi đồ thiện nguyện cho chùa và nhà thờ thì không lấy tiền. Chuyến xe Grab chở sách ra chành cũng được anh tài xế bớt vài chục "em góp một xíu". Hàng ngàn cuốn truyện thiếu nhi, sách giáo khoa, dụng cụ học tập đó cũng là từ tấm lòng của những em nhỏ và cha mẹ chúng mỗi người gom góp thành.

Trên một hòn đảo cuối cùng đất nước, câu chuyện về người thầy giáo-lính biên phòng tên Trần Bình Phục năm ngoái đã khiến cả khán phòng trong đêm Gala Wechoice Awards 2016 đứng dậy vỗ tay khi nước mắt lặng chảy. Thầy Phục, khi biết bị ung thư máu, đã xin chuyển ra hòn Chuối. Cái duyên giữa đám trẻ con dân chài chỉ biết sống nhờ biển và anh thầy giáo bất đắc dĩ khởi lên từ đó.

Rồi từ một năm nay, tấm lòng kêu gọi tấm lòng, ngôi trường, nhà vệ sinh đã được dựng lên. Từ vận động của một đạo diễn trẻ của chúng tôi, một sân chơi hình thành. Cứ thế nối tiếp, một thư viện nhỏ, chiếc laptop… cho thầy trò chúng gửi về từ những trái tim khắp nơi trên thế giới.

Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời - Ảnh 3.

Thầy Trần Bình Phục và các em học sinh trên đảo Hòn Chuối.

Cách đây hơn một tháng, hình ảnh một anh đàn ông to cao tát thẳng vào mặt rồi cầm ghế phang vào người một bác sĩ ở Bệnh viện 115 Nghệ An lan như virus trên mạng.

Ở ngay cái bệnh viện đó, cách đây hơn hai năm có một người đàn ông bị xe tông rồi chạy trốn, bỏ mặc nạn nhân nằm giữa đường với hai chân gãy nát. Khi bà con phát hiện và đưa đi cấp cứu, anh đã mất máu quá nhiều. Trước tình thế nguy cấp của bệnh nhân cần đến 4 đơn vị máu, điều dưỡng Phạm Thị Hồng cùng sinh viên Nguyễn Thị Trà (Đại học Y khoa Vinh) và 2 người khác (giấu tên) đã hiến máu cho bệnh nhân.

Có những người đã hiến máu/hiến tiểu cầu đến 50 lần như BS Nguyễn Văn Trọng - Khoa Bệnh máu tổng hợp - Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An. BS Nguyễn Thị Bạch Nga, Phó giám đốc BV Hùng Vương (TP HCM) hiến 14 lần. Một nhân viên ở BV này tên Đỗ Thị Mỹ Hồng, hiến 24 lần… Nhưng, kể làm sao cho hết. Không thể đếm xuể. Trên facebook có vô số nhóm Hiến máu-Hiến tiểu cầu, lập nên từ những con người trước đó chẳng hề biết đến sự tồn tại của nhau, nhưng nhanh chóng gắn bó chỉ vì chung mục đích: hễ ai cần máu/tiểu cầu thì đến hiến.

Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời - Ảnh 4.

Ở một quận ngoại thành Sài Gòn, từ cách đây gần 30 năm, có một phụ nữ trẻ lặn lội đi tìm từng đứa trẻ con nhà nghèo thất học trong khu mình sống, đưa về nhà vừa nuôi, vừa dạy chữ. Tiền bạc đâu ra? Thì chị dành dụm lời lãi cái tiệm ăn chay của mình, rồi tiếng lành đồn xa và từ người lạ đến người quen góp tay cùng chị. Cứ vậy mà hàng ngàn đứa trẻ đã thay đổi hẳn cuộc đời từ những dòng chữ đầu tiên.

Trong công viên Tao Đàn (TP HCM), mỗi sáng chủ nhật có một người đàn ông lụi cụi đẩy xe chở năm bảy thùng sách đến, giăng tấm băng rôn "Thư viện tự lập". Sách do vợ chồng anh và những người bạn cùng sở thích gom lại. Thư viện tự lập là tự góp sách và tự quản lý. Những bà mẹ sáng chủ nhật dắt con ra công viên, những ông bà cụ, những đôi bạn đi dạo… sà vào quanh dãy thùng sách, tha hồ đọc, không ai phải quản ai. Mượn thì ghi sổ, tự giác mang tới trả, chứ ai biết ai mà đòi, cho dù miễn phí hoàn toàn. Anh là một thầy giáo.

Trước nhà thờ Đức Bà, nhiều tháng nay cứ tan buổi lễ sáng lại có ba bốn bạn trẻ chia nhau đi nhặt rác quanh khu vực. Khởi đầu cũng là một thầy giáo trẻ. Chỉ từ vài hôm đi lễ sáng ra thấy xung quanh nhà thờ nhiều rác quá, nên họ muốn dọn cho sạch. Họ nhặt rác ngay trước mắt những người có mặt tại đây cả sáng và chiều, để vừa làm sạch cái phần thành phố họ yêu quý, vừa truyền đi ý thức về sự ý thức.

Vẫn ở Sài Gòn, từ hai năm nay nhiều người đã quen với các đêm văn nghệ mang tên Dĩa cơm trên tường, Trái tim trên tường, Đó là các chương trình ca hát mà do một số bác sĩ tự tổ chức để quyên tiền giúp người bệnh nghèo có bữa ăn, tấm thẻ bảo hiểm y tế hoặc các giúp đỡ thiết thực khác. Nhưng câu chuyện tôi sắp kể có lẽ chưa được nhiều người biết. Đó là một buổi chiều thứ 6, đang chuẩn bị dượt cho đêm văn nghệ sắp tới thì một chị bán vé số ngập ngừng trước cổng tìm bác sĩ H. Chị trao chiếc phong bì đựng 30.000 đ, nói để góp cho những bệnh nhân nghèo một dĩa cơm. Mặc dù chị, chắc gì không nghèo hơn họ.

Những câu chuyện tử tế khiến bạn nhận ra rằng: Không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời - Ảnh 5.

Từ nhiều năm nay, có một cụm từ phổ biến bắt nguồn từ một cuốn sách, là Đáp đền tiếp nối (Pay it forward). Chuyện bắt đầu từ việc thầy giáo Reuben St.Clair ra một bài tập lấy điểm cộng thêm môn khoa học xã hội cho các học sinh cấp hai ở thị trấn Atascadero, bang California, nước Mỹ. Đề: Hãy nghĩ ra một ý tưởng để thay đổi thế giới và biến nó thành hành động.

Trevor Mc Kinney, 12 tuổi đã hăng hái thực hiện bài tập của thầy St.Clair bằng cách vạch ra ý tưởng giúp đỡ thật nhiệt tình cho ba người. Điều kiện để họ đền đáp là mỗi người sẽ lại tiếp tục giúp đỡ cho ba người tiếp theo… Và như thế chuỗi hành động "đáp đền tiếp nối" cứ được kéo dài, nhân rộng ra mãi mãi.

Bạn hãy tự tìm đọc phần tiếp theo của câu chuyện.

Nhưng có một điều tôi phải nói ngay: không ai có thể kể hết những đáp đền tiếp nối trong đời, như không thể đếm hết những bông hoa trắng tinh chầm chậm trôi từ những cánh rừng đầu nguồn trên mặt những dòng suối. Nhưng mỗi người hãy kể một câu chuyện mình biết, không phải để ngợi ca, vì họ làm những điều ấy không phải để được ca ngợi. Mà để như một cách khơi thêm dòng suối, tỏa lan làn hương từ những đóa hoa. Để thơm ngát cuộc đời của chính chúng ta đó thôi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày