Trong thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe máy, lạng lách, đánh võng, nẹt bô... thậm chí là đua xe trên đường phố ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều em còn mang theo cả hung khí, vũ khí có khả năng gây sát thương khi tham gia giao thông. Điều này thật đáng lo ngại bởi nó có thể gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, khiến người dân bức xúc.
Điển hình vụ tai nạn xảy ra vào lúc 0h15 ngày 3/11, một đoàn gồm 25-30 xe đi hướng Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội tốc độ cao đã tông trúng bạn N.H.Q. (27 tuổi) chạy xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Hậu quả làm nạn nhân tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, theo khoản 6, 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây: Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.iều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu; bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các đối tượng có các hành vi đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ... gây tai nạn giao thông thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà từng chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về xử lý vi phạm hành chính
Theo khoản 8, khoản 9, điểm c khoản 10 Điều 6 và khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 34 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đối với người trực tiếp gây tai nạn:
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định mà gây tai nạn giao thông.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.
Đối với các đối tượng khác:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các hành vi: Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; không cứu giúp người bị nạn.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
Người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.
(Đối với người chưa thành niên thì theo Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2022, trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền mà áp dụng các hình thức xử phạt khác như cảnh cáo; tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hoặc các biện pháp thay thế như nhắc nhở; quản lý tại gia đình; giáo dục dựa vào cộng đồng.
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay).
Về xử lý hình sự
Theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu các hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng trực tiếp gây tai nạn và các đối tượng khác có thể bị xử lý theo Điều 260 và/hoặc Điều 266 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:
Theo Điều 260 Bộ luật này quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Điều 266 Bộ luật này quy định về tội đua xe trái phép, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 20 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(Đối với người chưa thành niên thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Còn với người tử đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 266 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù có thời hạn thì đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định - Điều 12, Điều 101 Bộ luật Hình sự).
Về bồi thường thiệt hại
Giả sử cơ quan chức năng xác định được đối tượng trực tiếp gây tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân quy định tại Điều 589 (Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm) và Điều 591 (Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm) Bộ luật Dân sự năm 2015.
(Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường - Điều 586 Bộ luật Dân sự).
Theo thông tin ban đầu, Công an quận Hoàn Kiếm xác định khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.H.Q. (27 tuổi) lái xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Lúc này một đoàn gồm 25-30 xe đi hướng Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội với tốc độ cao.
Trong đó N.H.N. (sinh năm 2005) lái xe Vision màu xám chở theo N.P.A. (sinh năm 2005) đi với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát nên đã tông phải chị N.H.Q. làm chị Q. ngã ra đường.
Sau đó N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (sinh năm 2008) chạy theo đoàn đã tông tiếp vào Q..
Cú tông khiến chị Q. tử vong tại chỗ. Sau tai nạn, nhóm "quái xế" bỏ trốn khỏi hiện trường.