Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc

Thanh Trúc, Theo Trí Thức Trẻ 10:47 02/05/2016

Điểm lại xem bạn đã theo dõi đủ danh sách phim hoạt hình này chưa nhé!

Những năm gần đây, hoạt hình được sản xuất tại xứ Trung đang dần dần trở thành một chủ đề nóng. Một Tróc Yêu Ký với một nửa lượng cảnh phim là sản phẩm của đồ họa đẹp mắt, một Đại Thánh Trở Về đầy sống động, một nửa siêu phẩm Kungfu Panda 3 hợp tác với Mỹ, dần dần thị trường Trung Quốc cũng đang đạt được những thành tựu nhất định trong lòng công chúng.

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 1.

Khác với anime Nhật Bản, phim hoạt hình Trung Quốc thường không thể tự mình cạnh tranh với các sản phẩm hoạt hình đến từ Disney, Pixar hay Dreamworks trên chính "sân nhà". Người dân Trung Hoa trước đó phần lớn cảm thấy sản phẩm nước nhà thiếu cốt truyện độc đáo và đồ họa không hấp dẫn. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những "gương mặt" ngoại lệ đánh dấu cho sự chuyển mình điềm tĩnh của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Những dự án hoạt hình này đánh bật tư duy "phim hoạt hình phương Tây có doanh số phòng vé cao ở Trung Quốc", trở thành câu chuyện được chú ý về chất và lượng của sản phẩm nội địa.

1. Tề Thiên Đại Thánh: Đại Náo Thiên Cung (2012) – Quốc bảo hoạt hình

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 2.

Doanh thu phòng vé của hoạt hình Đại Náo Thiên Cung tuy khiêm tốn nhưng tương đối ấn tượng với một phim hoạt hình 3D. Đây là phiên bản làm lại từ series phim hoạt hình cùng tên năm 1961, Đại Náo Thiên Cung được xem là quốc bảo hoạt hình của điện ảnh Trung Hoa lúc bấy giờ. Phim kể về câu chuyện đại náo chốn thiên cung quá đỗi thân thuộc với các thế hệ lớn lên cùng Tây Du Ký. Phong cách hoạt hình đậm nét kinh kịch truyền thống kết hợp với định dạng 3D đã tạo nên cảm giác mới mẻ cho Đại Thánh. 

 Trailer "Tề Thiên Đại Thánh - Đại Náo Thiên Cung" (2012)

Hỷ Dương Dương Và Thôi Thái Lang (2009 – 2012) – Chú dê xứ Trung đánh bại chuột Mickey của Mỹ

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 4.

Là phiên bản điện ảnh của series hoạt hình cùng tên chiếu trên màn ảnh nhỏ, Hỷ Dương Dương Và Thôi Thái Lang 1 được thai nghén chỉ với 6 triệu NDT (20 tỉ đồng) nhưng lại gặt hái hơn 90 triệu NDT (308 tỉ dồng), một hiện tượng vô cùng hiếm có. Vì thế công chúng nghi ngờ sự thành công của dự án là nhờ vào chiến lược marketing. 

Tuy nhiên, khi các phần tiếp theo của phim lần lượt công chiếu sau đó, doanh thu phòng vé đều lần lượt vượt ngưỡng 150 triệu NDT, một con số kỷ lục với ngành hoạt hình Trung Quốc lúc bấy giờ. Phim chỉ là câu chuyện đơn giản về cuộc đấu trí giữa bầy dê và hai con sói, nhưng chú dê Hỷ Dương Dương được trẻ con Trung Quốc yêu quý hơn cả chuột Mickey.

 Giới thiệu "Hỷ Dương Dương Và Thôi Thái Lang"

Boonie Bears (2014 – 2016) – Gấu Bự Núi Tuyết lập kỷ lục ngày công chiếu

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 6.

Đánh bại kỷ lục của Hỷ Dương Dương là series điện ảnh Gấu Bự Núi Tuyết. Không những vậy, Gấu Bự Núi Tuyết đã lập kỷ lục có doanh thu phòng vé cao nhất dành cho phim hoạt hình vào năm 2014. Phim cũng chỉ đơn giản kể về cuộc phiêu lưu của hai chú gấu núi, nhưng cả ba phần đều có doanh thu vượt ngưỡng 250 triệu NDT, nằm trong top 10 các phim hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại ở Trung Quốc.

Đại Thánh Trở Về (2015) – Đại Thánh lần nữa làm nên kỳ tích

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 9.

"Nếu có ai có thể đánh bại Đại Thánh thì cũng chỉ mỗi bản thân Đại Thánh mà thôi". Thật vậy, Đại Thánh Trở Về đã viết nên một truyền kỳ mới cho nền hoạt hình Trung Quốc. Khác với những phim đã lập kỷ lục phòng vé khác, Đại Thánh Trở Về không đơn thuần là phiên bản làm lại của một câu chuyện có sẵn. Bản thân phim dù mang chủ đề cũ, nhưng câu chuyện mà Đại Thánh mang đến lại mới mẻ và bất ngờ. 

Dù cốt truyện của phim vẫn còn khá đơn giản nếu so với các sản phẩm đến từ Disney, Pixar hay Dreamworks, ở Đại Thánh Trở Về lại có sự đổi mới cách kể chuyện. Cạnh đó, sự gọn gàng chỉn chu trong từng tình tiết, từng hình ảnh đồ họa, mạch cảm xúc hợp lý đã chạm vào con tim khán giả. Với con số doanh thu 956 triệu NDT, dự án này là bằng chứng cho một bước tiến thành công của ngành hoạt hình nội địa.

Sau Đại Thánh Trở Về, nhiều người Trung Hoa tin rằng hoạt hình nước nhà sẽ sớm có ngày bước ra thế giới, hay ít nhất được như anime Nhật, có thể cạnh tranh với các sản phẩm hoạt hình đến Mỹ trong chính sân nhà. Thậm chí tạp chí Forbes từng cho rằng, nếu phim hoạt hình Trung Quốc nào cũng được như Đại Thánh Trở Về, nền công nghiệp hoạt hình Mỹ phải chuẩn bị vì họ sẽ có một đối thủ khó chơi.

Đại Ngư - Hải Đường – Kỳ vọng mới của người Trung Quốc

Những cái tên đáng tự hào của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 10.

Thật rất khó để người Trung Quốc không khỏi đặt kỳ vọng lớn ở Đại Ngư - Hải Đường trước những thước phim hoạt hình đẹp khó cưỡng, nhất là khi đơn vị đầu tư cho phim cũng chính là nhà đầu tư cho Đại Thánh Trở Về. 

Được ấp ủ từ năm 2004, nhưng vì thiếu chi phí đầu tư nên phải 12 năm sau, Đại Ngư - Hải Đường mới được chính thức công chiếu. Tác phẩm dựa trên điển tích từ Nam Hoa Kinh, kể về cô bé Xuân biến thành cá để dạo chơi nhân gian nhưng gặp nạn, cô được một cậu bé loài người hy sinh bản thân để cứu sống. Để báo ân, cô nuôi dưỡng linh hồn cậu bé để cậu có thể sống lại, quá trình đó lại vô tình gây ra tai họa giáng xuống nhân gian. 

 Trailer phim

Phim sẽ được công chiếu vào ngày 8/7, nhiều người hy vọng Đại Ngư - Hải Đường có thể lần nữa lập nên kỷ lục như Đại Thánh Trở Về.

(Nguồn: chinawhisper, forbes, sina)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày