Đa vũ trụ hiện đang là 1 trong những chủ đề nóng nhất của điện ảnh và truyền hình thế giới, phần lớn là nhờ loạt bom tấn của Marvel Studios như Spider-Man: No Way Home hay Doctor Strange in the Multiverse of Madness. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các studio khác đang bị lép vế trong cuộc đua khai thác chủ đề này. Ngược lại, có những dự án xoay quanh khái niệm đa vũ trụ thậm chí còn có kịch bản và chất lượng tốt hơn nhiều so với các bom tấn của MCU.
Dưới đây là những bộ phim mà bạn không nên bỏ lỡ nếu yêu thích ý tưởng về thực tại song song và đa vũ trụ.
Spider-Man: No Way Home là bộ phim điện ảnh đầu tiên của MCU khai thác sâu vào đề tài đa vũ trụ. Mặc dù vẫn còn khá nhiều lỗ hổng trong kịch bản, nhưng khó có thể phủ nhận thành công về mặt thương mại của bom tấn này, với khoản doanh thu phòng vé khổng lồ 1,89 tỷ USD.
Lấy bối cảnh ngay sau những sự kiện trong Spider-Man: Far From Home, No Way Home xoay quanh những tình huống oái oăm mà Peter Parker phải đối mặt sau khi danh tính siêu anh hùng của bản thân bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Không còn cách nào khác, cậu đành nhờ đến Doctor Strange để có thể “tẩy não” thế giới. Tuy nhiên, câu thần chú của Strange đã gặp phải sự cố, qua đó mở ra cánh cổng kết nối đa vũ trụ và đưa 2 chàng Spider-Man cũ, cùng các phản diện trong loạt phim trước đây, đến với MCU.
Spider-Man: No Way Home có thể coi là 1 hành trình của thực tại nhưng lại nhuốm màu hoài niệm, đặc biệt là đối với những fan trung thành của dòng phim siêu anh hùng trong suốt 2 thập kỷ qua. Ngoài ra, bom tấn này cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của chủ đề đa vũ trụ mà nếu được khai thác đúng cách, sẽ mang đến rất nhiều tác phẩm thú vị.
Donnie Darko có lẽ là 1 trong những tác phẩm dị nhất trong đề tài hack thời gian - chủ đề vẫn còn khá mới tại thời điểm dự án này ra mắt (2001). Bộ phim xoay quanh 1 thanh niên lập dị Donnie Darko, người thường xuyên có những ảo giác kỳ lạ về 1 con thỏ cao 1m8 có tên Frank. Nó luôn cảnh báo cậu về viễn cảnh tận thế sau 28 ngày nữa, đồng thời còn yêu cầu Donnie thực hiện nhiều nhiệm vụ kỳ quặc.
Song song với đó, bộ phim còn khai thác cuộc sống thường nhật của Donnie, khi cậu cũng đi học, đi chơi như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Hai thực tại, một thật một ảo cứ đan xen liên tục cho đến tận những phút cuối cùng, tạo ra 1 cú twist kịch tính và cái kết đầy bất ngờ khiến người xem phải rối não vì cách hack dòng thời gian của bộ phim này.
Khách quan mà nói, Donnie Darko khai thác đa vũ trụ ở 1 quy mô nhỏ hơn so với các bộ phim trong danh sách này, và nặng về yếu tố du hành thời gian nhiều hơn. Tuy nhiên, chính yếu tố vũ trụ song song được hé lộ ở những phân đoạn cuối phim đã giúp Donnie Darko trở thành 1 trong những tác phẩm sci-fi sáng giá nhất của đầu những năm 2000. Và không thể tin là bộ phim này chỉ có kinh phí sản xuất chưa đến 5 triệu USD, và do đạo diễn trẻ Richard Kelly (khi đó mới 25 tuổi) thực hiện.
Star Trek 2009 là 1 bản reboot cho series kinh điển cùng tên của Paramount Pictures, khai thác giai đoạn tuổi trẻ của những nhân vật quen thuộc như Spock hay James T. Kirk trong cuộc chiến chống lại Nero - 1 người Romulan đến từ tương lai và đe dọa trực tiếp đến Liên hiệp các hành tinh.
Dưới bàn tay nhào nặn của J.J. Abrams, bộ phim này đã khéo léo khai thác ý tưởng về đa vũ trụ và dòng thời gian song song một cách hợp lý và dễ hiểu nhất có thể. Ngoài ra, nhờ ý tưởng này, họ có thể đưa “Spock” Leonard Nimoy trở lại màn ảnh lớn 1 cách đầy thuyết phục (trong dòng thời gian Kelvin), mang đến cảm giác xúc động, hoài niệm cho những fan trung thành của franchise Star Trek. Điểm mạnh của Star Trek 2009 là khía cạnh đa vũ trụ được đưa vào 1 cách rất tự nhiên, như 1 phần của cốt truyện tổng thể.
Ít ai nhắc đến Last Action Hero như 1 dự án đa vũ trụ, nhưng rõ ràng là bộ phim này đã khai thác rất khéo léo ý tưởng về những thực tại song song, cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bắt đầu hòa lại với nhau.
Last Action Hero xoay quanh cậu thiếu niên Danny Madigan, 1 fan cuồng nhiệt của Jack Slater - siêu anh hùng hư cấu do Arnold Schwarzenegger thủ vai. Trong 1 lần xem phim của Jack, Danny đã nhận được 1 tấm vé ma thuật, cho phép cậu bước vào thế giới giả tưởng của nhân vật mà mình yêu thích nhất, nơi mà công lý sẽ luôn chiến thắng những thế lực xấu xa.
Tuy nhiên, sau trải nghiệm tuyệt vời đó, dường như thế giới hư cấu kia lại đang dần lấn sang hiện thực, khi phản diện Benedict bất ngờ xuất hiện trong thực tại của Danny. Chính sự cố này đã giúp Danny có dịp được hợp tác với Jack để cùng nhau tiêu diệt cái ác và mang lại hòa bình cho cả 2 thế giới.
The One không nằm trong những bộ phim đỉnh cao nhất của Lý Liên Kiệt, nhưng lại là 1 trong những tác phẩm khai thác đề tài đa vũ trụ 1 cách thú vị vào khoảng thời gian đầu những năm 2000.
The One xoay quanh cựu đặc vụ đa vũ trụ Gabriel Yulaw, người mang tham vọng hạ sát 124 phiên bản của chính mình ở những thực tại khác để có thể hấp thụ năng lượng từ họ và trở thành 1 thực thể với sức mạnh vô song. Biến thể cuối cùng của anh, Gabe Law, đã phát hiện ra âm mưu này và lập lời thề sẽ ngăn chặn Gabriel bằng mọi giá. Và thế là khán giả được chứng kiến cuộc đối đầu giữa Lý Liên Kiệt với chính bản thân mình trên màn bạc.
Source Code là 1 bộ phim khai thác đề tài đa vũ trụ kết hợp với vòng lặp thời gian của đạo diễn Duncan Jones, ra mắt vào năm 2011. Bộ phim này xoay quanh 1 dự án cùng tên của Chính phủ nhằm kết nối não bộ của các đặc nhiệm với những nhân chứng đã mất tại hiện trường các vụ khủng bố để truy bắt thủ phạm. Phi công Colter Stevens là 1 thành viên của dự án này, và nhiệm vụ của anh là tìm ra thủ phạm 1 vụ đánh bom tàu hỏa trong trí nhớ của 1 nạn nhân có tên Sean Fentress trong vòng 8 phút. Xuyên suốt bộ phim là rất nhiều “8 phút” như vậy của Colter. Và mỗi lần anh lại khám phá ra thêm 1 bí mật khác liên quan đến vụ khủng bố này cũng như học thuyết đa vũ trụ mà dự án Source Code tạo ra.
Source Code là 1 bộ phim vòng lặp thời gian có nhịp độ nhanh, đồng thời còn là 1 tác phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc trong thập kỷ vừa qua. Trong đó, “đa vũ trụ” của bộ phim này không hề đao to búa lớn, mà chỉ là những thay đổi rất nhỏ trong mỗi lần “8 phút”, nhưng lại mang đến hiệu quả to lớn về mặt kịch bản chung.
Run Lola Run là 1 bộ phim đa vũ trụ của Đức, với kinh phí sản xuất khá khiêm tốn, thậm chí còn thấp hơn cả Donnie Darko, chỉ vỏn vẹn 1,75 triệu USD. Bộ phim này xoay quanh nhân vật Lola, người chỉ có 20 phút để kiếm đủ số tiền trị giá 100.000 Deutschmark. Nếu không, Manni, bạn trai của cô, 1 tên tội phạm cấp thấp, sẽ bị sát hại. Run Lola Run đã mở ra 3 vũ trụ, nơi Lola cứu bạn trai mình theo 3 cách khác nhau, và mỗi cách lại có những thay đổi nhỏ đầy thú vị. Tuy nhiên, kết cục cuối cùng, đáng tiếc thay, vẫn luôn là không có hậu.
Có thể nói, Run Lola Run đã khiến cho khán giả phải suy ngẫm lại về việc chỉ với 1 thay đổi nhỏ, cuộc sống của họ hoàn toàn có thể sẽ rẽ sang 1 nhánh hoàn toàn khác, đi theo 1 chiều hướng mới. Và quan trọng hơn là chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra khoảnh khắc nào trong cuộc đời mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, cho đến khi khoảnh khắc đó đã qua đi.
Tiếp tục nói về những bộ phim đa vũ trụ kinh phí thấp, Coherence có lẽ không có đối thủ, khi chỉ tiêu tốn của nhà sản xuất khoảng 50.000 USD mà thôi. Bộ phim này xoay quanh nhân vật Emily, người liên tục gặp phải những hiện tượng kỳ lạ khi tham gia 1 bữa tiệc của bạn bè trong 1 đêm mà sao chổi lướt ngang qua bầu trời Trái Đất, mở ra 1 thực tại song song khác đầy kinh dị và ám ảnh.
Với kinh phí khá thấp, đội ngũ sản xuất chỉ vỏn vẹn 5 người, Coherence không được đánh giá cao về mặt hình ảnh, nhất là khi bối cảnh ghi hình phần lớn chỉ quanh quẩn trong không gian của 1 ngôi nhà chật hẹp. Tuy nhiên, kịch bản và nội dung của bộ phim này vẫn rất đáng được ghi nhận, đặc biệt là với những fan của thể loại khoa học viễn tưởng pha màu kinh dị.
Trước khi Marvel Studios khai thác đề tài đa vũ trụ trong Loki, Spider-Man: No Way Home hay Doctor Strange 2, Sony đã làm được điều đó với bom tấn hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse. Bộ phim này tập trung vào phiên bản Nhện nhọ Mile Morales và cuộc gặp gỡ với các bản thể khác của chính mình, bao gồm Peter Parker, Gwen Stacy (Spider-Woman), Spider-Ham, Peni Parker và Spider-Man Noir.
Bên cạnh kịch bản hấp dẫn, Spider-Man: Into the Spider-Verse còn được đánh giá rất cao về mặt hình ảnh, qua đó ẵm luôn tượng vàng Oscars ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2019. Phần tiếp theo của bộ phim này, Spider-Man: Across the Spider-Verse, sẽ ra mắt vào ngày 2/6/2023.
Một cái tên sáng của A24 và đang làm mưa làm gió trong thời gian gần đây - Everthing Everywhere All At Once - bộ phim khai thác đề tài đa vũ trụ 1 cách xuất sắc và được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Doctor Strange 2.
Everything Everywhere All At Once xoay quanh nhân vật Evelyn Wang (Dương Tử Quỳnh), người đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: Tình hình kinh doanh giặt ủi ảm đạm, hôn nhân bắt đầu rạn nứt, mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình cũng trở nên căng thẳng.
Giữa lúc cuộc đời rối ren nhất, Evelyn bất ngờ phải gánh vác thêm nhiệm vụ giải cứu đa vũ trụ, bằng cách xâm nhập vào tiềm thức của chính mình trong các thực tại khác, vận dụng các kỹ năng mà biến thể đó học được để chiến đấu chống lại kẻ thù.
Theo: WhatCulture