Nhắc tới trào lưu game mới của năm 2019, thật khó để mà bỏ qua cái tên Auto Chess. Ban đầu, Auto Chess được bắt đầu bằng Dota Auto Chess, một bản mod thuộc tựa game DOTA 2 của Drodo Studio. Vốn là một studio Trung Quốc không có mấy tên tuổi và cũng chẳng có ai biết đến họ, thế nhưng DAC và Drodo đã làm cho tất cả thế giới phải bất ngờ.
Được phát hành trên Steam vào ngày 3/1, Auto Chess nhanh chóng lan truyền như cơn sốt trong cộng đồng game, không chỉ từ DOTA 2 mà còn lây lan tới cả các game thủ ở những tựa game khác như CS:GO, PUBG và dĩ nhiên, cả Liên Minh Huyền Thoại. Tựa game này vượt qua con số 100 nghìn, 200 nghìn và rồi 300 nghìn người chơi cùng lúc chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019.
Sở hữu 1 chút chiến thuật, 1 chút óc sáng tạo cùng với rất nhiều "nhân phẩm", Auto Chess nhanh chóng trở thành xu hướng mới của thế giới game hiện đại. Lần lượt các ông lớn của ngành game như Riot, Valve và Blizzard đã cho ra mắt phiên bản Auto Chess của riêng mình.
Dù cho sự tồn tại của thể loại này không thể mạnh mẽ như battle royale, thế nhưng Auto Chess cũng đã tạo ra sức hút đáng kể trên các nền tảng streaming và cả cộng đồng game trong suốt nửa đầu năm 2019. Auto Chess vẫn còn rất mới mẻ và còn nhiều đất diễn, chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ dòng game này sống dai, sống khỏe giống như dòng game MOBA vậy.
Khi nhắc tới Valve trong những năm đầu của thế kỷ 21, hẳn nhiều game thủ sẽ nhớ tới Half-Life - 1 tựa game bắn súng tượng đài. Dù rất được đón nhận và mong chờ sẽ ra phần kế tiếp, thế nhưng Half-Life vẫn sẽ chỉ là một câu chuyện dang dở giống như câu chuyện tình yêu của Ngạn và Hà Lan vậy. Với phần 1 ra vào năm 1998 và phần 2 ra mắt năm 2004, Half-Life tạm dừng ở phần Episode Two vào năm 2007 rồi bặt vô âm tín.
Những tưởng, dòng game này đã bị lãng quên vĩnh viễn bởi Valve và Gabe Newell thì trong năm 2019, Valve đã đem tới 1 cú lừa không thể lừa hơn - hồi sinh lại dòng game huyền thoại với tựa game mới ra mắt có tên Half-Life: Alyx, nhưng là dưới định dạng VR - thực tế ảo.
Quả thực, đây là một thông báo khiến cho nhiều người phải vừa mừng, lại vừa hụt hẫng. Vui thì vui đấy, cuối cùng Half-Life cũng tái sinh. Thế nhưng, VR vẫn là một định dạng chơi game khá ít người chơi bởi vì cách chơi của nó chơi hề hoàn thiện và chi phí để sở hữu thiết bị chơi VR vẫn khá đắt đỏ với nhiều người. Thôi thì, hãy cùng chờ xem Alyx sẽ đem tới bất ngờ gì trong năm 2020 vậy.
Ngay từ khi ra mắt cho tới nay, lootbox luôn bị coi là "Kẻ thù của game thủ chân chính". Với lootbox, người chơi sẽ phải chi tiền ra chỉ để "có cơ hội" sở hữu vật phẩm mà họ muốn, chứ không phải có khả năng sở hữu 100%. Chính vì vậy, rất nhiều nơi đã xem Lootbox là một hình thức cờ bạc thực thụ trong kỷ nguyên số. Thậm chí, việc này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi người chơi ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia hoạt động này mà không bị quản lý hay bó buộc.
Việc lootbox trở nên quá phổ biến đã khiến cho rất nhiều chính phủ vào cuộc. Tại các nước châu Âu như Đức hay Bỉ, Lootbox đã bắt đầu bị quản lý một cách nghiêm ngặt. Các cơ quân cấp nhà nước thậm chí đã đưa ra thông cáo rằng các tựa game có lootbox đang vi phạm pháp luật và trực tiếp làm ảnh hưởng đến một số lượng không nhỏ trẻ em và vị thành niên.
Dù cho lootbox vẫn còn tồn tại khá đáng kể dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên chúng đã bắt đầu được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn. Thậm chí, các nhà sản xuất máy chơi game cũng đưa ra yêu cầu các tựa game có lootbox phải đưa ra tỉ lệ "quay lô" cụ thể, thay vì che giấu con số phần trăm một cách mập mờ như trước đó. Rõ ràng, lootbox đã nhận được một thông điệp mạnh mẽ tới từ cộng đồng game thủ và cả nền công nghiệp game.
Trong thế giới game điện thoại di động ngày nay, đã chơi game thường sẽ phải... nạp tiền. Đây dường như đã là điều tất lẽ dĩ ngẫu, hầu như các game mobile thành công ở thời điểm hiện tại đang tuân theo công thức này.
Thế nhưng, hãy thử tưởng tượng về một nền tảng chơi game, bạn chỉ phải bỏ ra 1 số tiền nhỏ, cỡ 5 USD (khoảng 110 nghìn VND) chẳng hạn, là bạn đã được chơi game xả láng trên điện thoại thì sao? Apple Arcade chính là những kẻ làm điều đó, khi họ đem tới cho người chơi 60 tựa game khác nhau chỉ với 5 đô la. Không hơn không kém.
Và dường như, Apple Arcade đã thành công bước đầu. Không hẳn là quá nổi trội, thế nhưng những gì nó đem lại đã khiến cho rất nhiều người phải bất ngờ và thích thú với "Quả Táo". Thư viện game của Apple Arcade đem tới hàng loạt tựa game thú vị, độc đáo ở thời điểm hiện tại. Dù cho vẫn còn phải xem xét về mặt đường dài, thế nhưng chắc Apple Arcade vẫn đang là thứ được khá nhiều người chơi game yêu thích trên điện thoại ở thời điểm này, hơn là bỏ tiền ra cho những tựa game hút máu quen thuộc.
Tại Việt Nam, Fortnite có thể không nổi tiếng lắm, thế nhưng ở các quốc gia phương Tây, nó đơn giản vẫn là tựa game số 1 về số lượng người chơi. Chất lượng của tựa game là không cần bàn cãi, cộng đồng đông đảo đã khiến cho tựa game này luôn được chú ý và chưa hề sụt giảm, dù cho đã ra mắt được vài năm.
Vào ngày 13/10 vừa qua, Epic Games, những người sáng tạo ra Fortnite đã tạo ra 1 sự kiện bất ngờ - họ tạo ra 1 lỗ đen nằm giữa bản đồ của Fortnite và gọi nó là "The End" - Kết thúc. Đúng như tên gọi, tựa game... kết thúc thật, nhưng là để các nhà làm game có thể điều chỉnh và cân bằng lại game.
Tuy nhiên, họ lại không nói gì và để cho game biến mất trong vòng 2 ngày. Điều này thật sự đã khiến cho cộng đồng fan Fortnite vừa tò mò, vừa hoảng loạn không biết Epic Games đang giở trò gì. Và quả thực, chiêu thức marketing này đã rất thành công khi nó thu hút được tới cả triệu người chăm chú nhìn vào màn hình để biết được điều gì tiếp theo đến với Fortnite. Không quá mới, nhưng thực sự rất hiệu quả.