Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật

Kim, Theo Đời sống Pháp luật 09:51 13/06/2024

Thuyết Internet Chết đang dần đúng, trước sự ngỡ ngàng và bất lực của người dùng mạng.

Ở một góc khuất vắng người qua lại của Internet, một nhóm người đang ngồi bàn tán. Câu chuyện được đưa ra lên bàn cân lúc ấy đúng vài phần, vài phần mang hơi hướng “thuyết âm mưu”, nhưng dần dà chính họ cũng như cư dân mạng nhận thấy viễn cảnh ấy có thể sớm xảy đến.

Khái niệm “Thuyết Internet Chết”

Nguyên văn “Dead Internet Theory”, thuyết âm mưu này cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã chinh phục gần như toàn bộ Internet. Tương đồng với nhiều những thuyết âm mưu khác, những người tham gia cuộc thảo luận về giả thuyết kỳ lạ bao gồm những người thực sự tin vào nó, những người tham gia chỉ để phá đám cho vui, và những người tò mò muốn nghe ngóng xem sự thể diễn biến ra sao.

Trong một bài điều tra đăng tải trên The Atlantic hồi năm 2021, phóng viên Kaitlyn Tiffany dẫn người đọc tới forum Agora Road, nơi một tài khoản có tên IlluminatiPirate đăng một bài viết với tựa đề “Thuyết Internet Chết: Hầu hết Internet đều Giả tạo”. Bài đăng rất dài, tô điểm bởi ngôn từ tục tĩu, đôi chỗ dài dòng khó hiểu, với ý tưởng được tổng hợp từ nhiều ngóc ngách trên Internet.

Đại ý, bài đăng cho rằng Internet đã “chết” vào khoảng cuối năm 2016, đầu năm 2017, và giờ “nó vắng người qua lại”. IlluminatiPirate cho rằng phần lớn những nội dung được cho là do người tạo ra được sản sinh bằng trí tuệ nhân tạo, được lan truyền bằng cả bot tự động cũng như một số người có tầm ảnh hưởng (influencer) làm việc với các nhãn hàng, các tập đoàn, các tổ chức lớn.

Mục đích của hệ thống này? Bài đăng cho rằng Mạng Internet Chết dùng để định hướng suy nghĩ của người dùng, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 1.

Thuyết Internet Chết cho rằng tương tác trên mạng đến từ bot - Ảnh minh họa.

Để củng cố cho giả thuyết của mình, IlluminatiPirate đưa ra bằng chứng: “Tôi đã thấy những bài đăng giống nhau, những tấm ảnh giống nhau, và những câu trả lời giống nhau được đăng lại suốt nhiều năm qua”. Nhân vật này cho rằng những nội dung hiện hành được sản sinh và gợi ý bởi một thuật toán, và được đăng tải và tạo ra tương tác bởi bot. Nhân vật này đồng thời chỉ ra sự tồn tại của công nghệ DeepFake góp phần làm lu mờ ranh giới giữa thật và ảo.

Từ trước tới nay, mạng xã hội Twitter (nay là X) vẫn bị phản ánh là chứa nhiều tài khoản bot. Trong bài viết trên The Atlantic, phóng viên Tiffany đưa một số ví dụ. Khi tìm kiếm cụm từ “i hate texting - em ghét nhắn tin”, người ta có thể tìm thấy một số tài khoản Twitter có tên nữ tính và hình đại diện (avatar) đại trà có những bài đăng theo dạng “i hate texting”, nhận được tới hàng chục nghìn lượt tương tác.

Tài khoản @pixyIuvr, với avatar trái tim, đăng bài “em ghét nhắn tin em muốn nắm tay anh” và nhận được hơn 16.000 lượt like. Tài khoản @f41rygf với avatar là viên ngọc hồng, có bài đăng “em ghét nhắn tin hãy tới sống với em” được tới gần 33.000 lượt like. Một tài khoản khác cũng có avatar ngọc hồng, tài khoản @itspureluv có bài đăng “em ghét nhắn tin em chỉ muốn hôn anh” nhận về tới hơn 48.000 lượt like.

Tên nữ tính, avatar đại trà, nhưng ý tưởng đằng sau mỗi bài đăng y như nhau: “Mình đang cô đơn giữa kỷ nguyên smartphone, mình cũng giống các bạn”. Một số người dùng Internet cho rằng đây có thể là bằng chứng cho thấy Mạng Internet Chết đang dần trở thành sự thực.

Ở thời điểm này, 3 năm sau bài báo trên The Atlantic và Twitter đã đổi tên thành X, thì cả 3 tài khoản nêu trên đều không còn tồn tại.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 2.

Bài đăng của phóng viên Jason Schreier của tờ Bloomberg, cho thấy inbox của anh tràn ngập tin nhắn từ bot - Ảnh: X.

Quay trở lại với bài đăng gốc trên forum Agora Road. IlluminatiPirate tiếp tục chỉ ra một bài điều tra khác của tạp chí New York Mag, có tựa đề “Bao nhiêu phần Internet là giả? Hóa ra, thực tế là rất nhiều”. Bài viết cho thấy số liệu Facebook đưa ra có thể không đúng với thực tế. Những bình luận, những lượt tương tác hiển thị qua những con số đều sản sinh từ những hệ thống tự động.

Ngày nay, khi dạo một vòng Facebook và tìm tới những bài đăng nhiều lượt tương tác, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình luận rất máy móc, lúc thì nhằm mục đích tăng tương tác, khi thì quảng cáo cho một món hàng. Đôi khi, đó chỉ là những bình luận vô thưởng vô phạt, nhằm nâng cao số tương tác cho bài đăng.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 3.

Những bình luận giống hệt nhau trên cùng một bài đăng quảng cáo trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.

Báo cáo về tình trạng bot trên Internet, thực hiện bởi Bad Bot Report, cho thấy 47,4% traffic trên mạng của năm 2022 xuất phát từ bot; năm 2023, con số này là 49,6%. Số liệu cũng cho thấy traffic bot “xấu” - những bot hoạt động với mục đích xấu - tăng tới mức 32%, trong khi đó traffic từ người dùng bằng xương bằng thịt tiếp tục giảm theo từng năm.

Thuyết Internet Chết ngày một khả thi, nhất là trong thời đại chatbot AI đang bùng nổ mạnh mẽ.

Bot là gì? Nhờ đâu chúng tràn lan trên mạng?

Trong ngành công nghệ tồn tại một ứng dụng tự hành có tên là “bot”, được lập trình để thực hiện một số tác vụ nhất định. Chúng hoạt động theo hướng dẫn cho trước, không cần lập trình viên phải thao tác thủ công trong mỗi lần khởi động.

Bot thường bắt chước hoặc thay thế hoàn toàn hành vi của con người trong một tác vụ cụ thể, và thường được dùng trong những công việc lặp lại. Điểm cộng của các bot là có thể làm việc nhanh hơn người thường.

Các bot thường móc nối hoạt động với nhau thông qua một mạng chung. Phần lớn chúng quét nội dung, tương tác với các trang web, chat với người dùng, trong số đó có những bot “xấu” được lập trình để chiếm quyền truy cập, quét thông tin liên lạc để spam, hay thực hiện những hành vi xấu khác.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 4.

Trang trại chăn nuôi tương tác - Ảnh: Jack Latham/Telegraph.

Bot có thể chia thành các dạng:

- Chatbot: những bot có thể trò chuyện với người dùng dựa trên những yêu cầu, hay ngày nay thường được gọi là các prompt, được nhập vào.

- Web crawler: bot có thể quét và thu thập nội dung trên các website.

- Bot xã hội: bot hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, dùng để sinh ra tương tác và được lập trình sao cho có hành vi giống người dùng mạng thông thường.

- Bot có hại: bot spam nội dung, có thể dùng trong lan truyền tin giả hoặc dùng vào mục đích lừa đảo; cũng có thể kể đến bot có khả năng scrape - những bot có thể tự động tải trái phép nội dung của một trang web về; hay bot giả dạng người (dựa trên thông tin đăng nhập bị rò rỉ) để truy cập trái phép.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 5.

Ẩn bên dưới mạng Internet mà chúng ta biết là một "quân đoàn" bot hoạt động không biết mệt mỏi - Ảnh minh họa.

Một hệ thống bot xấu có thể thực hiện nhiều hành vi gây hại, như đánh cắp thông tin cá nhân, lấy trái phép nội dung từ các trang web, tấn công DDoS, hay chỉ đơn giản là spam nội dung trên mạng. Bot có thể tự động thực hiện những thành động gây hại này và làm một cách rất hiệu quả, không biết mệt mỏi.

Vì chi phí vận hành tương đối thấp, mà tiềm năng lừa đảo thành công lại cao một cách đáng ngại, bot gây hại hoạt động tràn lan trên mạng.

Trong bối cảnh của giả thuyết Internet Chết, thì loại bot “sinh trưởng” thịnh vượng nhất sẽ là bot xã hội - phần mềm tự hành có thể mô phỏng hành vi của người dùng Internet. Dù trên mạng tồn tại bot hoạt động với mục đích tốt, một lượng đáng kể bot xã hội đang được dùng vào mục đích bất chính. Một số nguồn tin cho rằng bot chiếm phần lớn trong tổng số tài khoản trên các mạng xã hội.

Thực tế, quy mô bot xã hội hiện tại lớn hơn nhiều chatbot - công nghệ đang làm mưa làm gió thời gian gần đây, bởi lẽ việc điều hành một mạng lưới bot xã hội tương đối nhẹ nhàng. Một hệ thống chatbot sẽ cần một đội ngũ duy trì và cập nhật nó thường xuyên, trong khi đó với một hệ thống bot xã hội, một người đã có thể quản lý hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tài khoản bot.

Theo số liệu từ Statista, hàng tháng Facebook có khoảng 2,9 tỷ người dùng tích cực. Ai biết trong số đó có bao nhiêu phần người, bao nhiêu phần bot?

Cách trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt phát minh vĩ đại của thế kỷ 20

Một số bot xã hội được lập trình để vận hành những dịch vụ có ích, như cập nhật tình hình thời tiết hay tỷ số bóng đá. Hiểu một cách đơn giản, khi người dùng biết mình đang tương tác với bot, thì đó là bot tốt.

Ngược lại, bot xấu sẽ giả dạng con người bằng cách hành xử giống người. Một số mục đích xấu của chúng bao gồm:

- Phóng đại sức ảnh hưởng của một nhân vật hay một phong trào: một người hay một tổ chức với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội có thể tạo ấn tượng ban đầu mạnh, rằng họ là người quan trọng hay có sức ảnh hưởng. Thực tế, số người theo dõi này hoàn toàn có thể là bot, được mua với nhiều mức giá; những con bot càng hành xử giống người thật, giá của chúng sẽ càng cao.

- Thao túng thị trường: bot mạng xã hội có thể có thể dùng vào mục đích này. Ví dụ, bot có thể spam thông tin tốt hoặc xấu về một tập đoàn nào đó, nhằm thao túng giá cổ phiếu.

- Phóng đại mức độ đáng tin của một nhân vật: một người lừa đảo có thể sử dụng số lượng người theo dõi của mình để tự tăng uy tín.

- Spam: bot xã hội có thể được dùng để phát tán thông tin về sản phẩm, website bán hàng, thông tin lừa đảo hay tin giả v.v…

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 6.

Hai bài đăng trên Instagram với mô tả y hệt, khả năng cao được sinh ra từ một chatbot thông qua prompt "gợi ý một số hoạt động có thể làm nếu như cảm thấy cô đơn" - Ảnh chụp màn hình.

Chỉ bằng những hệ thống bot đơn giản như trên, người dùng Internet đã rơi vào những cái bẫy lừa đảo tinh vi. Nhẹ thì nạn nhân chỉ mất tiền, mà nặng hơn thì sự nghiệp tiêu tan, gia đình ly tán. Dựa trên lý lẽ thông thường, chúng ta có thể phát hiện ra một số hệ thống bot xã hội, như nhìn những bình luận giống nhau, khi thì giống từng câu chữ, lúc thì cách hành văn khác nhưng đại ý thì vẫn vậy.

Tuy nhiên, không có phương cách triệt để nào giúp chúng ta chỉ điểm những hệ thống bot xã hội tiên tiến.

Theo một nghiên cứu đăng tải hồi năm 2012, trên các nền tảng được công nhận như Research Gate và Academia, 30% người tham gia thử nghiệm đã tin rằng một tài khoản bot là người thật. Không khó để nhận thấy con số % của hiện tại còn cao hơn nữa, khi người dùng Internet ngày một đông và các hệ thống bot ngày một tiên tiến.

Nhìn vào sự thành công, cũng như sự hiệu quả của các chatbot hiện tại, chúng ta có thể lập tức mường tượng viễn cảnh xấu, nơi người dùng Internet say sưa trò chuyện với một tài khoản trên mạng mà không biết nó là bot. Dưới góc nhìn của một người thứ ba và quan sát hai hệ thống bot trò chuyện, một người dùng Internet bình thường cũng khó có thể nhận ra cuộc hội thoại hoàn toàn do máy tạo ra.

Cách đây không lâu, một kỹ sư của Alphabet (công ty mẹ của Google) gây xôn xao mạng xã hội khi khẳng định trí tuệ nhân tạo công ty đang phát triển có nhận thức.

Nhờ sự trỗi dậy của AI, thuyết “phản địa đàng” về mạng Internet Chết dần trở thành sự thật - Ảnh 7.

Blake Lemoine - Ảnh: Martin Klimek/The Washington Post.

Blake Lemoine sớm bị đình chỉ công tác vì vi phạm chính sách bảo mật của công ty, rồi sau đó ít lâu chính thức bị đuổi việc. Khi không còn bị ràng buộc với công ty về mặt pháp lý, anh công bố những đoạn hội thoại khiến anh tin LaMDA không còn là cỗ máy đơn thuần.

Một cá nhân thành thạo công nghệ như anh Lemoine còn bán tín bán nghi trước một mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến, thì trung bình người dùng Internet sẽ khó lòng thoát khỏi những cái bẫy mà bot tạo ra. Thoạt nhìn, hay thậm chí nhìn bao lâu đi nữa, màn trao đổi giữa hai con bot xã hội được lập trình cẩn thận, rồi tích hợp thêm khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của chatbot, sẽ trông như thật.

Ngày nay, người dùng Internet không còn xa lạ gì với những “trang trại chạy chỉ số ảo”, xuất hiện ở nhiều các quốc gia trên thế giới. Số tương tác, số view, lượt click, v.v… đều có thể được mua bằng tiền, và đều sinh ra từ những hệ thống bot ngày một tiên tiến. Thuyết Internet Chết thực tế dần theo từng ngày.

Trích phần kết từ bài viết trên New York Mag:

Suy cho cùng, thứ biến mất khỏi Internet không phải sự thật, mà là lòng tin: ấy là cảm giác rằng những người, những thứ ta gặp trên mạng phản ánh chính xác bản chất của họ, của chúng. Những năm tháng của tăng trưởng đo bằng chỉ số, những hệ thống thao túng người dùng và tạo ra giá trị lớn, và những sàn giao dịch trực tuyến hoạt động mà không bị kiểm soát, đã tạo ra một môi trường mà tại đó, việc giả vờ trên không gian mạng đem lại nhiều hiệu quả - như gian xảo và nhạo báng một cách cay độc, như lừa lọc và gian lận, như xuyên tạc và bóp méo - hơn là thành thật.

Để thay đổi điều đó, thì cần tới cải cách văn hóa và chính trị tại cả Thung lũng Silicon cũng như toàn cầu, đó là lựa chọn duy nhất của chúng ta.

Nếu không, chúng ta sẽ đều sử dụng chung một mạng Internet giả của bot với người giả, click giả, trang giả, máy tính giả, và thứ chân thực duy nhất còn lại là quảng cáo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày