Món xôi sắn tuổi thơ của má
Và chắc chắn những ngày sau đó, khi bồ sắn rỗng hơn, lũ mọt trốn trong bồ được thể tự do gặm thâu đêm. Tiếng mọt kẽo kẹt trong tàn đêm tháng chạp se sắt lạnh đã in sâu vào tiềm thức, ru những giấc mơ lấp lánh Tết về.
Và thể nào má cũng để dành những miếng sắn khô cong nhất để hầm món xôi sắn sợi dừa cho ngày mùng một Tết. Món ăn đơn sơ bình dị ấy đã trở thành nỗi nhớ trong suốt những năm tháng chữ nghĩa áo cơm xa làng vời vợi…
Với tôi, Tết đã bắt đầu từ hai dấu mốc bất di bất dịch. Đó là từ những buổi mờ hơi đất, tôi cùng đám bạn lùa đàn bò lên những bờ soi cỏ ướt, thấy những đoàn người trong sương tảo mộ. Họ đa phần là con cháu ly hương, cuối năm cận Tết trở về, mang theo bao lời khấn tạ tội với tổ tiên ông bà…
Rồi họ đốt những phong giấy đỏ, khói hương trầm hòa trong sương sớm tĩnh mịch, thấy mảnh đất quê trở nên bao dung và gần gụi vô cùng.
Dấu mốc thứ hai là từ căn bếp nhỏ, đêm cạn chạp tiếng mọt ăn khuya trong chiếc bồ đựng sắn rõ hơn bao giờ hết. Ở làng, cứ cuối tháng sáu âm lịch là bắt đầu nhổ sắn, giống sắn mì gòn củ bắp giải no tròn, lớp vỏ lụa dày đỏ hồng.
Để dự trữ được lâu, má bào hết vỏ ngoài, chặt từng miếng chéo đều nhau phơi nắng. Với tiết trời nắng hạn kéo dài của miền Trung, những lát sắn trắng au và khô cong dưới bàn tay trở bao nhiêu bận của má.
Khi sắn khô đủ độ, má quây tròn chiếc bồ đan bằng cật cây mò o đực mọc quanh các khe suối nhỏ, trải một lớp vỏ thóc vỏ đậu ở dưới chống ẩm mốc và để những miếng sắn khô nêm chặt ở trên, che chắn kỹ lưỡng. Đó là kho lương thực dự trữ cho ngày giáp vụ, là niềm vui áo mới cho ngày Tết đến…
Ngày cạn chạp, má tháo lớp rơm phủ trên mặt bồ, lấy từng miếng sắn khô ra ghim đầy một đôi nừng - một loại vật dụng dùng để gánh hai bên, có nắp đậy và được đan tỉ mỉ, công phu hơn những chiếc ki, thúng thông thường để sáng mai gánh ra chợ xã bán.
Những miếng sắn để lại, từ 28 Tết má mang ngâm nước và thường xuyên thay nước để loại bỏ nhựa sắn và bụi đất khi phơi bám vào. Chiều 30, má xắt sắn thành từng miếng mỏng, cho vào chiếc nồi đồng nấu thâu đêm cho sắn nở mềm.
Má dùng đôi đũa cả mà cha vót từ những thân cây chà rang khuấy đều, để bột sắn không lắng xuống cháy dưới đáy nồi.
Đến khi nào thấy dẻo bùi thì chắt hết nước rồi trộn với dừa khô nạo sợi, mật đường đen hong trên than đỏ. Sắn sau khi hầm mềm ủ thêm than sẽ bở thơm mùi nắng, quyện với sợi dừa béo ngậy và mật đường dậy thơm cả gian bếp nhỏ.
Sáng mùng một, cả gia đình quây quần bên chiếc kiềng bếp ba chân đỏ lửa. Má cắt mấy tàu lá chuối trải trên sàn tre, múc xôi sắn trải đều lên trên. Mùi xôi sắn thấm mật đường thơm bùi, hòa cùng khói bếp loãng tan trên đôi vai gầy của cha của má, trước khi kịp bay trong gió sớm.
Thể nào cha cũng bắt đầu câu chuyện đầu năm bằng câu nói cửa miệng "chắc như khoai như sắn" như sự nhắc nhở cho chúng tôi trân trọng hơn thành quả lao động từ những vụ mùa nhọc nhằn, cũng để mở ra niềm hy vọng vào một năm mới ấm no hơn.
Thi thoảng trong lúc ăn, lẫn trong mùi sắn thơm nắng đượm mật, vẫn còn những miếng thoảng mùi mọt sắn, là mùi hương dân dã nhớ nhớ thương thương đến tận sau này.
Những ngày xa lắc ấy, Tết quê dẫu thiếu thốn vẫn ấm áp tình thân và rộn ràng bao niềm vui bình dị. Đến tận giờ vẫn muốn được nếm lại vị quê của món xôi sắn hầm trong chiếc nồi đồng của má năm nào, vẫn muốn được hít thật sâu mùi nắng đượm trong từng lát sắn bở tơi và thi thoảng còn lẫn mùi mọt sắn.
Bây giờ người làng vẫn còn trồng sắn nhưng là giống sắn cao sản ngắn ngày, không còn loại sắn mì gòn với lớp vỏ lụa đỏ hồng, nấu lên bở tơi bùi bột.
Và trên ruộng sắn, khi lớp lá sắn cuối cùng rã tàn vàng úa, thương lái cho xe vào thu mua tận ruộng, chẳng còn ai tỉ mẩn ngồi bào vỏ, lát từng miếng nhỏ đem hong đủ nắng, nêm chặt trong chiếc bồ quét phân bò đợi chạp cạn ngày để hầm xôi thơm mùi nắng mới.
Má tôi cũng không còn khỏe để trở trăn những mẻ sắn khô. Để những cuối năm trở về, nhìn khói bếp bay loang trên mái đầu bạc phơ của cha của má, tôi lại nhớ nồi xôi sắn quê nghèo năm cũ.
Trong không gian ấy, thấy mình trẻ thơ trở lại, háo hức mong ngóng Tết, để được ngân nga câu ca cũ "Còn thương tiếng mọt bồ tre/ Nhớ mùi xôi sắn se se Tết về".