Vòng đời của những chiếc smartphone hiện tại đang ngày càng bị thu ngắn và các nhà sản xuất thì buộc phải giới thiệu những thiết bị kế nhiệm với những nâng cấp, cải tiến để chiều lòng người tiêu dùng. Một chu kỳ sản phẩm hiện tại thường rơi vào khoảng 1 năm, thậm chí ngắn hơn. Những sản phẩm mới ra mắt sẽ thường đi kèm với những lời hứa hẹn về một trải nghiệm sử dụng đỉnh cao.
iPhone 12 ra mắt hồi tháng 10 với thiết kế "mới"
Nhưng cái hay của những thương hiệu lớn đó chính là làm cho người dùng của mình tưởng rằng, họ cần những tính năng mới, những nâng cấp đó. Còn người dùng thì choáng ngợp đến mức lú lẫn trước những lời "đường mật" kia và nhanh chóng móc hầu bao để tiêu vào những thứ mà thậm chí mình cũng không thật sự hiểu rõ nó sẽ mang lại cho mình những lợi ích gì.
Người dùng chúng ta đang dần quen với những quan điểm thế này về smartphone: "Con này không xài Snapdragon 8xx hả? Chắc yếu và lag lắm đây". Số khác thì dè bỉu một hãng nào đó vì giới thiệu máy flagship những chỉ sử dụng chip có tên mã bắt đầu bằng chữ số 7. Các sản phẩm được trang bị những vi xử lý yếu sẽ nhanh chóng được chốt hạ rằng sẽ không bền và cho hiệu năng không tốt. Đó là tư duy đúng, nhưng chưa đủ.
Các bạn hiểu việc phần cứng mạnh mẽ là quan trọng, điều này không sai. Nhưng sản phẩm được trang bị phần cứng mạnh mẽ phải đi kèm phần mềm được tối ưu tốt thì mới có thể cho ra một thiết bị hoàn hảo đúng nghĩa.
Điển hình những chiếc iPhone với cấu hình phần cứng không mấy nổi bật, nhưng chúng lại có thể đánh bay mọi đối thủ chạy Android trong các bài test hiệu năng. Câu trả lời đơn giản chính là sự đồng bộ, Apple đã tự mình phát triển những vi xử lý dòng A, hệ điều hành iOS, vì vậy họ hiểu sản phẩm của mình và biết chắc đâu là giải pháp tốt nhất. Cũng không quá khó hiểu khi một chiếc iPhone có thể hoạt động ổn định liên tục sau nhiều năm dài sử dụng, trong khi các đối thủ chạy Android khác đã bị thay thế tự bao giờ.
Cấu hình phần cứng cũng quan trọng, nhưng sự đồng bộ mới thật sự là chìa khoá
Tuy nhiên có một nghịch lý rằng, mặc dù chiếc iPhone của bạn có thể vẫn hoạt động tốt sau nhiều năm, nhưng Apple, bằng một cách nào đó vẫn phải giới thiệu đến người dùng một hoặc nhiều mẫu sản phẩm mới, với bộ vi xử lý mới, dung lượng RAM cao hơn, cùng với đó là hằng hà sa số các cải tiến khác về mặt phần cứng. Vì họ hiểu rằng, nếu không làm điều này, phần lớn dư luận sẽ nhảy vào chỉ trích, báo chí sẽ viết bài phê phán, rằng "Táo Mỹ" là đang trở thành một con quỷ hút máu thực thụ, khả năng sáng tạo không còn và thậm chí còn kêu gọi tẩy chay.
Mấy ai ngộ ra một điều rằng, nếu tay trái của mình đang cầm một chiếc iPhone XS Max còn bên còn lại là 11 Pro Max thì có bao nhiêu phần trăm bạn sẽ tự tin chỉ ra được, đâu là khác biệt về mặt hiệu năng giữa hai model kể trên?
Cuộc đua này còn trở nên khó khăn hơn đối với những nhà sản phẩm khác khi mà họ dùng chung một hệ điều hành đó là Android, lựa chọn về vi xử lý cũng chỉ vài cái tên như Qualcomm, Huawei, Mediatek và Samsung.
Cuộc chiến còn khốc liệt hơn trên mặt trận Android
Vậy họ phải làm thế nào để sản phẩm của mình nổi bật so với đối thủ. Đơn giản thôi, là nhồi nhét toàn bộ những gì có thể vào chiếc flagship của mình. Tại sao chỉ đề cập đến flagship vì chúng là những thiết bị tốt nhất mà một hãng sản xuất có thể làm ra. Mặc cho những chiếc Galaxy Note 9 vẫn đang hoạt động ổn định ở thời điểm năm 2020, nhưng Samsung vẫn phải tiếp tục ra mắt sản phẩm Note 10 và Note 20 với rất nhiều trang bị mới, tất cả, chỉ để thỏa mãn dư luận.
Giá bán của một chiếc smartphone ở thời điểm 2020 đã lên đến 3.000 USD (Nguồn ảnh: Endgadget)
Hệ quả của nâng cấp và nhồi nhét là gì? Đó chính là giá cả, kể từ khi chúng ta có chiếc smartphone đầu tiên với mức giá lên đến 1.000 USD năm 2017, kể từ dạo đó, cứ mỗi năm, những chiếc điện thoại được giới thiệu ra thị trường đều sở hữu mức giá tăng dần đều. Đỉnh điểm của năm 2020 là Samsung Galaxy Z Fold 2 với mức giá lên đến 3.000 USD, tuy nhiên đây được xem là mức giá hợp lý với một sản phẩm mang nhiều đột phá như Z Fold 2.
Vượt xa khỏi mục đích thiết kế ban đầu là những sản phẩm được sử dụng cho mục đích liên lạc, smartphone hiện đại giờ đây còn mang trong mình rất nhiều chức năng phụ trợ, đặc biệt là chụp ảnh.
Nếu như trước đây, một chiếc smartphone chỉ sở hữu 1 hay tối đa là 2 camera, thì hiện tại, con số này đã lên đến 3-4 thậm chí là 5 ống kính khác nhau, nhằm phục vụ các nhu cầu như chụp chân dung, macro hay đơn giản chỉ dùng để hỗ trợ lấy nét hay đo độ sâu trường ảnh. Kể từ đó, việc smartphone có càng nhiều camera đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để người dùng "xuống tiền". Nhưng nhiều camera có thực sự tốt?
Theo chia sẻ của anh Lê Xuân Tình, đại điện cửa hàng bán lẻ trên đường Lê Hồng Phong cho hay: "Trên thực tế, điều này đều xuất phát từ tâm lý khách hàng, mà điều đó lại vô tình bị ảnh hưởng bởi 'trend' do nhà sản xuất tạo ra, việc thêm thắt nhiều ống kính vào cụm camera đã vô tình làm cho người dùng bị 'ám thị' và mặc định rằng nhiều camera đồng nghĩa với chất lượng hình ảnh tốt".
Điều này không chỉ xuất hiện ở các mẫu flagship, kể cả ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, các nhà sản xuất cũng đang chạy theo xu hướng nhiều camera, mục đích là để đánh vào tâm lý người dùng. Càng nhiều camera sẽ càng xịn, đó là tư duy của những người dùng phổ thông và các hãng thì lại vô cùng "tâm lý".
Rất nhiều "mắt"
Anh Tình cho biết thêm: "Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ khách hàng có kiến thức về công nghệ và họ không bị những con số đánh lừa mình. Do đó, thay vì lựa chọn những mẫu smartphone tầm trung mới ra mắt với rất nhiều camera, tập người dùng này lại hướng sự chú ý của mình đến các mẫu flagship cũ, họ có đủ kiến thức để dám đánh đổi giữa số lượng và chất lượng".
Apple lại tiếp tục là một ví dụ, khi hãng này giới thiệu chiếc iPhone X ra thị trường năm 2017. Do các hạn chế về mặt kỹ thuật thời điểm đó và kéo dài tới tận bây giờ, "Táo Mỹ" vẫn không thể nào thiết kế ra được một chiếc smartphone với màn hình tràn viền đúng nghĩa, thay vào đó là phần khuyết khá lớn trên màn hình và đó được người dùng "gọi yêu" làm tai thỏ.
Những thành phần linh kiện nằm trong cụm tai thỏ trên iPhone X
Không bắt người dùng toàn cầu phải chờ đợi, khiếm khuyết này nhanh chóng trở thành một trào lưu. Chúng ta có hàng chục mẫu smartphone sở hữu kiểu thiết kế tương tự như iPhone X. Điểm nực cười ở đây chính là mặc dù không sở hữu những trang bị phức tạp để phục vụ cho tính năng nhận diện khuôn mặt như iPhone X, các mẫu smartphone tại thời điểm đó, đặc biệt là các model đến từ Trung Quốc vẫn cố gắng sao chép phần khuyết vô cùng khó chịu này.
Tai thỏ trên mọi mặt trận (Nguồn ảnh: Endgadget)
Qua thời gian, những phần tai thỏ này mới dần được thu nhỏ lại. Đến cả ông lớn Google cũng buộc phải chạy theo kiểu thiết kế có phần kỳ quặc này, ví dụ điển hình nhất là mẫu Pixel 3 XL, tuy nhiên, khác với iPhone X, việc chiếc "tai trâu" xuất hiện trên chiếc flagship năm 2018 đã khiến gã khổng lồ tìm kiếm nhận về cả một rổ gạch đá.
Câu chuyện về jack cắm tai nghe 3,5mm biến mất khỏi các model iPhone 7 cũng tương tự. Đối với Apple, đây là một nước đi thiên tài. Nhưng nếu xét từ góc độ các đối thủ đã lỡ đi theo trào lưu này, đó quả thực là một trái đắng.
Tóm lại, nếu bạn là người dùng hệ nhiều tiền, việc một chiếc smartphone ra mắt với mức giá lên tới hàng ngàn USD vẫn không làm các bạn run sợ thì tất nhiên, bài viết này không dành cho bạn.
Còn nếu thực sự không quá rủng rình mà vẫn muốn đầu tư vào một thiết bị di động có thể đáp ứng được kỳ vọng của bản thân thì hãy ghi nhớ những lưu ý sau đây.
Hãy xác định rõ nhu cầu của mình, nếu chỉ xem phim, lướt web nhẹ nhàng, những chiếc máy tầm trung hoặc cao cấp nhưng đã ra mắt vào năm ngoái khả năng cao vẫn hoàn thành tốt những tác vụ kể trên. Còn nếu như muốn chơi những game nặng như Asphalt 9 thì lựa chọn một chiếc flagship đời cũ là một hành động sáng suốt.
Samsung Galaxy M51 với viên pin dung lượng 7.000mAh
Điều này không có nghĩa là những mẫu smartphone tầm trung mới ra mắt là những sản phẩm tệ hại. Ở một khía cạnh nào đó, ví dụ như thời lượng sử dụng, chiếc Galaxy M51 với viên pin 7.000mAh sẽ lại là lựa chọn tối ưu hơn dành cho bạn.
Ảnh: Internet