10 năm về trước, bóng rổ Việt Nam gần như không hề có tên trên bản đồ thể thao của người dân đất nước hình chữ S. Ký ức của đại đa số người dân vẫn chỉ nói về bóng đá, với chức vô địch AFF Cup 2008 hay những thất vọng tột cùng của trận chung kết SEA Games 2009. Số lượng người chơi phong trào không nhiều, sự quảng bá cho bộ môn này cũng không có và mạng xã hội chưa phát triển để kết nối những niềm đam mê đi chung với nhau.
Thế nhưng, chỉ trong vòng 10 năm ngắn ngủi đó, bóng rổ Việt Nam từng bước đi lên và phát triển. Mở đầu bằng sự xuất hiện của CLB Saigon Heat vào năm 2012, trải dài 4 năm sau đó loay hoay định hướng phát triển, bùng nổ với sự ra đời của Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) và đỉnh cao là 2 tấm huy chương đồng lịch sử ở SEA Games 2019.
Có thể nói, thành công lớn như vậy không thể không nhắc đến tâm huyết của những người tiên phong, mở lối cho sự hội nhập và phát triển của bóng rổ Việt Nam từ 2 bàn tay trắng.
Giai đoạn 2010-2012: Một phong trào manh mún, tự phát và không có tính kết nối cộng đồng
Những tháng ngày của năm 2010 có lẽ sẽ luôn được nhắc đến như một trong những ký ức buồn của cộng đồng bóng rổ Việt Nam khi ấy. Kênh truyền hình ESPN chính thức ngừng phát sóng giải đấu NBA, khiến sự kết nối duy nhất của cộng đồng trái bóng cam khi ấy đến với thế giới gần như bị cắt đứt hoàn toàn.
Internet và mạng xã hội phát triển bùng nổ trong những năm đầu của thập niên 2010 như một sự cứu cánh cho những người đam mê bóng rổ thời bấy giờ. Bộ truyện tranh Kuroko no Basket dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam cũng là 1 sự tiếp nối chắp vá cho thành công của Slam Dunk những năm đầu thập niên 2000.
Tuy nhiên, như vậy là không đủ khi nền bóng rổ Việt Nam quá thiếu những giải đấu chuyên nghiệp, là nơi để các cầu thủ có dịp thi thố bản thân cũng như để quảng bá hình ảnh của bộ môn này đến với đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, số lượng người tham gia tập luyện theo dạng phong trào gần như là không nhiều, dẫn đến việc hình thành các cộng đồng vừa và nhỏ trên khắp cả nước nhưng lại không có bất kỳ một sợi dây liên kết với nhau.
Giai đoạn 2012-2015: Người mở lối Saigon Heat và những bước đầu làm quen với 2 chữ "chuyên nghiệp"
Một ngày cuối năm 2011, đầu năm 2012, trên các phương tiện truyền thông dần xuất hiện thông tin về việc đội bóng rổ Saigon Heat được thành lập và sẽ tham dự Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL). Đây là một thông tin rất bất ngờ, khi nhiều người vẫn chưa biết một đội bóng rổ chuyên nghiệp sẽ vận hành như thế nào.
Với những ai theo dõi Saigon Heat kể từ lúc đó, họ sẽ được chứng kiến những trận cầu nảy lửa có sự tham gia của các ngoại binh đến từ Mỹ, những tiết mục đặc sắc trong quãng thời gian nghỉ luôn khiến các trận đấu không có thời gian chết ... Đó là thứ văn hóa của bóng rổ thế giới mà lần đầu tiên, NHM ở Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm.
Những màn văn nghệ trong thời gian nghỉ giữa trận là món gia vị đặc sắc trong thời gian chết, một thứ mới mẻ đối với những người yêu mến bóng rổ ở Việt Nam. Ảnh: Saigon Heat.
Các khán đài dần được lấp đầy khoảng trống, các phương tiện truyền thông dần nhắc đến CLB Saigon Heat và sự hy vọng cho nền bóng rổ nước nhà. Tuy nhiên, trái ngược hẳn với hình ảnh giải trí đầy hứng khởi, sự ra đời của Saigon Heat vẫn chưa đem lại quá nhiều sự phát triển chuyên môn dành cho bóng rổ Việt Nam.
Giai đoạn 2015-2018: Sự ra đời của VBA cùng làn sóng Việt kiều trở về quê hương
Vốn đã được ấp ủ từ lâu, mùa giải 2016 chứng kiến sự ra đời của giải VBA cùng với 5 đội bóng là Saigon Heat, Hochiminh City Wings, Hanoi Buffaloes, Cantho Catfish và Danang Dragons. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng rổ Việt Nam, có 1 giải đấu được tổ chức theo thể thức đấu vòng tròn và vòng Playoffs, khi mà đa số mọi người đều đã quen với những giải đấu Tournament chỉ diễn ra trong vẻn vẹn 2 tuần như giải VĐQG trước đây.
Những nội binh có cơ hội được thi đấu nhiều hơn, được cọ xát với những ngoại binh đến từ nước Mỹ và được nếm trải mùi vị của nền bóng rổ đỉnh cao. Bên cạnh đó, làn sóng các cầu thủ Việt kiều trở về từ Mỹ, những người đã mang một nền văn hóa mới từ cái nôi của bóng rổ về với Việt Nam, thật sự đã thay đổi chóng mặt nền bóng rổ nước nhà.
Làn sóng Việt kiều trở về thi đấu tại VBA đã góp phần nâng cao chất lượng của giải đấu và giúp cho sự phát triển của bóng rổ Việt Nam.
Chất lượng các trận đấu ngày càng được nâng cao qua từng mùa giải, các khán đài nhà thi đấu dần đông đảo hơn cùng sự hình thành các hội cổ động viên trung thành là một dấu hiệu đầy tích cực cho sự phát triển của bóng rổ Việt Nam trong nửa cuối thập niên 2010. Các đội bóng tại VBA luôn tích cực đẩy mạnh phong trào tại địa phương qua những chuyến School Visit hay những hoạt động nhằm kết nối cộng đồng lại với nhau.
Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng chính thức đánh dấu sự trở lại của đội tuyển bóng rổ Việt Nam tại đấu trường SEA Games ở các năm 2015 và 2017. Mặc dù không giành được quá nhiều kết quả khả quan, nhưng bóng rổ Việt Nam đang có những sự chuyển mình đúng đắn. Tuy nhiên, họ vẫn cần 1 cú hích thật sự và giải đấu SEA Games 30 diễn ra tại Philippines chính là cơ hội không thể tốt hơn để hoàn thành mục tiêu đó.
Năm 2019: Vươn đến đỉnh cao trong lịch sử bóng rổ nước nhà
Với sự dẫn dắt của HLV Kevin Yurkus cùng dàn đội hình tập hợp các cầu thủ Việt kiều xuất sắc đã mang lại 1 sự hy vọng lớn lao cho những ai yêu mến bóng rổ nước nhà. Bên cạnh đó, đội tuyển bóng rổ Việt Nam còn có sự góp mặt của những tài năng đầy hứa hẹn như Võ Kim Bản, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh. Cùng với Dư Minh An, đó là thành quả đầu tiên cùng minh chứng cho sự trưởng thành của các cầu thủ nội trong những năm vừa qua.
Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng rổ Việt Nam gặt hái được những thành tích to lớn ở đấu trường khu vực. 2 tấm huy chương đồng ở nội dung 5x5 và 3x3 Nam cùng với hạng 4 chung cuộc của đội 3x3 Nữ đều là những thứ hạng cao nhất mà bóng rổ Việt Nam có được ở SEA Games.
2 tấm huy chương đồng lịch sử là những thành quả đầu tiên mà bóng rổ Việt Nam nhận được sau gần 10 năm xây dựng và phát triển.
Thành quả này là điều xứng đáng cho quá trình xây dựng và phát triển trong một thời gian dài, với lá cờ đầu Saigon Heat hơn 8 năm về trước. Thập niên 2010 không quá dài, nhưng cũng đủ để chứng kiến một sự trưởng thành vượt bậc của bóng rổ Việt Nam.
Bước vào một thập niên mới với những thành công rực rỡ trên vai, hy vọng rằng bóng rổ Việt Nam sẽ còn tự tin phát triển hơn nữa trên con đường trở thành môn thể thao số 2 tại mảnh đất hình chữ S, như chính các mục tiêu mà những người lãnh đạo đã đề ra ở những ngày ban đầu.