"Dũng cảm lên, em nhé. Chị tin rằng em sẽ nhanh chóng vượt qua căn bệnh, để lại trở về với những chuyến bay... Cố lên các em nhé. Yêu và thương các em nhiều. D ơi, khỏi thật nhanh đi" - Đó là tâm sự của một nguyên Trưởng Đoàn tiếp viên khi hay tin nữ tiếp viên đầu tiên của Việt Nam nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19 hôm 13-3.
Chị cũng chia sẻ: "Nghề tiếp viên: nhìn bên ngoài, ai không hiểu, cứ tưởng là nhàn nhã: áo dài duyên dáng, đi mây về gió khắp mọi miền Tổ quốc, và nhiều miền đất lạ trên thế giới. Có ở trong nghề, mới thấu hiểu những nỗi khổ, sự vất vả nhọc nhằn thầm lặng của người tiếp viên.
Cuộc đời các em có quá ít thời gian được gắn bó với ngôi nhà và gia đình thân yêu, mà gắn chặt nhiều hơn với khoang máy bay. Để yêu và chọn cái nghề này, cần lắm lòng dũng cảm, nhất là trong những thời điểm diễn ra dịch bệnh hoặc chiến tranh".
Thông tin với Báo Người Lao Động, một nữ tiếp viên là đại diện của Đoàn tiếp viên trong Tổ thường trực chống dịch của Vietnam Airlines cho biết những đặc thù đối với bộ phận tiếp viên hàng không trong mùa dịch Covid-19.
Các tiếp viên mặc trang phục bảo hộ phục vụ hành khách trong suốt 12-13 giờ bay trong chuyến bay từ châu Âu về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hôm 16-3
Theo đó, trong mùa dịch Covid-19, bộ phận điều phái tổ bay vẫn xếp lịch công tác của tiếp viên như thường lệ. Trong trường hợp tiếp viên có nguyện vọng thay đổi lịch bay hoặc hành trình (như tiếp viên có con nhỏ không muốn bay đến điểm có dịch vì không thể xa con để cách ly), bộ phận điều phái tổ bay của Vietnam Airlines và Đoàn tiếp viên có thể điều chỉnh trên cơ sở cân đối nguồn lực và đảm bảo quyền lợi cho tất cả tiếp viên.
Quy trình phục vụ của tiếp viên trên chuyến bay về cơ bản không thay đổi, chỉ thay đổi tiêu chuẩn dịch vụ theo hướng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho khách hàng như: Với các chuyến bay quốc tế dài (như đi Nhật Bản, châu Âu), tiếp viên sẽ không bóc các gói hạt để vào bát nhỏ như trước mà phục vụ nguyên gói cùng giấy ăn; món ăn khai vị không sử dụng rau sống; các món ăn chính không bày ra đĩa như trước mà nhà cung ứng suất ăn sẽ cấp từng món vào khay sứ; bánh mỳ được đóng gói sẵn trong nylon; không phục vụ mỳ ăn liền...
Với chuyến bay nội địa và quốc tế ngắn: Hạng Thương gia và Phổ thông đặc biệt giữ nguyên tiêu chuẩn dịch vụ; hạng Phổ thông phục vụ suất ăn nhẹ phù hợp với khung giờ bữa ăn và nước uống đóng chai, hạn chế sử dụng vật dụng ăn uống dùng nhiều lần như khay ăn, dao, dĩa...
Dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã mang lại nhiều khó khăn cho tiếp viên trong việc phục vụ các chuyến bay. Trong giai đoạn này, sự giao tiếp và tương tác với khách hàng ít hơn nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dịch vụ của chuyến bay, đôi khi khách hàng muốn trao đổi hoặc tiếp viên muốn giải thích nhiều hơn cho khách cũng hạn chế do đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần quá lâu.
Nhiều khách hàng không nắm được thông tin về thay đổi tiêu chuẩn dịch vụ trước chuyến bay nên khi bay với dịch vụ giảm cũng không hài lòng với tiếp viên.
Tổ bay thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Triều
Bên cạnh đó, nhiều khách châu Âu không đeo khẩu trang cũng làm tiếp viên lo lắng dù đã đọc phát thanh yêu cầu khách đeo để tránh lây nhiễm, nhiều khách cũng phản ứng với tiếp viên khi được nhắc.
Việc đeo khẩu trang lâu cũng làm da tiếp viên bị kích ứng khó chịu, có mặc đồ bảo hộ trong 12-13 tiếng bay đường dài mới thấy thông cảm với đội ngũ y bác sĩ trong giai đoạn dịch bệnh. "Có những chuyến bay dài, tiếp viên phải đeo khẩu trang liên tục mười mấy giờ đồng hồ, tính từ khi ra khỏi nhà đến khi lên máy bay, hạ cánh và về khách sạn. Vệt khẩu trang xước hằn lên má, thậm chí làm rách cả mang tai"- một tiếp viên của Vietnam Airlines chia sẻ trên trang facebook cá nhân.
Hiện nay, Đoàn tiếp viên có gần 600 tiếp viên bị cách ly tập trung và cách ly tại nhà, gặp nhau chỉ vẫy tay chào chứ không thể hồ hởi bắt tay như trước.
Nhiều tiếp viên và gia đình sinh sống ở những khu chung cư, khu phố bị hàng xóm kỳ thị khi bị cách ly, đồn thổi tin không đúng sự thật. Nhiều bạn tâm sự buồn vì mọi người không hiểu hết về nghề đặc thù này, rằng các bạn đã rất tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng không thể nắm được việc khách hàng đi trên chuyến bay đã nhiễm bệnh từ trước... "Tới châu Âu giữa lúc dịch bệnh đang lan tràn, đeo khẩu trang bảo vệ bản thân khi đi mua đồ ăn thì bị kỳ thị, bị quay phim, chụp ảnh, bị lườm nguýt, thậm chí là dọa đánh, đuổi. Còn "bỏ khẩu trang ra, hoặc là hãy ra khỏi đây", trong khi thực phẩm thì nước bạn không cho mang vào, ngoài mỳ tôm. Đến khi lên máy bay về nước lại đối diện với mối lo bị "bốc" đi cách ly 14 ngày, chẳng kịp gặp chồng con, bố mẹ"- một nữ tiếp viên chia sẻ trên facebook cá nhân.
Trong giai đoạn đầu khi dịch khởi phát, Vietnam Airlines đã trang bị đầy đủ cho tiếp viên các vật dụng phòng hộ như khẩu trang, găng tay, xịt khử trùng, khăn tẩm cồn... Loại khẩu trang được cấp cho tiếp viên là khẩu trang Nano 5 lớp dùng nhiều lần, được đặt may riêng cho tiếp viên nhằm giảm ô nhiễm và rác thải môi trường.
Đoàn công tác của Vietnam Airlines tới thăm tổ tiếp viên đang được cách ly
Đối với những tiếp viên bị cách ly tập trung tại bệnh viện, Vietnam Airlines đều gửi thuốc, quà tặng tới cho các tiếp viên để động viên tinh thần cho đội ngũ tiếp viên vững tâm hơn. Hãng đã triển khai các liên đội đi sâu sát từng nhóm bay, tổ tiếp viên, hỏi thăm từng tiếp viên để động viên các bạn tiếp viên vững tâm thực hiện nhiệm vụ. Được biết, các trường hợp tiếp viên bị cách ly vì tiếp xúc với người bệnh vẫn được hưởng 100% chế độ gồm tiền lương chức danh, lương chuyến bay... Tiếp viên dương tính với Covid-19 cũng được hưởng chế độ nghỉ ốm theo luật định.
Từ ngày 15-3-2020, tiếp viên đã được trang bị đồ bảo hộ đặc chủng khi thực hiện các chuyến bay từ châu Âu về Việt Nam, giúp tiếp viên an tâm đi và đến những nước bùng phát dịch mạnh mẽ.
Trong giai đoạn khó khăn, rất nhiều tiếp viên đã hiểu và chia sẻ với đơn vị bằng những hành động thực tế như tình nguyện không nhận lương chức danh, xin nghỉ không hưởng lương để cùng chung tay với Vietnam Airlines vượt qua khó khăn.
"Những chuyến bay đêm của con luôn làm bố mẹ lo âu. Dù con đã đi làm được gần 2 năm nhưng sự lo lắng về những chuyến bay luôn hiện hữu. Với một người như con, có rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình, không hiểu sao số phận lại buộc con phải đi trên con đường chông chênh đến thế?
Tiếp viên Phương Ly bên bố mẹ - Ảnh: NVCC
Đêm nay, sau 11 giờ bay, con và các bạn sẽ hạ cánh ở Charle De Gaule, nơi đang có hơn 1.100 người mắc Covid-19 và 21 ca đã tử vong. Một đất nước quá văn minh, giàu có mà số người nhiễm bệnh đông đến thế, gấp nhiều lần so với Việt Nam, thử hỏi nỗi lo của bố mẹ còn lớn đến mức nào?
Nếu con và các bạn phải cách ly 14 ngày, thậm chí 21 ngày thì sao nhỉ? không sao cả. Đó là trách nhiệm của các con với bản thân và cộng đồng, vì sức khỏe bền vững của một quốc gia. Nhưng không hiểu sao, từ trong thẳm sâu, bố luôn tin các con có sức trẻ, lòng yêu nghề, luôn biết vượt lên gian khó và sống có trách nhiệm với xã hội thì đó luôn là thứ vaccin mạnh nhất để đánh bật Covid-19, không thể để nó thâm nhập vào cơ thể".
Tâm sự của Đại tá, nhà báo Nguyễn Tuấn dành cho con gái Nguyễn Phương Ly trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngày 11-3-2020