Nhiều thầy cô chỉ biết im lặng khi gặp người quen, nghe người ta kháo nhau: "Chắc là sau 20/11 thu nhập khủng lắm"

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 08:04 20/11/2023

Ngày lễ lớn của ngành giáo dục nhưng tạo áp lực lớn cho phụ huynh, học sinh và cả giáo viên nữa thì có nên tồn tại nữa?

20/11 là ngày để học trò thể hiện sự yêu mến và lòng biết ơn đối với thầy cô giáo của mình thông qua những lời chúc và những món quà ý nghĩa. Đây đáng lẽ là một ngày vui với người làm nghề đưa đò, nhưng không phải ai cũng biết, đằng sau những tưng bừng, háo hức, rộn ràng của ngày "giỗ nghề", vẫn còn nhiều thầy cô với bao nỗi niềm trăn trở.

Nhiều năm làm giáo viên, nhiều năm trải qua đủ cung bậc cảm xúc của ngày 20/11, cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) đặt câu hỏi: Nếu không phô trương ngày 20/11 như mục đích ban đầu đặt ra, hoặc không có ngày lễ này thì có tốt hơn không?

Theo cô Nga, Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều 3 Quyết định nêu rõ:

"Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh".

Nhiều thầy cô chỉ biết im lặng khi gặp người quen, nghe người ta kháo nhau: Chắc là sau 20/11 thu nhập khủng lắm - Ảnh 1.

Cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Nghi Lộc 3

Trong chốn bon chen, chật vật của gánh mưu sinh nhọc nhằn, có thêm các ngày lễ kỷ niệm, đồng nghĩa với việc con người có thêm cái cớ để bước chậm hơn, xích lại gần nhau hơn, để tâm và yêu thương nhau nhiều hơn. Âu cũng là điều cần làm và đáng trân quý. Tôn sư trọng đạo cũng là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta.

Tuy nhiên, cô Nga cho rằng, với ngày 20/11, trên thực tế nó không còn giữ được mục đích ý nghĩa tốt đẹp như ban đầu đặt ra nữa. Có nhất thiết phải có một ngày lễ để chúng ta nhớ về, để chúng ta tôn vinh thầy cô?

"Tôi vẫn luôn tâm đắc ý kiến trong một bài báo, rằng: Thầy không cần tôn vinh. Thầy cần trò nối đạo, đó mới là chân hạnh phúc của sư phụ! Với lại, nhớ, tin, yêu giữ trong lòng trò là điều đáng trân quý, là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy cô rồi. Phần lớn thầy cô vẫn luôn luôn dõi theo từng bước đi của học trò mình, trên mọi nẻo đường đời.

Và đương nhiên, thầy cô luôn muốn gặp lại các em, sau những tháng ngày xa cách. Nhưng điều này, chúng ta có thể thực hiện vào vô vàn những dịp khác, như Tết, những ngày trò trở về trường, những lúc nhớ cô thầy... Hay bằng những tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm... Như thế đã là quá đủ ấm áp", cô Nga nói.

Thực tế hiện nay, ngoài mục đích tốt đẹp, thì đây đó, chúng ta đã biến tướng 20/11 thành những chiếc phong bì với vô vàn những mục đích khác nhau. Cảm xúc của học trò và thầy cô ư? Ngoài những niềm hạnh phúc "cúng" Facebook/ Zalo... ra, có biết bao nỗi niềm ngổn ngang (không nói ra) từ thầy/cô. Và chắc chắn ngày lễ này cũng là một áp lực lớn đối với phần đông phụ huynh và học sinh khi gánh nặng mưu sinh còn oằn nặng lưng.

Cô Nga chia sẻ, không ít thầy cô chỉ biết im lặng, khi đi ra chợ, khi gặp người quen nghe người ta kháo nhau: "Cô/thầy ấy chắc là thu nhập khủng sau 20/11"; "Khổ, nếu không đi thầy/cô thì sợ con bị phân biệt đối xử"...

Quả thật, đứng ở vị trí của giáo viên mà nói, hẳn không ai thích đề tài này được đem ra bàn luận công khai. Vấn đề quà cáp vốn tế nhị, càng bàn thì càng ít nhiều gây tổn thương đến lòng tự trọng của thầy cô - những người vốn được xã hội quý trọng và kỳ vọng...

Người không được tặng quà chẳng biết có chạnh lòng không. Nhưng nhiều thầy cô nhận quà cũng chưa hẳn thấy lòng vui vẻ mấy. Từ chối thì sợ bị cho là "chảnh", là chê quà nhiều, quà ít. Nhận rồi thì đôi khi bị "bĩu môi", cho rằng "chỉ chờ có thế". Quà tặng lúc này không còn là kỉ niệm, tri ân mà đã thành gánh nặng.

"Giáo viên chúng tôi cũng còn có rất nhiều người có lòng tự trọng, lòng tự tôn và nhiều nỗi niềm nhân ngày lễ. Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình, nhiều cô của con tôi 'trốn' ngày lễ...

Trong lúc, cơn 'đau đẻ' của giáo dục Việt Nam đã diễn ra quá lê thê rồi! Chúng tôi (Cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là giáo viên), đã quá mỏi mệt rồi vì vô vàn những áp lực khác nhau! Tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Con số đó chắc đã nói lên nhiều ý nghĩa...

Ngày lễ trên đường đông, vấn đề an toàn giao thông đi lại của học sinh cũng là việc chúng ta cần quan tâm nữa. Chưa kể có rất nhiều, nhiều vấn đề ngổn ngang (không muốn nói ra) xoay quanh câu chuyện ngày lễ này... Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải có giải pháp.

Một ngày lễ lớn của ngành giáo dục nhưng vừa tạo ra áp lực lớn cho phụ huynh, cho học sinh và cả phần nhiều giáo viên nữa, thì nó có nên tồn tại hay không?!", cô Nga đặt câu hỏi.