Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Thời Đại 00:02 26/08/2017
Chia sẻ

Lợi dụng tâm lý thích phòng trọ giá rẻ nhưng đầy đủ tiện nghi, nhóm đối tượng sống trong căn nhà số 125/41 đường D1 (quận Bình Thạnh) đã tìm cách "vẽ" ra một "hợp đồng ma" để cài bẫy nhiều sinh viên nhẹ dạ cả tin rồi chiếm đoạt tiền cọc.

Một năm học mới vừa bắt đầu, nhu cầu tìm phòng trọ của sinh viên có xu hướng tăng mạnh. Nắm bắt được điều này, nhiều chủ nhà trọ đã tung nhiều "chiêu" dụ những bạn còn nhẹ dạ cả tin hòng chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Thủ đoạn hét giá "cắt cổ" phí điện nước, wifi, giữ xe... khi sinh viên đến nhận phòng

Mới đây, nhiều sinh viên ở Sài Gòn bức xúc "tố" bị chủ nhà trọ số 125/41 đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chiếm đoạt trắng trợn số tiền đặt cọc để giữ phòng, vào khoảng 500.000 – 1 triệu đồng/người. Điều đáng nói, mỗi ngày có hàng chục sinh viên bị chủ trọ này lừa với cùng một thủ đoạn.

B.T (SV trường ĐH ở quận Gò Vấp) cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, cậu và một người bạn có thấy tờ rơi dán trên cột điện ngoài đường với tựa đề "Dãy trọ mới sửa, cho thuê phòng với giá 1,2 triệu đồng/tháng, ưu tiên sinh viên". Thấy giá rẻ nên B.T liền gọi vào số điện thoại in sẵn trên đó thì đầu giây bên kia có một giọng nữ bắt máy. Người này nhận là chủ trọ nhưng lại không nói địa chỉ cụ thể, chỉ hướng dẫn đường đi rồi gọi lại lần nữa để dẫn vào xem phòng.

Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Căn nhà tại địa chỉ 125/41 đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM).

"Lúc này, chủ trọ dẫn em và bạn đến số nhà 125/41 đường D1 (quận Bình Thạnh). Đây là dạng nhà nguyên căn trông rất mới nên bọn em cũng mừng thầm. Sau đó có 1 cô gái tự nhận là người thân chủ trọ đưa em đi xem phòng giá 1,2 triệu/người/tháng, nếu ở 2 người thì 1,5 triệu/tháng, đã bao gồm cả tiền điện, nước, wifi, giữ xe.

Nếu thuê thì vài ngày sau mới nhận phòng vì hiện người thuê phòng này chưa dọn đi. Thấy phòng đẹp, đủ tiện nghi với lại giá khá rẻ nên em đồng ý thuê giá 1,5 triệu/tháng thì cô gái này bảo đóng 1 triệu đồng tiền cọc để giữ chỗ".

Tin "sái cổ" những lời "đường mật" của chủ nhà trọ, B.T vội móc 1 triệu để giữ chỗ vì sợ người khác thuê mất.

B.T sau đó được một người trong nhà trọ này đưa ra tờ giấy đã soạn sẵn có tên "Giấy thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ" để ký tên và 3 ngày sau đến nhận phòng. Tuy nhiên khi nam sinh này dọn đồ đạc đến thì tá hỏa khi chủ nhà báo giá điện, nước, wifi là 100.000 đồng cho mỗi khoản, riêng tiền giữ xe là 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra nếu xài điện nước nhiều quá mức quy định sẽ phải đóng thêm.

Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Trước căn nhà này luôn có tờ giấy cho thuê phòng "dụ" sinh viên nhẹ dạ cả tin.

Quá bức xúc, B.T yêu cầu trả lại tiền cọc không thuê nữa thì nhóm người trong căn nhà này làm khó dễ, kéo dài thời gian. Do trời sắp tối và cần phải tìm phòng khác tá túc qua đêm nên B.T và bạn phải "ngậm đắng nuốt cay" bỏ tiền cọc ra về mà không đòi được đồng nào.

Tương tự như B.T, nữ sinh viên B.H (20 tuổi, trường Cao đẳng ở quận 9) cũng bị chính nhà trọ này lừa tiền cọc. H. kể lại, vì sang năm học mới phải chuyển cơ sở học nên nữ sinh này nhờ bạn chở qua khu vực Bình Thạnh để tìm phòng trọ.

Thấy số nhà 125/41 đường D1 (quận Bình Thạnh) có dán tờ rơi trước cổng cho thuê phòng trọ nên vào xem thử. Khi vào xem phòng, H. định chụp ảnh gửi cho bạn xem để hỏi ý kiến nhưng chủ nhà trọ này cấm cản.

"Chủ nhà trọ yêu cầu đóng tiền trước 2 tháng là hơn 3 triệu đồng và cộng thêm 1 triệu đồng tiền giữ chỗ nữa là khoảng 4,5 triệu đồng. Nếu không mang đủ tiền thì phải nộp giấy chứng minh, sổ hộ khẩu photo có công chứng thì sẽ bớt cho 1 tháng tiền cọc. Người phụ nữ lớn tuổi này bảo đóng 500.000 đồng tiền giữ chân, rồi đưa hợp đồng thỏa thuận bảo ký tên. Vì tin tưởng lời ngon ngọt nên em cũng đóng tiền để giữ phòng chứ không nghi ngờ gì", H. chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng rơi vào tình thế tương tự như những sinh viên trước đó, H. bị chủ trọ hét giá "cắt cổ" để các khoản phí phát sinh khi nữ sinh này đến nhận phòng. Người chủ trọ này còn thách thức H.: "Nếu được thì ở, nếu thấy giá cao quá thì có thể tìm chỗ khác, nhưng không thể lấy lại tiền cọc vì hai bên đã ký hợp đồng". Quá uất ức mà không làm gì được, H. đành ngậm ngùi bỏ số tiền 500.000 rồi đi tìm chỗ trọ mới.

Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Các bạn sinh viên bị lừa chia sẻ câu chuyện.

Lách luật, bẫy sinh viên bằng "hợp đồng ma" kèm theo những điều khoản mập mờ

Qua những lời kể của nhiều sinh viên, có thể dễ dàng nhận thấy một điều là chủ nhà trọ đã ràng buộc "con mồi" bằng một tờ giấy thỏa thuận, giống như một "hợp đồng ma" để chiếm đoạt tiền mà nạn nhân không thể làm gì được.

Trong bản thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ nếu sinh viên nào sáng suốt sẽ nhận ra những điều khoản do chủ nhà trọ này soạn thảo sẵn rất mập mờ.

Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Chủ quan đọc qua loa, nam sinh viên vội ký vào hợp đồng thuê nhà.

Nguyên văn dòng đầu tiên trong điều khoản chung có nêu: "Bằng giấy thỏa thuận giữ chỗ này Bên A (chủ trọ - PV) sẽ giữ phòng cho Bên B (người thuê trọ - PV) và đến khi giao phòng cho Bên B phòng nào trống thì giao cho Bên B phòng đó". Điều này có thể hiểu là chủ trọ sẽ tự quyết định muốn giao phòng nào cho người thuê cũng được, bất chấp trước đó người thuê đã đặt cọc giữ phòng mình muốn thuê.

Nữ sinh H. bức xúc nói: "Như vậy khi nào có phòng trống thì giao, nếu không có thì không giao. Nếu lỡ như đến ngày hẹn nhận phòng mà chủ trọ nói phòng chưa trống, sinh viên vẫn phải đợi. Nếu đợi không được sẽ bỏ luôn tiền cọc".

Còn theo nam sinh B.T, các điều khoản tiếp theo cũng rất bất hợp lý, không rõ ràng, gây khó hiểu. Nếu sinh viên nào đọc lướt qua sẽ dễ bị dính thủ đoạn lừa bịp.

Nhiều sinh viên ấm ức “tố” bị chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” để lừa tiền đặt cọc ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Bản "hợp đồng ma" chuyên dùng để lừa tiền cọc của sinh viên.

"Lúc đầu, quá vội và mừng vì tìm được phòng giá rẻ nên em chỉ đọc lướt qua các điều khoản, chỉ đọc phần dưới cùng (in đậm trong giấy thỏa thuận). Bây giờ sau khi bị lừa tiền mới nhận ra hợp đồng đã ký nên không thể làm gì được", nam sinh viên buồn bã nói.

Theo lời B.T sau khi tìm hiểu trên mạng thì được biết trước đó đã có hàng trăm sinh viên đã bị lừa tương tự như nam sinh này. Các bạn chỉ biết cảnh báo nhau trên mạng xã hội để tránh bị mắc bẫy của nhà trọ lừa đảo này nữa, chứ chưa nhờ tới sự can thiệp của lực lượng chức năng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, sau khi xem qua giấy thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ mà nhà trọ soạn thảo, luật sư nhận thấy "hợp đồng" này không rõ ràng.

Bên A (nhà trọ) ghi không đầy đủ thông tin, không quy định trách nhiệm bên cho thuê. Chính vì thế người thuê nên xem xét và không nên ký những loại hợp đồng không rõ ràng như thế này. Theo luật sư Hùng, trường hợp này có thể chủ nhà đã cố ý gài bẫy người thuê ngay từ ban đầu, có sự chuẩn bị từ trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày