Thông tin từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ngày 13/4 cho biết, trong tuần 14 năm 2016, toàn thành phố ghi nhận 239 trường hợp SXH nhập viện, giảm nhẹ so với số ca trung bình của 4 tuần trước (258 ca) và số ca bệnh cộng dồn đến tuần 14 (6.378 ca) tăng 89% so với cùng kỳ năm 2015 (3.375 ca).
Bác sĩ Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh chăm sóc cho một trường hợp SXH nặng biến chứng suy hô hấp.
Qua điều tra các ca nhập viện cho thấy, bệnh SXH không thể xem thường, tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn còn thiếu kiến thức trong việc phát hiện bệnh cũng như chủ quan trong điều trị SXH, gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong đó, ghi nhận tại các BV, nhiều trẻ mắc SXH biến chứng suy đa cơ quan, xuất huyết nội.
Tại BV Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ vừa xử trí trường hợp bệnh nhi tên: N.Q.D. (nam, hơn 3 tuổi, ngụ tại Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), được chuyển viện với chẩn đoán sốc SXH nặng ngày 5, tái sốc, suy hô hấp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, tổn thương phổi, hôn mê... khiến các bác sĩ rất vất vả mới cứu sống được.
Các bác sĩ khuyến cáo đến quí phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ, bỏ bú, bỏ ăn uống,... thì cần phải đưa trẻ ngay vào BV.
Về vấn đề dịch tễ, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn đề nghị các quận/huyện tiếp tục giám sát các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ. Phối hợp với địa phương truyền thông vận động người dân diệt muỗi, diệt loăng quăng.
Ngoài ra, cần tiếp tục giám sát các dịch bệnh khác, đặc biệt là các dịch bệnh đường hô hấp như: thủy đậu, quai bị, Rubella, cúm...
Trong trường hợp mắc bệnh, bản thân người bệnh nên nghỉ làm, nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh, thông báo tới cơ quan, trường học để những nơi này có biện pháp phun thuốc, khử trùng… để hạn chế lây lan dịch bệnh.