Trong nhiều thập kỷ, nhà sản xuất Nhật Bản MinebeaMitsumi đã cung cấp linh kiện phục vụ các thương hiệu điện thoại thông minh và nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu. Hãng cũng giành được thị phần cao trong thị trường linh kiện quan trọng, từ máy tính, ô tô đến thiết bị gia dụng.
Sau thời gian dài hoạt động âm thầm, Minebea quyết định khiến mình trở nên nổi bật. Cách tiếp cận mới của chủ tịch Yoshihisa Kainuma được đưa ra trong bối cảnh thách thức số 1 của các nhà tuyển dụng Nhật Bản hiện nay là thu hút nhân tài.
Ở một quốc gia có tỷ lệ sinh giảm đều đặn trong khi nhiều thanh thiếu niên dường như quan tâm đến việc trở thành YouTuber hơn là chế tạo các thiết bị điện tử, việc thu hút các tân binh tiềm năng đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chủ tịch Kainuma cho biết đó là ưu tiên hàng đầu của công ty.
“Khi sinh viên mới tốt nghiệp ngày nay cân nhắc nơi muốn làm việc, họ chọn những công ty nổi tiếng, những công ty mà họ và cha mẹ họ biết rõ nhất”, ông nói với Nikkei và cho biết công ty vừa tổ chức triển lãm tương tác hai tầng dành cho học sinh tiểu học.
Khi mùa tuyển dụng mùa xuân lên đến cao điểm, hàng triệu công ty như MinebeaMitsumi đang nỗ lực chiêu mộ nhân sự. Những kỳ tích trước đây của thị trường lao động, chẳng hạn như việc làm suốt đời, ưu tiên thâm niên hơn kỹ năng…chỉ có ở cuối thế kỷ 20, khi dân số trẻ dồi dào còn nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ.
Theo Teikoku Databank, tình trạng phá sản do thiếu lao động đã tác động tới 313 công ty trong 12 tháng tính đến tháng 3, tăng hơn gấp đôi so với năm trước và lập kỷ lục kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập cách đây một thập kỷ. Cuộc chiến tranh giành nhân tài khốc liệt đã khuyến khích một số công ty thực hiện những bước đi lịch sử. Vào tháng 3, nhiều công nhân được tăng lương cao kỷ lục sau hơn 30 năm.
“Các công ty nhận ra rằng ít nhất mức lương cần phải cao mới có thể thu hút và giữ chân người lao động”, Hisashi Yamada, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết.
Theo Hiroaki Miyamoto, giáo sư kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, thị trường lao động Nhật Bản cần thay đổi từ trạng thái thiếu linh hoạt sang trạng thái linh hoạt hơn. “Nỗ lực thích ứng của các công ty cũng như sự hỗ trợ chính sách từ chính phủ là cần thiết để biến sự thay đổi này trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Nhật Bản”.
Vào một ngày thứ Sáu đầy nắng, khoảng 100 công ty dựng gian hàng cho hội chợ việc làm Tokyo nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên mới tốt nghiệp. Các biểu ngữ đầy màu sắc giăng khắp lối, chẳng hạn như “Hơn 120 ngày nghỉ có lương, mỗi tuần 2 ngày nghỉ”, “Hoàn thành hệ thống đào tạo”, “Niêm yết trên Thị trường chứng khoán chính của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo”...
“Tôi đang tìm một công việc cho phép mình duy trì sở thích xem nhạc kịch”, một sinh viên đại học năm thứ ba mặc bộ đồ đen đơn giản nói. “Cả bố mẹ tôi đều đang làm việc và có vẻ họ tận tâm với công việc lắm. Tôi tôn trọng điều đó nhưng tôi thích làm việc ở một nơi mà mình có thể nghỉ ngơi”.
Nhật Bản đang thiếu nhân sự trẻ trầm trọng.
“Chúng tôi muốn có 120 sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2025, nhưng chúng tôi không có cách nào đạt được mục tiêu đó”, một nhân viên tuyển dụng nói. “Có nhiều việc làm hơn, nhưng lại ít sinh viên hơn”.
Theo Yosuke Hasegawa, nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu nghề nghiệp Mynavi, liên kết với Mynavi, thái độ của các công ty đối với việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đang thay đổi. “Trước đây, các công ty là bên lựa chọn nhân sự. Giờ đây, sinh viên cũng có sự lựa chọn cho riêng mình. Ngày càng có nhiều công ty quan tâm đến việc lắng nghe mong muốn của ứng viên”.
Theo Bộ Lao động, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm năm thứ tám liên tiếp vào năm 2023 xuống còn khoảng 758.000, thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1899. Theo ước tính năm ngoái của Recruit Works Institute, cả nước có thể thiếu 3,4 triệu lao động vào năm 2030 và 11 triệu vào năm 2040.
Theo một cuộc khảo sát của Mynavi vào tháng 3, “Chế độ đãi ngộ tốt”, bao gồm tiền lương và các điều khoản về kỳ nghỉ, là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn nhà tuyển dụng. “Văn hóa doanh nghiệp” đứng thứ hai và “ổn định” xếp thứ ba.
“Tôi không muốn làm việc ở nơi đen tối. Điều đó đã không còn phù hợp trong thời đại này”, một sinh viên đại học năm thứ ba nói. “Tôi muốn đảm bảo rằng mình có thể có thời gian riêng tư, chẳng hạn như chơi bóng chày vào cuối tuần”.
Theo Kaoru Fujii, tổng biên tập nhân sự tại Recruit Co, đại dịch COVID-19 khiến tư duy người lao động thay đổi. Họ thiết kế lại lối sống và theo đuổi hạnh phúc thay vì đâm đầu làm việc như xưa.
Thu nhập người lao động, vốn đã đi ngang từ lâu, đang có dấu hiệu tăng trưởng khi ngày càng nhiều các công ty tuyển dụng muốn giữ chân nhân tài. Theo Rengo, liên đoàn lao động lớn nhất Nhật Bản, mức lương trung bình của các công đoàn thành viên trong năm nay đã tăng hơn 5%, mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ.
Trong số hơn 10.000 công ty được Teikoku Databank khảo sát vào tháng 1, 60% cho biết họ có kế hoạch cải thiện tiền lương trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 này, mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2006.
“Đúng là tiền lương đang tăng lên do tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng và lạm phát gây áp lực lên cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, chắc chắn có sự khác biệt giữa các công ty, tùy thuộc vào ngành hoặc quy mô”, một chuyên gia cho biết.
Một số công ty đang nỗ lực cập nhật hệ thống nhân sự, song tiến độ còn chưa đồng đều. Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của Recruit trên khoảng 2.700 nhân viên, 62% cảm thấy cần thay đổi hệ thống nhân sự và phương thức tuyển dụng để động viên tinh thần người lao động cũng như giải quyết những thách thức trong quá trình chiêu mộ nhân tài. Chỉ có 43% cho biết mình có thể đáp ứng được những thách thức này.
Theo: Nikkei Asia