Nhân viên y tế nghỉ việc: "7 năm gắn bó, lương chỉ hơn 2 triệu đồng"

Ngọc Anh, Theo Sức khoẻ và đời sống 15:25 09/07/2022
Chia sẻ

Đó là nỗi niềm của nhân viên tại một cơ sở y tế của Hà Nội. Sau 7 năm gắn bó tại đây, mức lương của chị duy trì con số 2.470.000 đồng, không lên luơng, không phụ cấp, trợ cấp, không có khoản thu nhập thêm vì là nhân viên hợp đồng.

Hết nghe... chửi lại đến... dọa kiện

Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin gần 900 nhân viên y tế công Hà Nội xin nghỉ việc, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và bất ngờ. Bởi nhiều người vẫn quan niệm xin việc vào cơ quan nhà nước để được ổn định. Tuy nhiên, với nhân viên y tế, thực tế công việc của họ, không như vậy.

Là người đã tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều y tế tuyến cơ sở trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, việc nhân viên y tế xin nghỉ việc với tôi buồn nhiều hơn vui.

Nhân viên y tế cơ sở "bận, rất bận, vô cùng bận", nhất là trong đợt dịch vừa qua, phải xuống tận nơi mới chứng kiến được sự vất vả, áp lực từ công việc của họ.

Xuống đến phường tôi tranh thủ đến sớm hơn, khi chưa có bệnh nhân để trò chuyện, nhưng tôi sớm nhận ra rằng đây là suy nghĩ sai lầm.

Mùa dịch, chỉ lúc chợp mắt nhân viên y tế mới không bận. Có trạm y tế phường, tôi phải ngồi đợi cả ngày mới tranh thủ được 5-10 phút lúc họ ngơi tay để được tiếp xúc. Nói vậy để biết công việc của họ bận đến mức nào.

Chính quãng thời gian chờ đợi này tôi mới thấm được sự vất vả cực nhọc trong công việc của họ ra sao.

Một buổi sáng, tại Trạm y tế phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), 7 chiếc điện thoại của 7 nhân viên y tế cộng thêm một số hotline chuông kêu không ngừng, chưa dứt cuộc gọi này lại đến cuộc gọi khác.

Nhân viên y tế nghỉ việc: 7 năm gắn bó, lương chỉ hơn 2 triệu đồng - Ảnh 1.

Các thủ tục hành chính cần giải quyết trong ngày của các nhân viên y tế xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong dịch COVID-19.

Chuông điện thoại đổ dồn kéo dài cả ngày lẫn đêm, khiến nhân viên rất áp lực. Mệt mỏi cả ngày, chỉ mong được giấc ngủ ngon, nhưng cứ chợp mắt được lúc lại bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Sau này với nhiều nhân viên y tế, tiếng chuông điện thoại là nỗi ám ảnh của họ.

Công việc ngập đầu hàng nghìn ca nhiễm, giấy tờ chất cao thành đống… chưa kịp giải quyết. 8 giờ hành chính, chỉ để giải quyết các cuộc gọi và giải quyết thắc mắc của người dân. Đến cuối ngày khi các cuộc gọi thưa đi, nhân viên y tế tại đây mới có thời gian nhập liệu, làm các báo cáo, giải quyết các thủ tục hành chính… cứ như thế kéo dài cho đến nửa đêm.

Tại phường Khương Đình, có 6 nhân viên y tế, 3 người phụ trách công tác tiêm chủng, trạm chỉ còn 3 người mà phụ trách "hàng trăm" đầu việc, lấy mẫu xét nghiệm, làm báo cáo, theo dõi F0 điều trị tại nhà, tiếp nhận các cuộc gọi khai báo…

Cả buổi sáng lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm trường hợp, vừa cởi bộ đồ bảo hộ, ngồi chưa nóng ghế, bỗng đâu một người dân xồng xộc xông vào "… chúng mày, sao tao gọi không nghe máy"; "… chúng mày làm ăn kiểu gì, có cái tờ bảo hiểm, bắt tao đi lại mấy lần, tao đóng thuế cho chúng máy ngồi chơi xơi nước đó à, lũ mất dạy…", cố kìm cơn bực tức trong người, một nhân viên y tế giải thích "bảo hiểm quy định như vậy, chúng cháu chỉ làm theo quy định" chưa nói dứt câu thì người con của vị này "nhảy" vào lớn tiếng "Tao sẽ kiện chúng mày lên cấp trên", rồi định lao vào đánh người nhân viên này, may mà lúc đó có người dân xung quanh can thiệp.

Tình trạng hành hung, dọa hành hung, dùng lời lẽ thô tục, xỉ vả, thóa mạ nhân viên y tế tuyến cơ sở không phải là hiếm trong đợt dịch vừa qua. Và phường nào tôi đi cũng đều nhận được sự phàn nàn của các nhân viên y tế đề thái độ thiếu tôn trọng của người dân với họ.

Rất nhiều nhân viên y tế tâm sự rằng, công việc dù có vất vả, bận bịu bao nhiêu nhưng nếu được sự cảm thông, chia sẻ của người dân, các chị cũng sẽ tiếp nhận và thực hiện trong tâm thế vui vẻ, thoải mái. Tinh thần có thoải mái thì làm việc mới có động lực, có hiệu quả.

Tuy nhiên, dù phấn đấu, cố gắng bao nhiêu thì nay chửi bới, thóa mạ, mai dọa kiện… áp lực từ người dân, từ cấp trên xuống khiến nhân viên y tế thực sự chán nản.

Nhân viên y tế nghỉ việc: 7 năm gắn bó, lương chỉ hơn 2 triệu đồng - Ảnh 2.

Tiêm vaccine COVID-19 tại nhà cho một trường hợp hạn chế vận động tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).

Hết 8 giờ hành chính, mọi người có thể về nhà để lo cho gia đình, tuy nhiên đằng đẵng 2 năm trời, nhất là trong đợt dịch vừa qua, chưa ngày nào được về nhà trước 10 giờ đêm. Bởi vậy mà có những nhân viên y tế chồng lên tận nơi làm việc để đưa đơn ly hôn.

"Có những ngày gần 24 giờ đêm mới về đến nhà, vừa thay được bộ quần áo, lại có điện thoại một ca F0 trở nặng cần cấp cứu, lại lật đật lên đường. 2h sáng mới trở về nhà… Mệt quá nằm ngủ luôn tại ghế. Đêm đó bị cảm lạnh, sáng sau cơ thể mệt rã rời nhưng vẫn cố gắng đến điểm tiêm, đến nơi thấy người dân đang nhao nhao quây kín trạm, bao nhiêu uất ức dồn nén, chị đã khóc ngay tại đó. Lúc đó không còn tâm trạng để khám cho người dân, muốn bỏ mặc quay trở về nghỉ ngơi, nhưng rồi lại nhẫn nại, tiếp tục công việc trong tâm trạng không thể tồi tệ hơn" - BS Nguyễn Hải Băng (Trạm trưởng TYT phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) kể về một người đồng nghiệp.

Hiện nay, COVID-19 đã đi được kiểm soát, quay trở lại với công việc thường ngày, nhân viên y tế cơ sở lại xoay vòng vòng với nhiều chương trình như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết, dịch cúm,… Tất cả lại tất bật cho công tác truyền thông phòng dịch.

Cũng như công tác phòng chống các dịch bệnh khác, như sốt xuất huyết, với góc độ chuyên môn phải vận động người dân 100% thực hiện vệ sinh môi trường kết hợp với phun hóa chất mới thực hiện triệt để được phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên khi nhân viên y tế đến nhà kiểm tra, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh nhiều gia đình tỏ ra chống đối, cáu gắt, bất hợp tác.

Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng nếu không may dịch bùng phát trách nhiệm lại dồn cho ngành y tế.

Trong đợt dịch nhân viên y tế bị "khủng bố" điện thoại cả ngày, người dân ra trạm biểu tình, phản đối. Đã có lúc những cán bộ y tế phải án binh bất động trong trạm, cho tới khi công an tới mới về được.

Nghỉ việc... cực chẳng đã

Chị Nguyễn Thanh Lam một trong số những nhân viên hợp đồng ở Khoa KSBT, TTYT quận Đống Đa kể, từ năm 2015 đến nay, sau 7 năm mức thu nhập của chị vẫn duy trì con số 2.470.000 đồng. Vì là nhân viên hợp đồng nên chị không có phụ cấp hay khoản thu nhập nào khác. Hiện tại Khoa KSBT (TTYT quận Đống Đa) đang có 4 nhân viên y tế hợp đồng duy trì mức lương này.

Công việc của chị liên quan đến y tế dự phòng, với bất cứ bệnh dịch nào luôn là người phải có mặt đầu tiên, bất kể lúc đó là ban ngày hay đêm muộn.

24 giờ đêm vẫn dưới khu dân cư điều tra dịch tễ là chuyện bình thường. Do tính chất công việc phải di chuyển dưới cơ sở, đi giám sát tại các địa bàn nên giờ giấc không cố định, vì thế không có thời gian để làm thêm bất cứ việc gì.

Như đợt dịch năm trước, cả năm ở cơ quan (không phải chỉ riêng chị mà cả khoa Kiểm soát bệnh tật đều như vậy), chỉ ghé nhà 5-10 phút lấy bộ quần áo rồi lại đi. Nhiều tháng trời con chị không được mẹ bế ẵm. Mọi công việc gia đình giao phó hết cho chồng.

Nhân viên y tế nghỉ việc: 7 năm gắn bó, lương chỉ hơn 2 triệu đồng - Ảnh 3.

Chị Lam trong một lần kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại khu dân cư địa bàn phường Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội).

Đến giờ khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chị lại tất bật với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng... Nói chung công việc không có thời gian ngơi nghỉ mà rất áp lực, nguy cơ lây nhiễm cao.

Công việc nhiều áp lực và thu nhập lại không tương xứng. Do vậy, sau dịch, khi biết tin các đồng nghiệp tại các đơn vị khác lần lượt xin nghỉ việc chị không hề ngạc nhiên.

Bản thân chị cũng đã có nhiều lời khuyên nên nghỉ việc, bởi với mức thu nhập không bằng sinh viên làm thêm, chưa đủ lo cho bản thân thì nói gì đến chăm lo cho gia đình và con cái. Nhưng có lẽ duyên nợ với nghề còn chưa dứt nên vẫn còn trụ lại.

Nhân viên y tế nghỉ việc: 7 năm gắn bó, lương chỉ hơn 2 triệu đồng - Ảnh 4.

Nhân viên y tế phường Quốc Tử Giám hướng dẫn người dân cách diệt loăng quăng, bọ gậy phòng dịch sốt xuất huyết.

Trước đây, TYT phường Quốc Tử Giám có 6 nhân viên y tế nhưng một người đã xin chuyển công tác, hơn một năm nay phường cũng tìm kiếm nhân sự nhưng không có nhân viên y tế nào muốn về cơ sở bởi thời gian làm việc nhiều nhưng chế độ thu nhập quá thấp. Do vậy, có thời điểm cả trạm bị F0 nhưng vẫn phải đi làm, vì nghỉ cũng không biết lấy ai làm.

"Đợt dịch vừa rồi sinh viên của các trường về thực tập, rồi những nhân viên y tế được điều động về phường. Tất cả đều hỗ trợ phường rất nhiệt tình nhưng khi ngỏ ý muốn tuyển dụng lâu dài không ai đồng ý, trải qua đợt dịch tất cả đều sợ, công việc quá nhiều, quá áp lực mà mức thu nhập lại không tương xứng nên mọi người ngại"- BS Vũ Thị Hồng Mai Trạm trưởng TYT phường Quốc Tử Giám cười buồn.

Thực sự có yêu nghề, mới trụ lại được với nghề bởi công việc quá vất vả mà thu nhập thì chưa tương xứng. Mới đây Nhà nước có quy định tăng mức ưu đãi nghề cho cán bộ y tế tuyến đầu phòng chống dịch 100% lương nhưng đến bây giờ vẫn chưa có cơ chế nào để thanh toán cho nhân viên y tế.

"Mong thời gian tới Nhà nước quan tâm cho tuyến y tế cơ sở nhiều hơn để mọi người yên tâm công tác.

Đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên y tế cơ sở nâng cao năng lực chuyên môn cho để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện nay, đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ tốt hơn cho cho công việc và người dân…" BS Mai bày tỏ.

Thiết nghĩ để có một nền y tế khỏe mạnh thì công tác dự phòng phải tốt, phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, hơn ai hết y tế cơ sở phải là đối tượng được quan tâm, chăm sóc hàng đầu về vật chất lẫn tinh thần. Đời sống của họ có "no đủ" thì mới thực hiện tốt được công việc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày