Vẫn là những chiếc xe nước mía truyền thống lớn lên cùng biết bao thế hệ, vẫn là cô gái với mái tóc bồng bềnh cùng li nước mía quen thuộc trong tâm trí biết bao con người, nhưng liệu đã bao giờ bạn dừng lại vài phút để đặt ra câu hỏi: Người ấy là ai?
Ảnh: Rồng Phạm
Đối với đại đa số các thế hệ 9X trở lại, những buổi rong chơi ăn hàng dường như luôn có sự hiện diện của một hàng xe nước mía, nhất là vào những buổi trưa hè, cái nắng cái oi bức muốn thiêu rụi tâm hồn của những con người ở miền xích đạo. Ở cái thời mà khi các trung tâm thương mại hay những quán cà phê tiện nghi vẫn còn là một cái gì đó quá xa xỉ, xe nước mía xuất hiện như những vị cứu tinh cho cơn khát.
Chiếc xe nước mía quen thuộc. Ảnh: Facebook Cô Mía
Không biết tự bao giờ mà cách nhận biết một chiếc xe nước mía là phải có hình ảnh người con gái với mái tóc đen được chải chuốt cầu kì với một ly nước mía trên tay, kèm theo đó là nụ cười "bí hiểm". Chưa hết, bên cạnh nhân vật này lúc nào cũng phải có một loạt các loại trái cây như thanh long, dứa (thơm), cà rốt, cà chua, mít...
Cô Mía có sức ảnh hưởng đến nỗi nhiều người thời đó còn tin rằng: xe nào không có mặt cô thì nước mía ở chỗ đó "thiếu thiếu", không ngon và không nguyên chất!
Hình ảnh chiếc xe nước mía cùng với cô Mía quen thuộc với bao thế hệ. Ảnh: Facebook Cô Mía
Trước khi "cô Mía" xuất hiện, những chiếc xe bán loại nước uống bình dân này vẫn được làm bằng gỗ, trang trí đơn giản và bày bán khiêm tốn ở các góc đường.
Một hàng xe nước mía ở những năm 1960. Ảnh: Flickr manhhai
Tuy nhiên, cho đến khoảng từ sau năm 1990, hình ảnh cô Mía bỗng "viral" trên tất cả các mặt trận xe nước mía. Ở các hình ảnh tư liệu về Sài Gòn xưa, các hàng xe nước mía luôn có sự hiện diện của cô Mía.
Đối với cư dân miền Nam và miền Trung mà nói, dường như vị trí địa lý cận xích đạo đã vô tình thúc đẩy sự hiện diện của các quầy xe nước mía trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đương nhiên cô Mía cũng từ đó mà lớn lên cùng tuổi thơ của các lứa 8X, 9X sau này.
Thậm chí cô Mía còn "du lịch" sang hẳn những nước bạn như Lào và Campuchia. Bằng cách nào thì đến nay vẫn còn là một ẩn số với rất nhiều người.
Xe nước mía ở Luongprabang, Lào. Ảnh: Facebook Cô Mía
Mặc dù phần lớn chúng ta đều nhớ về cô trong tâm trí và thậm chí có thể miêu tả cô một cách tỉ mỉ khi được hỏi, nhưng "xuất thân" của cô dường như ít được quan tâm và chia sẻ hơn. Giai thoại về cô gần như bằng không trong kho tàng dân gian hiện đại Việt Nam.
Vào năm 2013, một trang Fanpage trên Facebook chính thức được mở ra cho cô bởi nghệ sỹ graffiti Liar Ben. Anh bạn này trở nên hứng thú với cô Mía từ năm 2010 và quyết định thực hiện một công trình nghiên cứu về nguồn gốc về cô.
Đã có không ít người trở nên hứng thú với xuất thân và nguồn gốc của cô. Ảnh: Facebook Cô Mía
Năm 2015, Ben tổ chức một buổi nói chuyện về Nghệ Thuật tại Nhà Sàn Collective tại Hà Nội với mong muốn lắng nghe thêm chia sẻ về vị "đại sứ thương hiệu" cho ngành nước mía Việt Nam. Tuy nhiên, không phải cố gắng nào cũng mang về kết quả như mong đợi.
Ben chia sẻ trên Facebook rằng: “Mục tiêu trong việc quảng bá và tìm hiểu đã đưa tôi đến gần hơn cơ hội khám phá bí ẩn đằng sau cô Mía. Tuy vậy, thật tình tôi phải nói rằng mục tiêu của mình sẽ không thành hiện thực vì phần lớn những nghệ nhân vẽ cô Mía đã qua đời, vì vậy những hình vẽ hiện nay chỉ là sự sao chép lại của quá khứ.”
Với sự xuất hiện của nhiều hình ảnh và thiết kế hiện đại của xe nước mía ngày nay. Cô Mía đang dần dần mất đi vị thế xưa kia của mình. Tuy vậy, hình ảnh của cô mãi luôn là một phần trong ký ức của biết bao con người trước thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay.
Hình ảnh đại sứ thương hiệu nước mía Việt Nam chắc sẽ khó có ai vượt mặt được người con gái "vô danh" này: Cô Mía hiện vẫn đang là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sỹ, dù là giữ phong cách cổ điển ngày xưa hay biến tấu theo nhịp sống hiện đại.
Emoticon của cô Mía. Ảnh: Min Non
Xe nước mía ở một bảo tàng Pháp. Ảnh: Facebook Cô Mía
Nguồn tham khảo: saigonneer.com